Nuti Café V-League 2018: Xin hãy vì đại cục!
(Thethaovanhoa.vn) - Chi tiết hợp đồng tài trợ thời hạn 1 năm (có bản ghi nhớ thêm 2 mùa giải tiếp theo – PV) giữa Cty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) – nhà tổ chức V-League và Cty CP dinh dưỡng NutiFood, không được tiết lộ, nhưng đằng sau đó là rất nhiều những mâu thuẫn chưa thể giải quyết, với đầu tiên là vấn đề tranh chấp khai thác thương quyền giải đấu – bản quyền truyền hình giữa BTC giải và đối tác Next Media.
- V-League 2018 công bố nhà tài trợ Nuticafe
- Vướng tranh chấp bản quyền, V-League 2018 chưa được tường thuật trực tiếp
- Quang Hải không có người đại diện ở Đức, HLV Miura lộ đội hình trước V-League 2018
“VPF sẽ không tường thuật trực tiếp tất cả các trận đấu như V-League 2017, mà có chọn lọc. Tôi không nghĩ cần thiết phải trực tiếp dàn trải, không hiệu quả”, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF, ông Trần Anh Tú phát biểu sau lễ ký hợp đồng với nhà tài trợ.
Thà một lần đau?
Sau khi xem xét chi tiết các bản hợp đồng với đối tác, VPF cho rằng cần thiết phải kết thúc hợp đồng trước thời hạn (đến năm 2022) với Next Media. Tình huống làm chúng ta liên tưởng đến cách đây 7 năm, thời điểm đánh dấu sự ra đời của VPF, với phát pháo rúng động nền bóng đá của bầu Kiên. Khi đó, VFF đang là đơn vị tổ chức và khai thác thương quyền V-League, đã bán bản quyền truyền hình cho Truyền hình An Viên (AVG) thời hạn lên tới 20 năm, mỗi năm 6 tỷ đồng và có lũy tiến. Sự ra đời của VPF là tiến trình tất yếu tiến lên chuyên nghiệp của V-League và bằng mọi cách, VPF đã đòi lại bản quyền truyền hình và thành công, với lời hứa lên đến 50 tỷ đồng/mùa giải.
“Đây là cuộc chơi của các CLB và họ phải được hưởng quyền lợi trực tiếp từ bản quyền truyền hình”, bầu Kiên từng phát biểu chắc nịch.
Tình huống lúc này không khác về bản chất, nhưng có vẻ phức tạp hơn khi Next Media chưa chịu vào ngồi đàm phán, trong khi giải đấu chỉ còn lại vài ngày nữa là khai cuộc. Phía nhà đài, ở đây là VTV và Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) cũng thông báo rằng, mặc dù họ phải phục vụ nhân dân theo nghĩa vụ, nhưng không thể tổ chức sản xuất các trận đấu khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung. 7 năm trước, bầu Kiên nằng nặc đòi quyền lợi cho các CLB, thì bây giờ, ông Trần Anh Tú khẳng định, việc khai thác bản quyền truyền hình V-League và phân chia quyền lợi như thế nào, thuộc quyền của VFF. Phải chăng bởi VPF là thành viên của VFF, cũng là cổ đông lớn nhất ở Công ty CP này?
Sẽ có các trọng tài kinh tế can thiệp (nếu cần), ông Tú nói, và đây là thông điệp truyền đi của VPF. Chưa biết “cuộc chiến” sẽ ngã ngũ như thế nào, nhưng có thể thấy người đứng đầu VPF, đồng thời là Ủy viên Thường trực VFF đã và đang muốn làm một cuộc cách mạng, hòng “đảm bảo uy tín cho giải đấu cũng như quyền lợi của Công ty và các CLB”. Tính kế thừa từ Ban lãnh đạo cũ là thứ xa xỉ, và cũng tựa như câu chuyện muôn thuở về tư duy nhiệm kỳ của bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, việc tiến lên chuyên nghiệp thì cái gì và chức năng nào không hợp thời, cần phải loại bỏ, tránh thiên quyền và lợi ích nhóm.
Bản thân VPF chỉ có thể ký hợp đồng thời hạn 1 năm với NutiFood, thay vì 3 năm như thống nhất ban đầu, bởi đây cũng là năm cuối VFF giao cho VPF quyền tổ chức V-League.
Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa
Sáng qua (5/3), tại KS hạng sang Sheraton, TP.HCM, VPF cũng đã rất biết tranh thủ buổi lễ ký kết hợp đồng tài trợ với Cty NutiFood để mở ra một cuộc “nói chuyện” với giới truyền thông, xung quanh các vấn đề của giải đấu cao nhất Việt Nam. Chuyện hợp pháp hóa “cho tiện xử lý” Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật vào BTC (VPF) đã không được thông qua, vì nó không đúng với nguyên tắc hoạt động của FIFA, cũng như các nền bóng đá phát triển về quy trình tổ chức giải đấu, không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vấn đề bản quyền truyền hình trở nên nóng hơn bao giờ hết, bởi ngoài chuyện tranh chấp, còn là một việc rất đáng lưu ý khác: VPF sẽ không tiến hành phủ sóng toàn bộ các trận đấu, bởi theo chia sẻ của người đứng đầu Công ty CP này, nó không cần thiết và không hiệu quả.
Như vậy, sẽ có những trận đấu diễn ra âm thầm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu các đội bóng làm bậy, khi BTC cũng không có nghĩa vụ cung cấp băng hình và nếu có, cũng ít ai tin vào băng hình được “biên tập” theo đúng chủ đề. Đây cũng là một cách “ép” người hâm mộ đến sân, thay vì ngồi nhà bật 3 - 4 cái màn hình để thưởng thức cùng lúc các trận đấu diễn ra cùng giờ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vẫn có điều gì đó không ổn về tính minh bạch giữa thời đại công nghệ phát triển như vũ bão như hiện nay.
1. Một năm là thời hạn mà NutiFood với thương hiệu Nuti Café sẽ tài trợ cho V-League 2018, còn Cúp QG và giải hạng Nhất QG 2018, hiện chưa có nhà tài trợ mới. 2. Sau khi bàn bạc và tham khảo ý kiến, 2 Ban quan trọng nhất là Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật sẽ vẫn được giữ lại ở VFF, thay vì “chuyển giao” cho VPF. VPF cũng không thể thành lập các Tiểu ban này để giải quyết ngay các tình huống xảy ra. 3. Thông thường, một nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo VPF sẽ kéo dài 3 năm, tương đương với các gói tài trợ chính cho V-League mà Eximbank và Toyota đã từng hợp tác, nhưng thời thế có vẻ đã khác, khi “1 năm có bao nhiêu chuyện xảy ra”, như khẳng định của Ban lãnh đạo mới. |
TÙY PHONG