NSƯT Thanh Lam: 'Tranh của họa sĩ Phạm Lực gợi cho tôi ký ức về ba'
(Thethaovanhoa.vn) - Nữ diva không giấu được sự xúc động khi nhắc đến người cha quá cố - Nhạc sĩ Thuận Yến khi nhìn ngắm những tác phẩm mang đậm ký ức chiến tranh của họa sĩ Phạm Lực trong triển lãm “bút Lực” - sự kiện đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đến hết ngày 20/5/2018.
- Trí Minh và Thanh Lam mở màn Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2017
- 'Ông trùm hoa hậu' và những chuyện ít biết về gia đình 'người đàn bà hát' Thanh Lam
Trong khuôn khổ triển lãm “bút Lực”, buổi tọa đàm nghệ thuật “Chiến tranh và Hòa bình” vừa diễn ra tại VCCA đã thu hút sự có mặt của đông đảo người yêu tranh và nhiều nghệ sĩ. Tại đây, họa sĩ Phạm Lực – người trưởng thành từ quân đội đã chia sẻ nhiều ký ức khi đi qua những ngày tháng ác liệt của chiến cuộc, hoàn cảnh ra đời của một số sáng tác nổi tiếng. Trong đó, có cả những câu chuyện ông ít khi chia sẻ như bức “Nữ dân quân chở con” sáng tác năm 1966.
Có mặt tại buổi nói chuyện, ca sĩ Thanh Lam xúc động cho biết chị đã nhớ đến ba – nhạc Thuận Yến rất nhiều khi xem các tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực. Có những năm tháng tuổi thơ gắn với giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thanh Lam nhìn thấy mình trong tác phẩm “Nữ dân quân chở con”. Nội dung trừu tượng, những nét trực họa dứt khoát của người họa sĩ tài hoa gợi lại ký ức của giai đoạn mà tất cả mọi người già, trẻ, gái, trai đều hòa mình vào chiến tranh. “Tôi nhớ khi còn nhỏ, những ngày sơ tán, tôi nhớ khi ở chiến trường, ba tôi cũng đèo tôi trên xe đạp như vậy”, giọng ca của “Màu hoa đỏ” chia sẻ.
Phạm Lực là một gương mặt nổi bật, ấn tượng trong ba thế hệ họa sĩ trưởng thành từ kháng chiến. Ông sáng tác nhiều về đề tài “Chiến tranh và hòa bình” nhưng thời điểm, góc nhìn và cách tiếp cận rất độc đáo. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương – giám tuyển triển lãm, đây là những ám ảnh của người trong cuộc. Ngay trong chiến tranh, ông vẽ về hòa bình và ước mong hòa bình. Đến thời kỳ hậu chiến, ông lại vẽ về ám ảnh chiến tranh. Công chúng cảm nhận được trong tranh Phạm Lực sự “quyết tâm” lẫn “nỗi buồn” của chiến cuộc, tinh thần yêu hòa bình và khát vọng không-chiến-tranh.
Đồng tình với những nhận định đó, PGS.TS. Văn Giá (Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng giữa bối cảnh cuộc sống ngày càng hối hả, lối sống thực dụng lên ngôi thì triển lãm “bút Lực” giúp người ta dừng lại để ngẫm nghĩ về giá trị của con người, sự sống. “Tôi đã từng mời họa sĩ Phạm Lực đến nói chuyện với sinh viên. Sự hào sảng trong con người và bút pháp của ông truyền cảm hứng cho thầy trò tôi rất nhiều. Theo tôi, dù ở đề tài nào, tranh của Phạm Lực đều cổ vũ cho lòng hiếu sinh, yêu và trân quí cuộc đời”.
Không chỉ có đề tài chiến tranh, triển lãm “bút Lực” còn giới thiệu đến công chúng những tác phẩm ca ngợi tình mẫu tử, vẻ đẹp của phụ nữ, cảnh sinh hoạt đời thường của người dân… Những tác phẩm này một lần nữa khẳng định Phạm Lực là hoạ sĩ có cá tính hội hoạ rõ nét, với cách tạo hình vừa mộc mạc, vừa phóng khoáng; hòa sắc trầm ấm và sử dụng chất liệu đa dạng. Ông có sức sáng tạo dồi dào với hàng ngàn “đưa con tinh thần” đã ra đời, trong đó có hơn 700 tác phẩm được nhà sưu tập – TS. Nguyễn Sĩ Dũng sưu tầm và chọn ra 60 bức để giới thiệu tại VCCA
Ngày khai mạc triển lãm, Phạm Lực không giấu được những giọt nước mắt vì “xúc động gặp lại những đứa con”. Cũng dễ hiểu, vì tranh của ông bán rất chạy, được nhiều nhà sưu tập giữ làm của riêng, nói như TS. Nguyễn Sĩ Dũng là “để con cháu sau này không phải ra nước ngoài tìm mua tranh của Lực”.
Sống qua những ngày tháng chiến tranh gian khó, Phạm Lực giữ lửa với niềm đam mê của mình bằng cách vẽ trong mọi hoàn cảnh, trên mọi chất liệu, trong mọi điều kiện. Để vẽ được, ông phải trưng dụng bao gạo đã rỗng, cố gắng vẽ tranh bằng tất cả những gì có trong tay. Có những lúc, ông phải thử dùng cả dầu bẩn còn sót các bình xăng thay cho màu đen. Có lẽ sáng tác trong hoàn cảnh như vậy, nên bên cạnh ý nghĩa hào hùng, Phạm Lực cũng là người thấu hiểu những mặt khác của cuộc chiến. Với hơn 40 năm nghiên cứu Việt Nam, Giáo sư Tsuboi Yoshiharu (Đại học Waseda, Nhật Bản) cho rằng “dù chọn đề tài nào đi chăng nữa, dù dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp, những bức tranh đó đều thể hiện “nỗi buồn chiến tranh”.
Bước sang tuổi 75, họa sĩ vẫn sáng tác liên tục với những đề tài truyền thống của Viêt Nam như phong cảnh thiên nhiên, người nông dân, ngư dân, hình ảnh mẹ - con và cả nỗi ám ảnh về chiến tranh. Họa sĩ cho biết: “Tôi muốn những người như vậy được hạnh phúc hơn, muốn vẽ tranh để qua đó xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Đề tài tranh cũng vậy, tôi muốn những người như vậy xem tranh của mình và cảm nhận được một điều gì đó. Trên hết, nếu tranh của mình khích lệ được đời sống con người, đó là điều vui sướng nhất của tôi.”
Triển lãm “bút Lực” mở cửa tự do cho công chúng đến hết ngày 20/5 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom – VCCA (Tầng B1-R3, Royal city, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), song song với triển lãm “Bóng&Hình” của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Lệ Quyên