Pep Guardiola đưa bóng đá tổng lực lên tầm cao mới
(Thethaovanhoa.vn) - Pep Guardiola đã áp dụng thứ bóng đá tổng lực vào Man City và đang đưa nó lên một tầm cao mới.
Tại World Cup 1974, đội tuyển Hà Lan của HLV Rinus Michels đã trình diễn thứ bóng đá tổng lực mà Johan Cruyff là một cầu thủ quan trọng trong đó. Trên đường vào Chung kết, Hà Lan đã đánh bại Brazil và Argentina, nhưng rồi họ gục ngã trước cửa thiên đường khi thua chủ nhà Tây Đức trong trận cuối cùng.
Từ bóng đá tổng lực của Rinus Michels...
Michels tin rằng các cầu thủ giỏi có khả năng đá ở nhiều vị trí khác nhau trong đội. Ông chính là người thầy tuyệt vời của Johan Cruyff. Chính Cruyff sau này đã đưa thứ bóng đá tổng lực của Hà Lan lên một tầm cao mới trong thời gian ông dẫn dắt CLB Ajax và Barca vào những năm 80 và 90 của thế kỉ trước.
Cruyff đã truyền cảm hứng cho Pep Guardiola, lúc đó mới 17 tuổi, khi danh thủ người Hà Lan tới dẫn dắt Barca vào năm 1988. Trong cuốn tự truyện nhan đề “My turn” của mình, Cruyff giải thích rằng vì sao mà Pep Guardiola và Ronald Koeman dù “không phải là những hậu vệ và chẳng có tốc độ tốt” lại có thể phù hợp một cách hoàn hảo với triết lý bóng đá của ông.
Cryff cũng nêu ra 3 cách để triệt tiêu các pha tấn công của đối phương là dùng sweeper keeper (thủ môn quét), các hậu vệ cánh có tốc độ cực nhanh và các tiền vệ-hậu vệ. Điều này dường như rất tương đồng với Man City ở thời điểm hiện tại.
Pep có thể đã xem Fernandinho và John Stones như bản thân ông và Koeman trước đây. Nhưng nếu nói rằng Pep đã sao chép triết lý của Cruyff thì có lẽ là thiếu tôn trọng với HLV người Tây Ban Nha, đặc biệt sau khi vị chiến lược gia này giúp Man City thắng liên tiếp trước Chelsea và Stoke.
Rõ ràng, Pep đã đưa khái niệm về việc một cầu thủ không chỉ đá ở vị trí đơn thuần và được đòi hỏi phải đảm nhiệm vai trò khác vào ngay trong Man City, đội bóng mà ông đang dẫn dắt.
... Đến bóng đá tổng lực phiên bản Man City
Fernandinho, một tiền vệ sáng tạo, đã được cho phép chơi tự do ở phía trước 2 trung vệ, trong khi một tiền vệ người Anh Fabian Delph thì được sử dụng ở vị trí hậu vệ cánh. Đấy là những ví dụ cho thấy Pep đang áp dụng thứ bóng đá tổng lực ở Man City. Trên thực tế, Pep đã thể hiện điều này từ hồi còn ở Bayern Munich, khi ông kéo các hậu vệ cánh là David Alaba và Philipp Lahm lên chơi ở hàng tiền vệ. Pep cũng nhiều lần khen Lahm và cho rằng anh có thể đá ở “10 vị trí”.
Ở trận gặp Stoke, Man City đã trình diễn thứ bóng đá tuyệt vời, đặc biệt là ở pha ghi bàn của Sterling. Có tới 10 cầu thủ tham gia vào pha tấn công này với 15 đường chuyền (không có đường chuyền bổng hay chuyền dài vượt tuyến nào) trước khi Sterling ghi bàn. Đây chính là bàn thắng đẹp nhất trận, dù cho Man City cũng đã ghi được 6 bàn thắng đẹp mắt khác.
Khi mà Pep đang cố gắng cải tiến bóng đá tổng lực, các CĐV Man City có lẽ là những người sung sướng nhất. Trong khi đó, M.U của Mourinho thì trái ngược hoàn toàn, với triết lý dựa trên việc phòng ngự để ngăn chặn đối thủ và tránh thất bại ở những trận cầu lớn.
Cây bút thể thao Martin Samuel cũng từng nhắc về sự khác nhau giữa Man City và M.U trong bài viết gần đây. Samuel chỉ ra rằng Man City thi đấu đầy tham vọng và đá tấn công ở những trận đấu lớn. “Sẽ chẳng có trận nào mà Man City hài lòng với kết quả hòa khi họ ra về”, Samuel nhấn mạnh. Trong khi đó, ông nhận xét M.U là một đội bóng đầy thực dụng và trích dẫn phát biểu của HLV Klopp: “M.U muốn vô địch Premier League. Tôi chắc chắn Liverpool không thể đá kiểu này, kể cả sau hơn 100 năm không có danh hiệu. Chúng tôi không thể tử thủ và nói “Hãy chờ đợi thời cơ”.
Lúc này, cuộc đua vô địch Premier League đang trở nên kịch tính và hấp dẫn, khi mà Man City và M.U với triết lý khác nhau, giữa thứ bóng đá tổng lực của Pep và sự thực dụng của Mourinho, đang cạnh tranh với nhau.
Sơn Tùng
Theo M.E.N