Ở nơi thanh bình Up Pa Ta San Ti
(Thethaovanhoa.vn) - Anh chàng lái taxi vui vẻ trò chuyện với chúng tôi bằng thứ tiếng Anh gãy vụn, đôi lúc pha lẫn cả tiếng địa phương. Có lẽ chỉ có từ "Hello" là dễ nghe nhất. Nhưng không sao cả. Chúng tôi cũng chẳng khá hơn là mấy khi khó khăn lắm mới có thể mô tả được nơi cần đến: Ngôi chùa mới Up Pa Ta San Ti.
Nay Pyi Taw không giống bất kỳ thủ đô mới phát triển nào trên thế giới. Thay vì các toà nhà chọc trời, những công trình bừa bộn, bụi bặm, ở đây chỉ có rừng và... khách sạn thấp tầng. "Không một toà nhà nào được phép cao hơn ngôi chùa này", Ko Zar Ni, anh chàng lái taxi của chúng tôi nói vậy.
Đối với người Myanmar, đạo phật không đơn giản là tôn giáo. Niềm tin của gần 90% dân số đều nằm ở đây, nơi những ngôi chùa được thếp vàng từ những chi tiết nhỏ nhất dưới chân cho đến đỉnh tháp. Niềm tin đó được gửi gắm qua sự cầu nguyện đầy thành tâm suốt từ ngoài cửa chùa, qua những chiếc chuông gió kín đầy đỉnh ngọn tháp vàng.
Trước khi bước chân vào đến khuôn viên chùa, Ko Zar Ni nhắc chúng tôi bỏ dép và đi đất ngay từ khi xuống xe. Anh cho rằng, tất cả mọi người đều công bằng và giản dị nhất khi đến với Phật. Có thể là vậy trừ việc chỉ đàn ông mới được vào khu vực trung tâm, nơi họ cầu nguyện ngay dưới chân các bức tượng. Dường như điều đó chẳng mấy quan trọng với phụ nữ Myanmar bởi bên dưới bậc thềm cao nhất, những người phụ nữ vẫn đầy thành tâm gửi gắm ước nguyện của mình qua những lời khấn cầu.
Không như ở một số nước Châu Á, ở Myanmar, chùa là nơi tôn nghiêm nhưng không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải quá nghiêm túc. Ai cũng có thể đi lại khắp nơi, nói chuyện thoải mái, thậm chí có thể đùa nghịch đôi chút mà không gây ảnh hưởng đến những hoạt động mang tính lễ nghi của người dân. Lý do bởi chùa của người Myanmar rất đơn giản. Những gì linh thiêng nhất tập trung ở cây cột trụ lớn nằm trung tâm. Tất cả đều hướng về đây, nơi "nối thẳng" những ước nguyện của kẻ phàm trần đến Đức Phật từ bi.
"Bạn không cần phải hương khói, lễ lạt. Hãy cứ đến với lòng thành, với những ước muốn cá nhân và cầu xin. Đức Phật sẽ cho bạn tất cả", Ko Zar Ni nói vậy rồi bắt đầu những lễ nghi bên ngoài khuôn viên. Cẩn thận múc từng gáo nước sạch, anh nhẹ nhàng rửa những bức tượng Phật bà có quanh chùa. Những cành liễu, vòng hoa nhỏ cũng được rửa nhiều lần trước khi Ko Zar Ni quỳ xuống hành lễ.
Chỉ cho tôi một cái hốc nhỏ bên dưới chân tượng Phật bà, nơi có một bức tượng chuột đang hướng ra bên ngoài như sẵn sàng vụng trộm điều gì đó, Ko Zar Ni triết lý: "Anh thấy đấy, dù sao thì ở đâu cũng có chuột và chúng ta phải chấp nhận điều đó". Anh cười vang sau khi nói điều đó rồi tiếp tục dẫn tôi đi vòng quanh.
Khó có thể thấy cảnh sinh hoạt của các nhà sư quanh khu vực chùa, nơi các du khách ghé thăm mỗi ngày. Ban ngày họ đi khất thực và chỉ thi thoảng mới xuất hiện để làm lễ. Việc vệ sinh, chăm chút ngôi chùa được giao cho những người quản lý giống như những ông thủ từ ở đình Việt Nam vậy. "Khi đến chùa, chúng tôi chẳng mang gì ngoài lời cầu nguyện. Và người dân Myanmar cũng rất ý thức nên công việc của những người quản lý không nhiều", Ko Zar Ni chia sẻ. Anh giúp chúng tôi làm một số nghi thức trước các bức tượng phật, đánh chuông cầu nguyện và mua những vòng hoa cầu bình an. Tỏ vẻ ngạc nhiên khi chúng tôi không theo bất cứ đạo giáo nào, anh giảng giải bằng thứ tiếng Anh đơn giản của mình: "Safe and peace".
Tôi chưa chứng thực được điều đó ở cuộc sống của người dân Myanmar nhưng sự yên bình (ít nhất là ở Nay Pyi Taw) là điều có thể dễ dàng thấy được. Những nụ cười thân thiện có thể bắt gặp khắp nơi, không ai uống rượu khi đang trong giờ làm việc, không quán xá ồn ào, không mại dâm... Mọi thứ cứ nhẹ nhàng, đều đều trôi đi, không giống với tất cả những thủ đô mới đang ồn ào phát triển.
Ko Zar Ni treo đôi vòng hoa có được sau khi làm lễ lên chiếc kính chiếu hậu rồi nổ máy xe đưa chúng tôi đi tiếp hành trình đến với khu vực chuyên nuôi trồng của nông dân Nay Pyi Taw. Ngay dưới tay lái, ảnh của một vị sư trụ trì ngôi chùa nhỏ gần nơi anh sống được đặt trang trọng.
Cao Mạnh Tuấn (từ Nay Pyi Taw)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần