PGS Phạm Văn Tình: Xem tuyển Nga, lại nhớ 'dớp' bóng đá Liên Xô
(Thethaovanhoa.vn) - Kể ra cũng hơi kỳ cục, khi từ World Cup 2018, câu chuyện lại quay về bóng đá Liên Xô của 30, 40 năm trước. Nhưng đó là sự thực: với những khán giả lớn tuổi như PGS Phạm Văn Tình, chắc chắn những trận đấu của đội tuyển Nga sẽ gợi ra mọi liên tưởng về đội tuyển Liên Xô – niềm vui và cả nỗi buồn của khán giả Việt Nam một thời.
- Điểm nóng World Cup: Pháp - Argentina
- Hope Solo: 'Mỹ vắng mặt ở World Cup vì bóng đá chỉ dành cho người da trắng và giàu có'
Và, trước trận Nga – Tây Ban Nha vào tối nay 1/7, PGS Phạm Văn Tình đã chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa những ký ức của mình.
* Vài chục năm trước, chúng ta từng mê mẩn với đội tuyển Liên Xô. Nhưng bây giờ, nhìn lại một cách công tâm sau vài chục năm, anh nghĩ rằng nền bóng đá Xô viết có thật sự mạnh không?
- Thực tế, dù không phải là một nền bóng đá định hình được phong cách riêng như Hà Lan, Đức hay Italy, Liên Xô từng là đội bóng có truyền thống. Họ giành vô địch đầu tiên của châu Âu vào năm 1960 và giành hạng tư thế giới năm 1966. Còn ở góc độ cá nhân, Liên Xô đóng góp 2 gương mặt nổi bật cho lịch sử bóng đá: thủ môn Lev Yasin và HLV Lobanovsky.
Nhưng mọi thứ chỉ dừng ở đó. Đội tuyển Liên Xô có lối chơi tốc độ, cống hiến, khởi đầu thường rất ấn tượng... nhưng lại thường gục ngã ở những trận đấu mang tính quyết định.
* Khi xưa, chúng ta vẫn giải thích điều ấy với nhau bằng lý do: càng vào sâu ở các giải lớn, Liên Xô càng dễ bị trọng tài “tư bản” ép. Rồi, càng vào sâu, các cầu thủ của họ càng ít chịu phối hợp mà thích chuyển sang rê dắt, biểu diễn để được “bóng đá tư bản” chú ý và mua về...
- Tôi nghĩ, đó là những câu chuyện mang tính giai thoại. Giống như những lời kể rằng hễ gặp Liên Xô, đội tuyển của các nước Xã hội chủ nghĩa đều chấp nhận... nhường, để “anh cả” được vào sâu (cười). Lý do của điều ấy một phần bởi người Việt Nam trước đây vốn rất yêu bóng đá Liên Xô, một phần khác bởi chúng ta khi ấy cũng chủ yếu tiếp nhận thông tin về bóng đá qua báo, đài Liên Xô là chủ yếu.
Thẳng thắn, đội tuyển Liên Xô luôn thiếu một yếu tố quan trọng: bản lĩnh trong những thời điểm quyết định. Đáng buồn, đó chính là điều làm nên đẳng cấp của một nền bóng đá. Họ có thể khiến khán giả phải kinh hoàng vì những trận đầu giải, với lối đá vô cùng khoa học, hiện đại và tối ưu về mặt chiến thuật. Nhưng vào sâu, gặp những đối thủ bản lĩnh hơn, biến cách áp chế sự hưng phấn đang có, thì các cầu thủ Liên Xô đánh mất mình ngay.
Không phải ngẫu nhiên, báo chí thế giới khi đó dùng cụm từ “tia chớp bóng đá Xô Viết”: lóe lên, làm bừng sáng cả bầu trời rồi lập tức chìm vào bóng tối rất nhanh.
* Hẳn anh cũng có những kỷ niệm riêng về bóng đá Liên Xô trong những lần “lóe sáng” ấy?
- Tôi đặc biệt ấn tượng với tuyển Liên Xô tại World Cup 1986 và Euro 1988 – 2 giải đấu mà Lobanovsky cầm quân. Dưới bàn tay của “Loba vĩ đại", tuyển Liên Xô khởi đầu những giải đấu ấy với phong độ tuyệt vời.
Ở Mexico 1986, Liên Xô mở đầu bằng trận gặp Hungary. Tuyển Hungary khi ấy không hề xoàng, họ thắng cả Brazil ở trận giao hữu trước giải.Vậy nhưng, Liên Xô thắng Hungary tới 6-1, trong trận đấu mà báo chí nói rằng họ chơi với tốc độ của máy bay siêu âm. Sang trận tiếp sau, Liên Xô hòa Pháp của Platini trong thế trận áp đảo hoàn toàn.
Vậy nhưng, vào vòng trong gặp Bỉ, Liên Xô lại cho thấy họ không mạnh như ta tưởng và thua Bỉ 3- 4. Nhiều người nói rằng trọng tài ép Liên Xô, nhưng nếu xem lại trận đấu, ta sẽ thấy Liên Xô chơi không hề hay.
Giải Euro 1988 cũng vậy. Liên Xô của những Mikhailitchenco, Zavarov, Belanov... liên tục thắng Hà Lan, Anh, Ý, để rồi vào chung kết lại gặp Hà Lan, thua 0 – 2. Xem trực tiếp trận ấy, như các khán giả Việt Nam, tôi “chết sững” mất mấy ngày... (cười). Chết sững, nhưng bình tĩnh nghĩ lại thì trận đó Liên Xô không có cửa thắng. Họ chơi nhạt nhòa, quả phạt đền duy nhất cũng bị Belanov đá hỏng.
* Vậy, ông thấy bóng đá Nga bây giờ so với bóng Liên Xô khi xưa thì sao?
- Đủ để chúng ta hoài niệm về một thời xưa cũ, nhưng chất lượng không thể bằng. Thực chất, trong đội tuyển Liên Xô trước đây, những cầu thủ Ukraina chiếm một vị trí rất quan trọng. Những cầu thủ kĩ thuật nhất trong lịch sử bóng đá Liên Xô đều đến từ Dinamo Kiev của Ukraina, hoặc Dinamo Tbilisi của Gruzia….
* Và tối nay, Nga sẽ bước vào trận đấu với Tây Ban Nha. Ông nghĩ, họ sẽ có một trận đấu thế nào?
- 2 trận đầu vòng bảng họ gặp Arab Saudi và Ai Cập, họ đá hay thật sự. Nhưng đến trận cuối thua Tây Ban Nha 0-3, những nhược điểm của đội tuyển Nga đã lộ ra. Nhiều người giải thích đó là trận thủ tục, và Nga sử dụng đội hình dự bị. Nhưng rõ ràng, điều ấy cũng cho thấy sự thất thường của hậu duệ bóng đá Xô viết cũ.
Nga sẽ rất khó đá. Rất có thể, hành trình của họ sẽ dừng ở đây. Nhìn chung, những trận thắng vừa qua và việc lọt vào vòng 2 đã giúp Nga hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà rồi.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Sơn Tùng (thực hiện)