Ông Nguyễn Thành Vinh: 'HLV trẻ cần đam mê và học Đại học'
(Thethaovanhoa.vn) - Đi theo nghiệp huấn luyện bóng đá luôn phải đối mặt đầy rẫy áp lực ngay cả với những HLV lão làng chứ chưa kể đến các nhà cầm quân trẻ tuổi. HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh cho rằng trong môi trường "bóng đá kim tiền" như ngày nay, những HLV trẻ phải giữ được đam mê, là tấm gương cho các học trò.
- Cầu thủ trở thành HLV: Tây cũng như ta
- Cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng: 'Đào tạo trẻ để nuôi giấc mơ HLV chuyên nghiệp'
- 'Thế hệ vàng' trên băng ghế huấn luyện
- 'Thế hệ vàng' bóng đá Việt Nam: Vinh quang chỉ là chớp mắt
- Thế hệ vàng bóng đá Việt Nam: Người vụt sáng, kẻ âm thầm
* Chào HLV Nguyễn Thành Vinh, vào thời ông, những người làm công tác huấn luyện thường bắt nguồn từ đâu?
- Thời tôi, bóng đá vẫn trong thời kì bao cấp. HLV khi ấy đã học xong Đại học TDTT ở trường Từ Sơn (Bắc Ninh), hoặc trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM, xong rồi ra làm huấn luyện. Ít người làm huấn luyện sau khi làm cầu thủ.
Thời điểm sau này các HLV vẫn học Đại học nhưng có một số HLV được tu nghiệp ở nước ngoài như anh Tam Lang sang Đức. HLV luôn chất chứa tính cạnh tranh là vì màu sắc cờ áo, làm đội bóng ở địa phương nào thì phải giúp đội đó có thứ hạng, có tên tuổi trong làng bóng đá.
* Là một HLV lão làng về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, sau ngần ấy thời gian làm công tác huấn luyện, một HLV tốt theo ông phải hội tụ những yếu tố nào?
- Tôi nói ngược lại một vấn đề là HLV nhiều người đạt bằng A, B, C của FIFA nhưng lại không qua học Đại học, vì Liên đoàn ta quan điểm đạt bằng A thì được lo công tác huấn luyện, nhưng đó là sai lầm. HLV phải học các vấn đề cơ bản về thể dục thể thao, về bóng đá ở Đại học rồi học các lớp của FIFA chủ yếu là kĩ năng chơi bóng, chiến thuật, hoặc là tập thể lực nhưng còn tâm sinh lý không được học. Nhận thức về những vấn đề triết học phải biết để vận dụng, tâm lý các lứa tuổi HLV phải biết.
Trước đây người ta từng đá bóng, học cả Đại học, học được bằng A, B, C theo các lớp 10, 15 ngày FIFA mở ở Việt Nam. Thực tiễn đá bóng cộng với lý luận học ở Đại học và một số khóa đào tạo FIFA thì HLV mới tích lũy đầy đủ kinh nghiệm trong công tác huấn luyện. Người nào muốn thành đạt thì phải thực sự yêu nghề, phải biết trăn trở, tìm tòi chiến thuật phù hợp với chất liệu mình có.
* Vậy còn với những HLV trẻ, họ cần làm gì để tồn tại trong môi trường bóng đá ngày càng khắc nghiệt hiện nay?
- Bên cạnh những điều tôi vừa nói ở trên, HLV trẻ phải thật sự yêu nghề và bản thân anh ta phải là tấm gương cho cầu thủ. Không nên sau khi tập luyện rồi ra quán bia, quán nhậu. Vậy làm sao làm gương cho học trò. Phải giáo dục các cầu thủ từ nhỏ.
HLV cũng cần có cá tính,quyết đoán. Phải biết quan hệ trong ngoài phải chuẩn mực. Tức là quan hệ giữa cầu thủ, các trợ lý, các ông chủ phải tốt. Anh phải là người làm công tác tổ chức tốt. Những yếu tố đó rất quan trọng.
* Điều này tác động ra sao đến mối quan hệ thầy – trò trong bóng đá?
- Có học trò của tôi trước đây sinh hoạt tốt mà ai cũng khen là thủ môn Võ Văn Hạnh. Anh ta nhiều năm bắt ở SLNA và đều là thủ môn xuất sắc thậm chí đạt QBV, anh ta cũng là con người đáng để học tập, 9 giờ tối là anh ta lên giường đi ngủ, sáng hôm sau 5 giờ là dậy tập thể dục.
Giá trị cầu thủ cũng nằm từ sinh hoạt tốt mà ra. Đó là cách để anh ta làm nên thương hiệu cá nhân, là cách để các đội khác chú ý đến và hợp đồng lớn tất yếu sẽ đến. Còn giờ sinh hoạt cởi mở hơn, nhiều đội chỉ tập trung từ thứ Tư trở đi thôi. HLV cần giáo dục, định hướng, và làm gương cho các cầu thủ để họ sống tốt, kiếm tiền chính đáng.
Linh Lam (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa