Oscar: Cỗ máy 'ngốn' tiền và kiếm tiền
(Thethaovanhoa.vn) - Một lễ trao giải, dù danh giá tới đâu cũng khó mà tồn tại nếu không đem lại lợi ích kinh tế. Và Oscar, nơi vinh danh những cá nhân và tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong một năm (dưới góc nhìn của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ) cũng không nằm ngoài thực tế này.
- Oscar cho Leonardo Di Caprio, vậy ai tưởng thưởng Van Gaal?
- 'Nàng Rose' bật khóc khi 'chàng Jack' Leonardo DiCaprio nhận Oscar
- Oscar 2016: Leonardo DiCaprio và Inarritu chiến thắng, nhưng The Revenant để thua Spotlight
Những khoản chi khổng lồ trước giờ G
Riêng khoản tiền để hoàn thành thảm đỏ có thể sử dụng trong 2 năm, nơi các minh tinh hàng đầu của làng phim khoe dáng, cũng lên tới 25.000 USD. Chi phí an ninh cho sự kiện này tiêu tốn ít nhất 250.000 USD, bao gồm tiền huy động hơn 500 cảnh sát và vệ sĩ riêng cho các ngôi sao.
25 người nằm trong danh sách đề cử những hạng mục quan trọng và người dẫn chương trình nhận được túi quà trị giá 230.000 USD/người.
Tuy không thống kê đầy đủ, những món đồ đáng chú ý năm nay phải kể tới một chuyến du lịch 10 ngày trên khoang hạng nhất tới Israel, một chuyến đi 15 ngày trị giá 45.000 USD tới Nhật Bản, một khóa học riêng với HLV của các ngôi sao Alexis Seletzky, trang phục của Belldini, miếng dán mồ hôi vùng nách Dandi Patch, một chai rượu vang trắng của Greenhill Winery & Vineyarrds, bánh pho mai của Harriet, kẹo Hydroxycut Gimmies, dây chuyền bạc tự thiết kế của Lat & Lo, miếng dán màn hình iPhone của Phantom Glass và cả đồ chơi tình dục cho các chị em cùng 6 cuộn giấy toilet của Thụy Sĩ với giá lên tới 275 USD.
Ngoài ra, mỗi bức tượng Oscar mạ vàng 24 karat có giá khoảng 870 USD. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính ước lượng do nhà sản xuất chúng không được phép tiết lộ thông tin chính xác: "Chúng tôi đã đồng ý với Viện Hàn lâm rằng sẽ không bao giờ bàn tán về (giá) và quá trình sản xuất tượng vàng" - Joseph Petree, giám đốc thiết kế của RS Owens, công ty đảm nhận việc làm tượng, cho biết.
Sau buổi lễ, những người chiến thắng sẽ cùng tham dự bữa tiệc do ban tổ chức sắp xếp. Thực đơn năm nay bao gồm 10 kg trứng cá muối, 6.500 chiếc bánh pizza nhỏ làm theo mẫu truyền thống của Oscar và 40 con cua Alaska (có giá lên tới 500 USD/con), bên cạnh 1.000 chai Champagne cao cấp.
Đó là chưa kể tới các chi phí “lặt vặt” khác như trang trí sân khấu (năm nay, sân khấu Oscar được trang hoàng bằng 200.000 viên pha lê Swarovski với tổng trọng lượng khoảng 9 tấn) và tiền trả cho người dẫn chương trình Chris Rock, ước tính khoảng 15.000 – 25.000 USD.
Vẫn cười với khoản tiền thu về
Chi phí cho toàn bộ sự kiện năm nay rơi vào khoảng hơn 43 triệu USD, nhưng nếu dựa theo báo cáo thường niên gần nhất của ban tổ chức, họ vẫn không hề sai lầm khi chịu chi một khoản đầu tư lớn như vậy. Năm 2015, số tiền bán bản quyền phát sóng cho kênh truyền hình là 75 triệu USD, chưa kể đến số tiền tài trợ từ các nhãn hàng muốn quảng bá sản phẩm và cả tiền bán vé vào xem buổi lễ.
Tuy các hãng phim được quyền phân phối lượng vé, nhưng những người tham dự vẫn phải trả một phần tiền cho ban tổ chức, với chỗ ngồi đẹp nhất có thể có giá 750 USD/ghế.
Cùng với uy tín về mặt nghệ thuật của mình, lễ trao giải Oscar cũng là chương trình truyền hình thu hút nhiều quảng cáo nhất trong số 3 lễ trao giải hàng đầu là Giải Oscar, giải âm nhạc Grammy và giải Quả cầu vàng, theo đánh giá của công ty truyền thông Kantar Media.
Số tiền quảng cáo từ chương trình năm ngoái còn bằng doanh thu của cả hai lễ trao giải kia cộng lại. Cụ thể, Oscar 2015 thu về 110 triệu USD, trong khi số tiền tương ứng tại Grammy và Quả cầu vàng lần lượt là 75 triệu USD và 42 triệu USD. Hiện chưa có thống kê chính xác cho năm 2016.
ABC, kênh truyền hình được phát sóng độc quyền buổi lễ năm nay được cho là đã tính giá 2,2 triệu USD cho mỗi phần quảng cáo kéo dài 30 giây khi lễ trao giải lên sóng, dù trang Variety cho biết rằng Viện Hàn lâm cũng "giới hạn thời gian quảng cáo" trong chương trình.
Vân Anh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa