Paul Scholes: Không người đại diện, không đòi tăng lương, ít tiền vì không đủ đẹp trai
(Thethaovanhoa.vn)- "Thành thật mà nói, chơi bóng là tất cả những gì tôi muốn làm", trong suốt sự nghiệp kéo dài 20 năm của mình, Paul Scholes luôn theo đúng tâm niệm đó.
- Vingroup mất 8 tháng đàm phán để đưa Giggs, Scholes đến Việt Nam
- Công Phượng mang số áo của Công Vinh, Ryan Giggs và Scholes cố vấn cho PVF
- Những bình luận BẤT HỦ của thế giới bóng đá về Paul Scholes
Sinh ra và lớn lên ở Manchester, sự nghiệp của Paul Aaron Scholes bắt đầu vào năm 1991. Hai năm sau, Scholes ký hợp đồng chuyên nghiệp và có màn ra mắt đội 1 của M.U trước Port Vale ở League Cup. Nhưng phải tới mùa giải 1995/96, Scholes mới thực sự tạo được dấu ấn khi được bố trí đá cặp với Andy Cole trên hàng công "Quỷ đỏ". Mùa giải 1997/98, Roy Keane bị chấn thương, Scholes được đẩy xuống chơi ở trung tuyến thế chỗ. Kể từ đó, một trong những tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất thế giới ra đời.
Cùng với Thế hệ Vàng 1992, Scholes đã đưa M.U giành vô vàn danh hiệu. Bộ sưu tập của anh có 11 Premier League, 2 Champions League, 3 FA Cup... Nhưng đằng sau tài năng ấy, người ta còn nhớ đến Scholes ở những khía cạnh khác, rất đặc biệt.
Được ra sân là tất cả
Scholes là thành viên quan trọng trong đội hình giành cú ăn ba năm 1999 của M.U. Nhưng đáng tiếc trong trận chung kết Champions League năm đó, Scholes và Roy Keane phải ngồi ngoài vì bị treo giò. Cho đến bây giờ, Scholes vẫn chưa quên được cảm giác cay đắng khi phải ngồi ngoài trong trận cầu quan trọng nhất của sự nghiệp một cầu thủ.
"Tôi cảm thấy mình thật vô dụng. Tôi cảm thấy như có cả thế giới ngăn cách tôi và cầu thủ đang chơi trên sân. Dù có bao nhiêu người đồng cảm với tôi đi chăng nữa thì thực tế là tôi vẫn ngồi bên ngoài, hoàn toàn dư thừa".
Với Scholes, được ra sân là tất cả.
Scholes bị bệnh hen và phải dựa vào các loại thuốc trước mỗi trận cầu. Anh từng phàn nàn về việc bị mờ mắt sau trận đấu với Birmingham trong mùa giải 2005/06. Một nỗi sợ dấy lên trong lòng Scholes. Anh lo rằng mình có thể kết thúc sự nghiệp chơi bóng. May cho Scholes khi điều tồi tệ nhất đã không xảy ra.
David Beckham, trong cuốn tự truyện của mình, đã miêu tả về tính cách trầm lặng của Scholes. "Paul trầm lặng đến nỗi các đồng đội luôn cảm thấy tội nghiệp cho cậu ấy. Có tin đồn là Scholes tắt điện thoại di động ngay sau buổi tập và không bật lại cho tới khi đến Carrington vào sáng hôm sau. Địa chỉ nhà riêng Scholes cũng chỉ cho rất ít đồng đội biết. Scholes chỉ tập trung vào bóng đá".
Nhưng trên sân, Scholes tương phản với sự trầm lặng ngoài đời thường. Số 18 của M.U chưa bao giờ ngần ngại với những va chạm. Suốt sự nghiệp thi đấu, Scholes phải nhận tới 99 thẻ vàng và 4 thẻ đỏ tại Premier Legaue, xếp thứ 3 trong danh sách các cầu thủ lĩnh nhiều thẻ nhất của giải. Ở Champions League, chưa có cầu thủ nào bị phạt tới 32 thẻ vàng như Scholes. Vậy nhưng, fan túc cầu chả ai chê lối chơi của Scholes là xấu xí. Bởi tất cả đều biết rằng trong con người ấy luôn cháy bừng nhiệt huyết.
Không người đại diện, không đòi tăng lương
Trong thời đại các cầu thủ bóng đá chạy theo tiếng gọi đồng tiền, sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Scholes chưa bao giờ có một người đại diện trong suốt sự nghiệp chơi bóng của mình. Scholes từng khẳng định đội bóng mà anh lựa chọn là M.U và anh sẽ gắn bó trọn đời với CLB. Bởi thế, anh không cần một người đại diện để thương thảo hợp đồng. Mọi đề nghị dù không lớn về mặt giá trị tiền bạc từ M.U, Scholes đều vui vẻ chấp thuận. Một sự trung thành hiếm có.
Chủ tịch Massimo Moratti của Inter Milan kể lại rằng: "Chúng tôi đã từng cố gắng ký hợp đồng với Paul Scholes. Tôi đưa ra một tấm séc và nói 'Hãy viết con số mà cậu muốn’. Cậu ấy trả lời rằng 'Nếu muốn có sự phục vụ của tôi, ông phải mua được cả M.U’".
Còn Sir Alex nói rằng: "Ký hợp đồng với Scholes là điều dễ dàng nhất với tôi. Cậu ấy sẽ ký hợp đồng mà không quan tâm nội dung bên trong là gì".
Sự nghiệp của Scholes dành trọn cho M.U. Anh nghỉ hưu ở trận chung kết Champions League 2011, kết thúc 18 năm cống hiến. Nhưng năm 2012, khi đội bóng rơi vào khủng hoảng chấn thương, Scholes lại xỏ giày ra sân trở lại.
Gia đình là trên hết
Với người bạn đời Claire, Scholes cũng thủy chung son sắt như vậy. Yêu nhau từ thưở thanh mai trúc mã, Scholes cưới Claire làm vợ vào tháng 2/1999. Họ có với nhau 3 đứa con Arron, Alicia và Aiden.
Claire không biết nhiều về bóng đá nhưng luôn có mặt ở Old Trafford để cổ vũ cho chồng. Trong cuốn tự truyện của mình, Scholes miêu tả Claire là “người vợ trên cả tuyệt vời”. Cô đã cùng anh đi qua những năm tháng khó khăn của sự nghiệp và cùng chiến đấu với căn bệnh tự kỷ bẩm sinh của bé Aiden, đứa con giống Scholes nhất trong tất cả.
Năm 2009, để kỷ niệm 10 năm ngày cưới, Scholes đã gây bất ngờ cho Claire bằng việc tổ chức cưới lại. Hôm đó, Claire được mặc váy cưới lần nữa, cùng Scholes sánh bước vào lễ đường.
Kiếm ít tiền vì không đẹp trai
Đối với Paul, định nghĩa về một ngày hoàn hảo là “tập luyện vào buổi sáng, tới trường đón con, chơi với chúng, ăn tối, uống trà và cho bọn trẻ đi ngủ”.
Nhìn cách cầu thủ bây giờ bận rộn kiếm tiền, Scholes bộc bạch: “Tôi từ chối các hợp đồng quảng cáo lớn vì tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi không kiếm được nhiều tiền bên ngoài bóng đá. Có lẽ bởi vì tôi không được đẹp trai cho lắm". Khi được hỏi liệu có tiếc nuối không, Scholes cười đáp: “Tôi chưa bao giờ ý thức được việc để vuột mất cơ hội kiếm tiền lớn bởi đó là cách tôi muốn sống”.
Zidane, Pele, Sir Alex, Zico, Figo… nói về Scholes đều dành những lời tán dương. Nhưng những lời của Sir Bobby Charlton là gói gọn tất cả những gì cần nói về Scholes. “Tôi không ngần ngại đặt tên cho hiện thân của tất cả những gì tôi nghĩ là tốt nhất trong bóng đá, đó là Paul Scholes”.
K.Đ
Tổng hợp