NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Mang áo dài dát vàng lên sàn diễn quốc tế
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin Đỗ Trịnh Hoài Nam được mời trình diễn khai mạc Tuần lễ thời trang Couture Fashion Week (tại New York, Mỹ) vào ngày 8/9 tới đang khiến làng thời trang chú ý đặc biệt. Bởi, đây là lần đầu tiên một nhà thiết kế Việt được mời trình diễn khai mạc tại Tuần lễ thời trang uy tín bậc nhất này.
Đỗ Trịnh Hoài Nam là nhà thiết kế nổi danh từ áo dài. Và, trong sự kiện này, anh sẽ mở màn bằng bộ sưu tập áo dài “Sen Vàng” với những tà áo dài Việt có đính các họa tiết hoa văn bằng vàng, kim hoàn, đá quý…
* Cơ duyên nào đã đưa anh đến với Tuần lễ thời trang cao cấp New York Couture Fashion Week? Và, anh nghĩ sao khi mình vượt qua 30 nhà thiết kế nổi tiếng khác trên thế giới để xuất hiện trong tiết mục khai mạc?
- Trước đây tôi đã từng thiết kế nhiều BST thời trang và gây được sự chú ý của BTC New York Couture Fashion Week, đặc biệt là với bộ sưu tập áo dài hội họa Huế lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống.
Thực ra tôi đã nhận được lời mời tham gia New York Couture Fashion Week từ mùa trước, nhưng tôi phải chuẩn bị cho đến tận mùa này mới tham gia. Tôi đã dành gần 1 năm để chuẩn bị những mẫu thiết kế mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống và làng nghề Việt Nam.
Còn việc tôi tham gia chương trình này bởi phía tổ chức đề cao văn hoá truyền thống. Tôi không chỉ quảng bá được thương hiệu của mình còn muốn tạo dấu ấn và quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam.
* Vậy so với những bộ sưu tập trước của anh, "Sen Vàng" có gì đặc biệt?
- BST thời trang “Sen Vàng” được lấy ý tưởng từ những bộ áo dài cưới hỏi của các nàng tiểu thư khuê các thời phong kiến. Trong đó có những bộ áo dài truyền thống, và cả những mẫu áo dài theo xu hướng thời trang thế giới, được cách tân để hợp với không gian hiện đại, hội nhập quốc tế.
Những họa tiết trên bộ sưu tập được lấy cảm hứng từhình ảnh của hoa sen và các họa tiết dân tộc của rối nước, dùng chất lụa đặc biệt, kết hợp với kỹ thuật dát vàng Kiêu Kỵ, sản phẩm kim, hoàn đá quý của Hàng Bạc, dệt lụa truyền thống Hà Đông và thêu tay Mỹ Đức - Hà Tây (cũ)… Tất cả đều được làm bằng tay, được in thêu dựa trên kĩ thuật của các làng nghề truyền thống đểtạo nên vẻ đẹp bình dị mà cao sang, thuần khiết.
* Nhưng, tại sao anh lại chọn áo dài dát vàng lộng lẫy thay vì chọn một tà áo dài truyền thống để giới thiệu với bạn bè thế giới? Liệu nó có thật phù hợp với bản sắc dân tộc Việt Nam hay không?
- Có nhiều người nói rằng áo dài truyền thống đã bị phá nát ra bởi sự cách tân, đổi mới. Tôi chỉ muốn nói thế này, áo dài truyền thống hãy để cho những ngày truyền thống, những lúc chúng ta lên chùa, ngày lễ tết, chương trình biểu diễn mang tính truyền thống... Áo dài cũng cần được “lớn lên”, như một cây xanh cũng phải lớn lên theo độ tuổi của mình. Và, văn hóa cũng cần phải hội nhập.
Có thể mọi người cho là khập khiễng nhưng tôi muốn lấy một ví dụ cụ thể. Một cái ao, nếu không được thay nước mới và chuyển bớt nước cũ đi thì sẽ trở thành một cái ao tù.
Văn hóa, bao gồm cả thời trang, cũng cần luân chuyển và giao thoa để phù hợp với văn hóa đương đại và tình hình kinh tế, chính trị hiện nay.
* Nếu như một chiếc áo dài vừa có đá quý lại còn còn có cả vàng nữa thì giá trị rất đắt tiền, trong khi đời sống của người dân Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình. Theo anh, ai là người có cơ hội để sử dụng những thiết kế xa xỉ đó?
- Như tôi đã nói, cái gì cũng có thời kì của nó và đây là thời kì của áo dài cách tân. Áo dài được sử dụng trong từng mục đích, không gian khác nhau. Đến với một tuần lễ thời trang cao cấpthì mình cũng phải chuẩn bị những sản phẩm cao cấp xứng tầm.
Khách hàng của tôi thường là những chính khách quốc tế, những doanh nhân thành đạt, họ chọn sản phẩm của tôi cho những sự kiện quan trọng mang tính ngoại giao, điều này cũng phần nào quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Đối với tôi, thời trang là công cụ giao tiếp không lời nhưng truyền tải những giá trị văn hóa sâu sắc”.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc cho buổi trình diễn mở màn tại tuần lễ thời trang thành công tốt đẹp!
Hồng Nhung (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa