Olympic Việt Nam bị loại khỏi ASIAD 19: Đừng nghĩ đó là 'thảm họa'
Việc Olympic Việt Nam bị loại khỏi ASIAD không phải là "thảm hoạ", bởi HLV Hoàng Anh Tuấn cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam xác định đây là cơ hội học hỏi cho lứa cầu thủ trẻ.
Olympic Việt Nam đã kết thúc hành trình tại ASIAD 19 với thất bại 1-3 trước Olympic Saudi Arabia. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có lý do để tiếc nuối khi chưa thể hiện được đúng phẩm chất, năng lực, sự kỳ vọng. Một số cầu thủ tỏ ra "non" về trình độ, tâm lý thi đấu.
Bài học lớn
Đây là bài học lớn cho Olympic Việt Nam trong quá trình trưởng thành, phát triển sau này. Các cầu thủ phần lớn đều mới chỉ 19, 20 tuổi. Thất bại không phải là điều gì quá to tát hay "thảm hoạ" khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đến giải đấu với tâm thế người "đi học".
Olympic Việt Nam dưới bàn tay chiến lược gia người Nha Trang có gì để kỳ vọng? Thủ thành Đỗ Sỹ Huy là cái tên duy nhất trên 24 tuổi nhưng đóng vai trò dự phòng cho người đàn em Quan Văn Chuẩn. Cầu thủ lớn tuổi thứ 2 là Nhâm Mạnh Dũng sinh năm 2000. Thành phần "những chiến binh sao vàng" có tới 18 cầu thủ thuộc lứa U20.
Thái Sơn, Quốc Việt, Đức Anh, Vĩ Hào là số ít cầu thủ được ra sân, đá chính tại V.League. HLV Hoàng Anh Tuấn cũng không thể đưa Nhâm Mạnh Dũng vào sân vì tiền đạo người Thái Bình bị đau mắt đỏ. Các CLB trong nước cũng từ chối nhả người do đang chuẩn bị cho V.League 2023-24.
CLB Hà Nội từ chối nhả Văn Trường và Văn Tùng do đội bóng Thủ đô đang phải thi đấu ở AFC Champions League và đối diện lịch thi đấu dày đặc từ cuối tháng 10. Một số cái tên quá 23 tuổi từng được HLV Hoàng Anh Tuấn nghĩ đến là Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Tuấn Hải… đều khó để tập trung cùng Olympic Việt Nam.
Quá trình chuyển giao thể thức thi đấu ở V.League là một phần nguyên nhân để các CLB giữ quân. Thời gian nghỉ giữa 2 mùa giải chỉ khoảng gần 2 tháng, đa số các cầu thủ cần nghỉ ngơi sau hơn 6 tháng thi đấu, tập luyện cao độ.
Không đội bóng nào muốn mất đi trụ cột quan trọng vì chấn thương nặng. Một số cầu thủ cũng muốn giữ gìn "cần cầu cơm" để hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng hướng đến mùa giải mới trọn vẹn và xa hơn là mật độ dày đặc các trận đấu cùng ĐT Việt Nam ở tháng 10 và 11.
Con đường của những lứa đàn anh
Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng ở 3 kỳ ASIAD gần đây nhất, Olympic Việt Nam đều vượt qua vòng bảng nhờ được tập trung tối đa nguồn lực. Thậm chí, V.League, hệ thống giải quốc nội còn dừng hoàn toàn để các đội bóng nhả người cho đội tuyển.
ASIAD 19, Olympic Việt Nam không được tạo điều kiện quá nhiều nhưng là cơ hội tốt để đầu tư cho lứa cầu thủ U20 Việt Nam đầy tiềm năng hướng đến World Cup 2026. Việc được thi đấu, va chạm với các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Iran, Ả Rập Xê Út giúp thế hệ này tích luỹ kinh nghiệm trận mạc, bản lĩnh.
Lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Huy và thậm chí là Quang Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu từng được tạo không ít điều kiện để tham gia nhiều giải đấu trong quá khứ. Thời điểm hiện tại, VFF có lẽ cũng muốn lứa U20 Việt Nam đi theo con đường các đàn anh đã đi.
"Đây là dự án, chiến lược của VFF. Chúng tôi đem cầu thủ trẻ đến đây, đội hình trẻ nhất giải đấu này. Chúng tôi cần thời gian, cần giải đấu này để họ thách thức bản thân và phát triển. Tầm nhìn của chúng tôi dài hạn, cho năm sau và sau nữa. Chúng tôi tập trung cho chiến dịch World Cup 2026, 2030. Phải hành động vì cầu thủ trẻ", HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong một buổi họp báo sau trận. Một HLV chuyên về đào tạo trẻ cũng từng cho biết: "Sau một thế hệ cầu thủ đạt đến đỉnh cao hay còn coi là thế hệ vàng, chúng tôi gặp áp lực rất lớn vì phải đào tạo ra những lứa cầu thủ tương tự như vậy, thậm chí phải vượt trội hơn các đàn anh. Nhưng bóng đá khó để nói trước điều gì cả, có lứa cầu thủ hay, có lứa cầu thủ trung bình, quan trọng là họ được đặt vào môi trường nào, được thi đấu nhiều hay không?"