Nữ VĐV Việt Nam tại SEA Games 32: Âm thầm nỗ lực, hào quang rực rỡ
Kỷ lục danh giá của đội tuyển bóng đá nữ
Phút 76 trận chung kết môn bóng đá nữ SEA Games 32, từ đường chuyền hỏng của đồng đội, Thanh Nhã bất ngờ lao lên như một mũi tên, đoạt bóng ngay trước mũi giầy rồi đi bóng thẳng vào vòng cấm của đội tuyển Myanmar. Với đa số những cầu thủ khác, khi ở vị trí đó, họ sẽ thực hiện đường chuyền vào trong cho tiền đạo. Nhưng Thanh Nhã không nghĩ vậy. Cô quyết định dứt điểm kỹ thuật, đưa bóng qua đầu thủ môn đội bạn, khiến các khán đài sân Olympic nổ tung. Khoảnh khắc đẹp ấy khép lại hành trình đầy vinh quang của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 32.
Đây là lần thứ 4 liên tiếp ĐT nữ Việt Nam giành được huy chương vàng SEA Games, kỷ lục của giải đấu. Thoạt nhìn, nhiều người hẳn sẽ nhận định rằng chặng đường vô địch của đội tuyển nữ Việt Nam tương đối bằng phẳng, ít chông gai, nhưng thực tế không phải vậy. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đối diện với một thứ áp lực mới mẻ, đó là bước vào SEA Games với tư cách tập thể giành vé dự World Cup, một trong 32 đội xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Với vị thế đó, nếu Huỳnh Như và đồng đội không vô địch SEA Games, nỗi thất vọng cùng sự nghi ngờ sẽ bủa vây họ gấp nhiều lần.
World Cup mang lại niềm tự hào, nhưng SEA Games mới là "củi giữ lửa" cho bóng đá nữ. Tấm vé tham dự ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh không phải điều kiện đảm bảo chắc chắn rằng bóng đá nữ sẽ được đầu tư phát triển vượt bậc, thay da đổi thịt trong tương lai gần. Hãy nhìn bài học từ Thái Lan. Sau khi xuất sắc tiến sâu ở Asian Cup 2018 và giành quyền dự World Cup lần thứ 2 (năm 2019), tuyển nữ Thái Lan sa sút không phanh. Họ liên tục thất bại trước Việt Nam ở AFF Cup và SEA Games, thi đấu thất vọng tại giải châu Á gần nhất.
Để không đi vào vết xe đổ của người hàng xóm, bóng đá nữ cần nối tiếp thành tích ngắn hạn. Chức vô địch SEA Games 32 có ý nghĩa như vậy.
Trong những năm gần đây, bóng đá nữ Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn. Minh chứng là gói tài trợ 100 tỷ đồng trong 5 năm được ký kết từ năm 2019. Tuy nhiên, số tiền 20 tỷ một năm chẳng thấm vào đâu so với khó khăn mà bóng đá nữ phải đối mặt. Để tiện so sánh, số tiền này còn chẳng đủ để nuôi một đội bóng tại V.League.
Lương của các nữ cầu thủ ở các đội bóng "lớn" như Hà Nội hay TP.HCM dao động từ 5-7 triệu đồng. Nhiều CLB thậm chí còn không có lương, các cầu thủ chỉ nhận tiền trợ cấp tính theo ngày. Để vươn đến thành công, mang về vinh quang cho đất nước, họ phải âm thầm vượt qua đủ mọi khó khăn, kiên cường bám trụ với nghề. Nói một cách thực dụng, chức vô địch SEA Games 32 vừa là liều thuốc tinh thần để hướng đến World Cup, vừa là dịp để các cầu thủ có thêm "liều thuốc tài chính" ổn định cuộc sống. Cần nhớ rằng, có nhiều cầu thủ trong đội hình hiện tại mới lần đầu vô địch SEA Games. Không phải ai cũng là Huỳnh Như, nổi tiếng và có nguồn thu nhập dồi dào từ nhà tài trợ, quảng cáo. Tiền thưởng từ chức vô địch SEA Games có ý nghĩa rất lớn với họ.
Trong bối cảnh U22 Việt Nam gây thất vọng lớn khi thất bại ở bán kết, chiếc huy chương vàng của đội tuyển nữ càng mang đến hiệu ứng lan tỏa lớn tại kỳ đại hội lần này.
Hào quang rực rỡ của "nữ quyền" tại SEA Games
Không chỉ bóng đá, VĐV nữ ở nhiều bộ môn khác cũng mang lại thành công lớn. Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đạt 124 huy chương vàng, trong đó có đến 66 HCV có sự góp công của các vận động viên nữ, chiếm tỉ lệ 53%.
Ngay trong ngày đầu tiên tranh tài, hai kỳ thủ Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân mở hàng với tấm huy chương vàng môn cờ Ouk Chaktrang, nội dung đồng đội nữ cờ tiêu chuẩn. Dù đây là môn mới, lần đầu xuất hiện tại SEA Games nhưng các cô gái của Việt Nam đã thể hiện rất xuất sắc.
Gây tiếng vang lớn nhất là VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Cô gái nhỏ bé đến từ Bắc Giang khiến cả thế giới thán phục khi giành giành cú đúp huy chương vàng ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật chỉ trong vòng 30 phút. Thông thường, tại các giải điền kinh, nội dung sắp xếp tổ chức theo cặp có sự liên quan về chuyên môn. Ví dụ như cự ly ngắn (100-200m), cự ly trung bình (800m-1.500m)… Việc sắp xếp một nội dung cự ly trung bình và một nội dung cự ly dài có chướng ngại vật liền nhau cho thấy BTC đã gây khó cho Nguyễn Thị Oanh thế nào. Vậy nhưng, vượt qua tất cả, nữ VĐV của Việt Nam khiến tất cả bất ngờ khi về liên tục nhất. Câu chuyện của cô còn được trang thông tấn nổi tiếng AFP đưa tin và bày tỏ sự thán phục.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Thị Oanh còn chinh phục tiếp 2 huy chương vàng ở các nội dung 5.000m và 10.000m, trở thành VĐV điền kinh xuất sắc nhất trong lịch sử một kỳ SEA Games (4 huy chương vàng cá nhân).
Một VĐV điền kinh khác cũng tạo nên dấu ấn mạnh mẽ là Nguyễn Thị Huyền. Bà mẹ một con vượt qua nỗi nhớ nhà, xa gia đình để cán mốc 12 huy chương vàng, trở thành VĐV điền kinh Việt Nam thành công nhất trong lịch sử SEA Games.
Sau khi hoàn tất các nội dung thi đấu, Nguyễn Thị Huyền mới có dịp chia sẻ: "Trước khi tôi thi đấu, tôi thường xuyên hay xem video về con, gọi điện về cho con, nhìn ảnh con. Đó là động lực của tôi phải cố gắng lên để có thể về thăm con. Tôi có phải có thành tích đặc biệt để sau này con mình nhìn lại, khi lớn lên nhìn thấy mẹ có gì đó để thật tự hào về mẹ của mình".
Bên cạnh môn thể thao nữ hoàng, người hâm mộ cũng được chứng kiến rất nhiều hình ảnh truyền cảm hứng khác của các nữ VĐV tại SEA Games 32. Chẳng ai có thể quên được khoảnh khắc Trương Thảo My gục xuống khóc nức nở sau pha solo ghi điểm lịch sử mang về HCV cho đội tuyển bóng rổ 3x3 Việt Nam.
VĐV Châu Tuyết Vân rơi nước mắt khi chờ đợi ban giám khảo phân định tính hợp lệ, để rồi bùng nổ cảm xúc vui sướng khi giành tấm huy chương vàng ở kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp. Võ sĩ xinh đẹp Dương Thúy Vi rạng rỡ trên bục nhận huy chương, khẳng định vị thế số 1 tại Đông Nam Á sau 10 năm thi đấu. Hay hình ảnh "chị đại" làng võ thuật Trương Tuyết Mai đổ lệ khi hát quốc ca, tất cả mang lại những xúc cảm đặc biệt cho người hâm mộ nước nhà.
Khép lại kỳ SEA Games cùng hào quang rực rỡ, các nữ VĐV Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại đấu trường khu vực, đóng góp lớn cho thể thao nước nhà. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những giọt mồ hôi, nước mắt và những hy sinh thầm lặng trong suốt quãng thời gian qua. Mỗi tấm huy chương vàng giống như tiếng chuông đánh thức sự quan tâm của người hâm mộ dành cho nữ VĐV. Hãy ghi nhớ tên họ, bấm theo dõi họ trên mạng xã hội, bật TV để cổ vũ mỗi khi họ xuất hiện. Dù chỉ là hành động nhỏ, nhưng đó là cách tiếp lửa để những cô gái vàng của thể thao Việt Nam tiếp tục "cháy" hết mình trong tương lai.