Nữ ca sĩ người Bulgari phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới với giọng hát 'siêu khủng'
(Thethaovanhoa.vn) – Theo ghi nhận từ Guinness, ca sĩ Smilyana Zaharieva đã lập một kỷ lục mới khi nốt cao của cô đạt tới con số 113,8 decibel (dB), tương đương với âm thanh của… còi báo động xe cứu thương.
Smilyana Zaharieva là một ca sĩ người Bulgari. Cô được biết đến là sở hữu một món quà trời ban khi giọng hát của Smilyana Zaharieva luôn chạm tới cảm xúc của khán giả, khiến người nghe bật khóc mỗi khi cô trình diễn.
- BTS lần thứ 4 vào sách kỷ lục Guinness thế giới trong vòng 2 tháng
- Điểm danh 3 kỷ lục Guinness mà BTS vừa lập
- Tác phẩm nghệ thuật từ ống nhựa tại Việt Nam chinh phục kỉ lục Guinness
Gần đây, nữ ca sĩ đã thiết lập một kỷ lục thế giới Guinness mới, chính thức xác nhận rằng Smilyana Zaharieva là một trong những giọng hát mạnh mẽ nhất trên hành tinh, cô có thể giữ được âm vực hoàn hảo của mình ngay cả khi đứng giữa một buổi biểu diễn nhạc rock.
Zaharieva chia sẻ rằng cô đã bật khóc khi nhận được chứng nhận kỷ lục thế giới Guinness vào tháng trước, xác nhận rằng cô đã đạt được giọng nữ cao nhất từ trước tới nay.
“Khi tôi nhìn thấy màn hình đọc 113,8 dB, tôi đã hoàn toàn kinh ngạc” – nữ ca sĩ 48 tuổi nói với AFP về nỗ lực lập kỷ lục của mình vào tháng 9 năm ngoái.
Smilyana Zaharieva đã phải trải qua một loạt các yêu cầu rất khó khăn. Cô phải hát trong một phòng thu yên tĩnh và điều kiện là âm thanh phải vượt quá 110 dB - ngưỡng âm thanh khó chịu trung bình của con người. Cùng với máy đo âm thanh đặt cách cô 2,5 mét trong khi nữ ca sĩ phải giữ nốt nhạc của mình tối thiểu năm giây.
Theo biểu đồ mức độ tiếng ồn ghi nhận được, thành tích của Zaharieva là 113,8 dB, tương đương với độ ồn của âm thanh mà bạn sẽ nghe thấy trong một buổi biểu diễn nhạc rock hay một dàn nhạc giao hưởng, hoặc của còi báo động xe cứu thương.
Ông Dora Hristova, bậc thầy hợp xướng lâu năm nổi tiếng thế giới nhận định rằng: “Người Bulgari sở hữu chất giọng mạnh mẽ đặc trưng từ xa xưa. Giọng hát dân ca của họ được truyền lại cho đến nay với những giọng ca nội lực bẩm sinh.”
Khi còn nhỏ, Zaharieva đã học hát dân ca tại Trường Nghệ thuật Dân gian Quốc gia ở vùng núi Rhodope miền nam Bulgaria, trước khi theo học bằng cấp của Nhạc viện Plovdiv.
Trong nhiều năm, cô là một phần của dàn hợp xướng nữ mang tên The Great Voices of Bulgaria và thực hiện các chuyến lưu diễn khắp thế giới. Nhưng vào năm 1996, cô đã chấm dứt sự nghiệp của mình. “Một ngày nọ khi tôi trở về nhà, cô con gái nhỏ của tôi đã không còn nhận ra tôi. Điều này làm trái tim tôi tan vỡ” – Zaharieva chia sẻ lý do cô tạm ngưng ca hát vì gia đình.
Zaharieva cùng chồng mở một công ty du lịch nhỏ, bình thường cô chỉ hát cho gia đình và bạn bè thân thiết mỗi khi có dịp. Nhưng rồi niềm đam mê ca hát của cô lại trỗi dậy: “Tôi luôn cảm thấy có một khoảng trống trong mình. Và rồi tôi nhận ra mình muốn cất giọng hát trên sân khấu một lần nữa”.
Vào năm 2015, cô đã đặt ra cho mình thử thách khi hát với 101 chiếc kèn túi Rhodope truyền thống và giọng hát của cô một lần nữa được hồi sinh. Svetla Stanilova, người đứng đầu Nhạc viện Plovdiv, đã phải công nhận khả năng thanh nhạc tuyệt vời của Zaharieva. Ông cũng là một trong một số chuyên gia có mặt trong buổi thử thách của Guinness.
Yêu thích yoga và quan tâm đến các kỹ thuật thiền định phương Đông, Zaharieva đang muốn nghiên cứu về các hiệu ứng chữa bệnh bằng âm thanh và đang tìm cách hợp tác với các nghệ sĩ khác.
Smilyana Zaharieva thể hiện sự kiên định của mình với âm nhạc: “Giọng hát này đã được trao cho tôi, tôi muốn sử dụng nó để giúp mọi người và để truyền tải những thông điệp bằng các ca khúc.”
Zaharieva sử dụng nhạc cụ bằng pha lê, được biết đến với các hiệu ứng nhẹ nhàng, thư giãn và thiền định. Cùng với đó là một chuỗi tiếng chuông lớn từ vùng núi Rhodope trong các buổi âm nhạc cô tham gia và tổ chức. Nữ ca sĩ giải thích rằng mỗi âm thanh tương ứng với một trung tâm năng lượng trong cơ thể , kết hợp thêm các âm thanh khác nhau có thể giúp chữa khỏi bệnh trong cơ thể con người.
Trước Smilyana Zaharieva, một giáo viên người Ailen mang tên Annalisa Flanagan đã giữ kỷ lục với nốt cao nhất thế giới với 121 decibel (dB), nhưng không có bản thu âm được ghi lại.
Quỳnh Trang
Theo Arabnews