PGS-TS Hoàng Dũng: 'Cách cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền là bấp bênh'
(Thethaovanhoa.vn) - PGS-TS Hoàng Dũng (Đại học Sư phạm TP.HCM) là một chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học hiện nay. Ông chia sẻ quan điểm khoa học về lối “cách tân” tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền.
- Cách viết tiếng Việt hiện nay có thật sự bất cập?
- 'Chữ nghĩa mang hồn vía/ Của tiếng Việt ngàn năm...'
“Ông Bùi Hiền không có ý định “cách tân” tiếng Việt, mà chỉ đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ dựa trên hai điều then chốt: dựa vào tiếng Hà Nội; và theo nguyên tắc “mỗi ký tự chỉ ghi một âm và một âm chỉ được ghi bằng một ký tự”. Hai điều này đều bấp bênh” - TS Hoàng Dũng bắt đầu câu chuyện.
* Vậy thì điều ông ấy nói rằng chữ quốc ngữ cải tiến của mình dựa trên tiếng nói văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn. Điều này có thực sự là chuẩn không?
- Tiếng nói của cả một dải dài từ miền Trung cho đến miền Nam đều không có đủ 6 thanh điệu nhưng lại phân biệt TR/CH, S/X, R/GI-D, một điều vắng mặt trong tiếng nói Thủ đô. Có thể xem tiếng Thủ đô là tiếng chuẩn - nhiều nước như Pháp, Anh, Trung Quốc... cũng làm như thế. Nhưng thế giới không ai sửa chữ viết, vốn được dùng trong phạm vi cả nước, theo hướng chỉ phù hợp với cách phát âm của Thủ đô.
Lưu ý là cách phát âm của một địa phương là tài sản văn hóa của địa phương đó và cũng của cả nước. Không có lý do gì lại xóa đi sự phân biệt ngữ âm phổ biến trong các địa phương không thuộc địa bàn Thủ đô, bắt ép mọi người dân trong cả nước phải dùng một con chữ để chỉ nhiều âm mà họ phân biệt rất rõ.
Về mặt khách quan, đó là chủ trương nhân danh sự tiến bộ để xóa bỏ sự đa dạng của địa phương, theo hướng có thể gọi là “Hà Nội trung tâm luận”, kết quả là làm nghèo đi vốn văn hóa của cả nước.
* Ông ấy cũng cho rằng “chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”. Theo ông thì chữ quốc ngữ hiện tại có cần phải cải tiến như cách này không?
- Ông Bùi Hiền chê chữ quốc ngữ bất hợp lý là dựa vào nguyên tắc của âm vị học “mỗi ký tự chỉ ghi một âm và một âm chỉ được ghi bằng một ký tự”. Theo đó, chẳng hạn, trường hợp ba con chữ C, K, Q dùng để biểu thị một âm /k/, được cho là một khuyết điểm.
Ông quên rằng ngày nay giới chuyên môn nhận thức rất rõ rằng chữ viết không phải là chuyện thuần túy ghi lại ngữ âm. Nó được đọc bằng mắt, chứ không phải nghe bằng tai. Thành thử nhận thức chữ viết với nhận thức lời nói là rất khác nhau; và nếu tuổi đời của một hệ chữ viết càng lâu, thì nó tạo ra những liên tưởng rất riêng, không giống với việc nghe một ai đó nói.
Nhìn theo hướng đó, hệ chữ viết cũng là hệ văn hóa. Chẳng hạn, theo cách viết của Bùi Hiền, thì quốc gia sẽ viết là kuốk za, trong khi theo thời gian, hình thức quốc gia đã kịp đóng đinh trong trí não của người Việt những liên tưởng thiêng liêng về lòng yêu nước, về tình tự dân tộc, mà hình thức “mới” kuốk za sẽ vô hồn, khó lòng gợi trong người Việt một tình cảm gì đặc biệt.
Không phải ngẫu nhiên mà ty giáo dục thì thường viết với y, trong khi ti tiện thường viết với i - đồ hình (graphic) của i dễ xui người ta nghĩ đến cái gì đó nhỏ bé. Và tôi sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu ai đó viết thư cho tôi mà ghi người nhận là Hoàq Zũq, chứ không phải là Hoàng Dũng.
Mặt khác, điều này sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là ca; sa và xa đều viết là sa; gia, da và ra đều viết là za.
Ông Bùi Hiền nói rằng đề xuất của ông sẽ giúp giảm 8% thì giờ so với cách viết cũ. Tôi không biết cơ sở tính toán của ông, cho nên không biết con số 8% có đáng tin hay không. Nhưng lẽ nào vì thế mà làm đảo lộn cả một hệ thống chữ viết đã quen dùng?
Chữ quốc ngữ hiện tại, bất chấp những “khuyết điểm” của nó, không cần phải cải tiến gì cả. Năm 1902 người ta đã thành lập một ủy ban và tổ chức cả một hội nghị suốt ba ngày để nghiên cứu cải tiến nó. Và từ đó đến, trong suốt hơn 100 năm, có bao nhiêu là ủy ban, là hội nghị, là đề xuất của cá nhân và tổ chức, mà nhìn chung đều bất lực.
Chữ quốc ngữ vẫn sống khỏe và tờ Thể thao & Văn hóa cũng như hàng trăm tờ báo khác, hàng vạn trang sách được xuất bản mỗi ngày đều bằng thứ chữ đầy “khuyết điểm” đó thôi. Cũng có những thay đổi nho nhỏ, như dấu gạch nối giữa những từ đa tiết ngày nay hầu như không ai dùng nữa; nhưng đó không phải là ký tự ghi âm - đối tượng mà ông Bùi Hiền muốn cải cách.
* Nếu cải tiến rốt ráo như ông Bùi Hiền đề nghị, hệ lụy của nó sẽ là gì?
- Rất nhiều. Tôi chỉ nêu hai trong số đó: (1) Sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ quốc ngữ “cũ”; (2) Muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.
* Nhìn lại lịch sử ký âm và cấu thành chữ quốc ngữ, nó thường phải tuân theo những nguyên tắc, quy luật căn bản nào? Cách của ông Bùi Hiền có đi theo quy luật này không?
- Phải phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử một hệ chữ viết. Giai đoạn hình thành thì số lượng người sử dụng rất hạn chế và việc cải tiến tương đối dễ. Giai đoạn ổn định là lúc hệ chữ viết đã phổ biến, thì rất khó thay đổi và nếu có thay đổi thì chỉ ở những điểm nhỏ và diễn ra dần dà, nếu không muốn tạo ra những đứt gãy văn hóa rất tai hại. Lịch sử tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Việt là như thế.
Ông Bùi Hiền làm cách khác: Ông muốn cải cách chữ viết theo kiểu “cả gói”, “một lần cho xong”. Trên thế giới, chỉ ở những nước có chế độ tập quyền mạnh, có khả năng cưỡng bách dân chúng phải thực hiện mọi quyết định hành chính, thì cách đó mới có cơ may thành công. Còn nếu để cho chữ viết sống cuộc đời tự nhiên của nó, thì đó là một giải pháp không có chút khả năng nào trở thành hiện thực.
* Trong giới ngôn ngữ hàn lâm, ông Bùi Hiền là người của những nghiên cứu, hay của những công trình khả tín nào?
- Nói thật tôi chỉ biết ông Bùi Hiền là một người có chuyên môn là tiếng Nga, được đào tạo ở Trung Quốc và Liên Xô (cũ), tác giả của nhiều bộ từ điển và sách giáo khoa tiếng Nga, là một giảng viên kỳ cựu của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Văn Bảy (thực hiện)