Ông Tanaka Koji 'bắt bệnh' bóng đá Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đến Việt Nam đảm nhiệm cương vị trưởng BTC giải kể từ vòng 8 Eximbank V-League 2014, chuyên gia người Nhật Bản Tanaka Koji đã nhìn thấy nhiều tồn tại của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận, ngay lúc này chưa thể giải quyết mọi vấn đề.
Buổi họp báo, trao đổi thông tin định kỳ lần thứ 2 năm 2014 mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức chiều qua, không khác gì việc sơ kết giai đoạn lượt đi và không khí trở nên "nóng" hơn với phần chất vấn từ phía các phóng viên đối với trưởng BTC giải Tanaka Koji hay TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn.
V-League có quá nhiều vấn đề
"Tôi thấy thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề, từ khó khăn kinh tế cho đến công tác điều hành giải đấu, cơ sở vật chất trên sân là những vấn đề cần phải cải tiến nhưng chắc chắn chúng ta chưa thể một lúc giải quyết ngay được.
Mặt sân thi đấu của các CLB ở J-League đều tốt nhưng ở Việt Nam thì không, chính vì thế đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thi đấu của các cầu thủ. Nhưng cũng phải có kinh phí thì mới sửa chữa được mặt sân. Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực hết sức để có những trận đấu hay phục vụ khán giả", trưởng BTC giải Tanaka Koji khẳng định.
Ông Tanaka Koji nói tiếp: "Bóng đá Việt Nam cần phải cải thiện từ vấn đề kinh tế, điều kiện thi đấu, tư cách đạo đức đến tính chuyên nghiệp của cầu thủ. Chúng ta cần không ít thời gian để thực hiện khối lượng công việc này với sự hợp tác của BHL, cầu thủ các đội bóng nhưng ngay bây giờ, VFF và VPF cần phải ngồi lại tìm giải pháp để hạn chế số lượng thẻ phạt quá cao.
Một số cầu thủ ở các CLB thi đấu quyết liệt quá mức, không nghiêm túc chấp hành luật và không tôn trọng cầu thủ đội bạn, thể hiện thái độ thi đấu cay cú ăn thua, vi phạm lỗi nghiêm trọng. Cầu thủ phải thi đấu với thái độ chuyên nghiệp hơn. Tôi thấy ngạc nhiên khi có những CLB rất đông khán giả nhưng ngược lại có CLB rất ít khán giả, chúng ta phải nỗ lực hơn để lôi kéo khán giả đến xem”.
J -League chưa từng có đội bỏ giải
Khi được hỏi quan điểm về hiện tượng có một số đội bóng như V.Ninh Bình bỏ cuộc giữa chừng hay HV.An Giang cũng bắn tiếng nghỉ chơi V-League, trưởng BTC giải Tanaka Koji chia sẻ: "Ở Nhật Bản từ trước đến nay chưa từng có đội bỏ giải J-League vì bất kỳ lý do gì, kể cả lý do khủng hoảng tài chính. Đằng sau các CLB luôn có những nhà tài trợ, tập đoàn hùng mạnh, họ còn liên kết với một loạt các nhà tài trợ nhỏ khác nên tài chính CLB rất vững.
Ngoài ra, CLB thu được đáng kể tử tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình. Nếu có CLB nào đó khó khăn về tài chính, J-League sẽ hỗ trợ phần nào đó. Và sau đó, CLB này phải có nghĩa vụ trả nợ cho BTC trong một thời gian nhất định. Nếu có CLB cảm thấy không đủ lực thì họ bỏ giải ngay trước khi khởi tranh chứ không bỏ cuộc giữa chừng".
Cũng câu hỏi liên quan đến việc CLB HV.An Giang muốn bỏ cuộc, không tiếp tục dự V-League như phát biểu của GĐĐH cũng như HLV trưởng đội bóng này, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết thêm: " Chúng tôi chưa từng được nghe lãnh đạo tỉnh, Sở VH, TT & DL An Giang, CLB HV.An Giang đề cập đến vấn đề bỏ giải, không tiếp tục tham dự V-League 2014.
Đâu đó đã có một số phát ngôn liên quan đến vấn đề này nhưng đó là những ý kiến cá nhân. HV.An Giang là một đội bóng thuộc tỉnh, Sở VH, TT & DL quản lý nên không thể vì một lý do không đáng kể mà bỏ giải đấu như ý kiến chủ quan. Việc một số ý kiến của HLV, GĐĐH CLB HV.An Giang có nói đến chuyện bỏ giải cũng đã vi phạm quy chế phát ngôn, thiếu trách nhiệm nên chúng tôi đã nhắc nhở".
Cũng theo thông tin từ ông Phạm Ngọc Viễn, tại Nhật Bản, thu nhập bình quân của mỗi CLB năm 2009 đã là 26,5 triệu USD. Còn ở Việt Nam, nguồn thu của Công ty VPF hiện nay mới chỉ đạt khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỉ đồng). Sự khác biệt tài chính giữa J-League và V-League là rất lớn.
V.Ninh Bình chưa nộp lệ phí tham dự giải Cho đến thời điểm này, V.Ninh Bình là đội bóng duy nhất tại V-League chưa đóng khoản lệ phí 500 triệu đồng dù đã cam kết đóng trước khi lượt đi kết thúc. Trớ trêu là đội bóng của bầu Trường sau vụ án cá độ, dàn xếp tỷ số dưới hình thức đánh bạc của một số cầu thủ đã ngừng chơi. TGĐ Phạm Ngọc Viễn khẳng định VPF sẽ có chế tài và quyết liệt trong việc xử lý vi phạm của V.Ninh Bình. Đối với khoản tiền ký quỹ mỗi CLB tối thiểu 2 tỷ đồng thì cũng chưa có CLB nào đáp ứng được yêu cầu này. *** Hiện nay đã có 16 LĐBĐ quốc gia tại châu Á cấp phép cho các CLB. VFF sẽ là Liên đoàn thứ 17 nhưng hiện tại ở Việt Nam chỉ có khoảng 5, 6 CLB đáp ứng ngay được yêu cầu về pháp lý, nhân sự, tài chính. Từ mùa giải 2015, VFF, VPF sẽ đưa ra 3 yêu cầu bắt buộc thay vì 5 yêu cầu để CLB có thể được cấp phép gồm: Phải có hệ thống đào tạo trẻ, mặt sân đạt chất lượng, điều kiện về tài chính (mỗi CLB dự V-League phải đảm bảo tiền hoạt động là 35 tỉ đồng, hạng nhất là 15 tỉ đồng)". |
Thành Đạt
Thể thao & Văn hóa