PGS Nguyễn Lân Cường: Dùng âm nhạc để “chấn chỉnh” giao thông
(TT&VH) - PGS nhân chủng học Nguyễn Lân Cường còn là một nhạc sĩ. Nếu như công việc “khai quật mộ cổ” cho ông nhiều đam mê, thì vấn nạn giao thông lại khiến ông bức xúc, và hình thành nên “cảm hứng” để sáng tác nhạc. Vừa qua, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật “Văn hóa giao thông” (diễn ra tại rạp Hồng Hà ngày 17/10), ca khúc Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi của ông đã làm cho rất nhiều khán giả thích thú. Đây là ca khúc được ông viết gần như “trên yên xe” khi bắt gặp một tình huống khó quên trên đường.
Ông kể: “Lần ấy, tôi đang dừng ở đèn đỏ thì bên cạnh có một ông đèo con vượt lên. Đứa con ngồi sau “phê bình bố”: “Ơ, sao bố lại đi? Sao bố lại vượt đèn đỏ! Bố mà đi học, bố sẽ không được phiếu bé ngoan vì cô giáo con bảo, đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi! Những gì cháu nói với bố, tôi đã rất nhớ và nó trở thành một phần ca từ trong bài hát Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi.
Ý thức giao thông của người dân quá kém
PGS - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường trong một màn chỉ huy tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Câu chuyện trên chỉ là “ngòi nổ” của cảm xúc. “Ngày nào đi làm tôi cũng bị tắc đường. Đồng nghiệp của tôi và nhiều người khác nữa cũng vậy nên tỏ ra bức xúc lắm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì nhiều, song tôi nghĩ một nguyên nhân quan trọng là do ý thức của người tham gia giao thông rất kém”.
Ông cho rằng, giao thông ở nước mình đang trong tình trạng báo động. Báo động là vì ý thức của người dân quá kém. Tôi đã đến nhiều nước, chứng kiến và tham gia giao thông cùng với người dân của họ, nghĩ đến giao thông nước mình mà cảm thấy chạnh lòng. Chẳng lấy ví dụ đâu xa, tôi sang bên Lào, đi trên đường, tôi chẳng thấy, hoặc thi thoảng mới nghe tiếng bấm còi. Tôi nói thật, nếu nghe tiếng còi dồn dập thì chắc hẳn là người Việt Nam đang đi xe ở Lào chứ không phải người Lào. Còn ở Việt Nam, chẳng nói thì ai cũng biết, cứ ra đường là “nhức óc”. Họ bấm còi loạn xạ, bấm còi vô tội vạ. Vì sao lại thế? Tôi cho rằng cái thói quen này từ lâu nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người ta rồi. Vì vậy, nếu muốn giao thông tốt hơn, trước tiên họ phải sửa những thói quen như thế. Sửa bằng mọi giá nếu không muốn giao thông càng ngày càng trở thành một vấn nạn không thể “cứu chữa”.
Từ đèn xanh, đèn đỏ đến đua xe
Ngoài ca khúc Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi, mới đây, PGS Cường còn viết bài Đua xe. Viết bài hát này, PGS Cường đã phải “nhập tâm” làm một tay đua xe để nói lên cảm xúc chung của những người có thói quen lạng lách, đua xe trong thành phố, nhưng có kết cục rất là bi đát. Ông dự định trong thời gian tới, nếu “rủng rỉnh” tiền sẽ tập hợp một số ca khúc viết về giao thông thu CD hoặc kết hợp cùng với một số nhạc sĩ khác có những ca khúc về đề tài này xuất bản thành album nhạc.
Bức tranh giao thông hỗn loạn
Để khắc phục, dù phần nào về thực trạng giao thông hiện nay, PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng bên cạnh phân luồng, cần phải có chế tài phạt thật nặng. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Ai vi phạm khi tham gia giao thông, cứ phải phạt thật nặng. Phạt nặng, tôi tin khắc đâu sẽ vào đấy. Gần đây, tôi để ý rất nhiều người đã “quên” mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và việc đua xe lạng lách trong thành phố chúng ta vẫn chưa ngăn chặn triệt để. Tôi mong rằng các nhà quản lý không nên nản chí. Ai nói, ai phản ứng, ai phàn nàn là việc của người ta, còn mình là cơ quan quản lý thì mình vẫn phải làm, làm quyết liệt, làm triệt để và khoa học!”
“Văn hóa giao thông” thực ra nó có từ lâu rồi, nhưng ngày nay, văn hóa giao thông không tốt là vì ý thức của người dân chưa tốt. Văn hóa giao thông chưa được sâu, chưa được rộng, chưa thấm được vào ý thức của con người để con người khi tham gia giao thông có được những hành xử văn hóa. Chính vì không có văn hóa giao thông nên chính con người đã làm cho tai nạn giao thông ngày một tăng lên” - TS - nhạc sĩ Phạm Việt Long. |