NSND Trà Giang: Rời điện ảnh và đến với hội họa
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm hội họa Mùa Xuân của NSND Trà Giang khai mạc lúc 10h ngày 10/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm về thiên nhiên, với cái nhìn tươi vui, thanh khiết. NSND Trà Giang tâm sự rằng hội họa không chỉ là cảm hứng trễ muộn, mà còn là nguồn vui sống khi bà quyết định bước khỏi địa hạt phim ảnh.
- NSND Trà Giang: Thương Bạch Diệp biết bao cho vừa…
- NSND Trà Giang - 'nàng thơ' của đạo diễn - NSND Bạch Diệp
- NSND Trà Giang - “Không đẹp nhất, nhưng đôi mắt thì vô địch”
Còn triển lãm cá nhân lần này do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tài trợ và chủ động tổ chức, kéo dài đến hết ngày 17/1/2016, và dự kiến sẽ là triển lãm cá nhân cuối cùng của NSND Trà Giang.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với bà.
* Trở lại chuyện hơn 25 năm trước (1990), vì sao khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, bà lại quyết định nghỉ đóng phim mãi mãi?
- Có nhiều lý do lắm, nhưng chính yếu là khi tiếp xúc với môi trường làm phim kiểu “mì ăn liền” lúc đó, tôi tự thấy mình không phù hợp, nên có ý nấn ná chờ đợi, rồi thời gian cứ thế trôi đi, thành ra “lỡ chuyến đò” phim ảnh.
Sau này, khi đi quay một số chương trình thiện nguyện hay thực tế này kia, với mật độ làm việc dày đặc, cứ một ngày quay về là mệt đến 3-4 ngày, nên càng thấy rằng mình không còn đủ sức để tham gia phim ảnh nữa.
* Như vậy, dù không chủ đích, nhưng bà đã giải nghệ trước tuổi hưu chừng 7-8 năm, thời gian chờ đợi đó, bà có buồn không?
- Nhiều người tâm sự là diễn viên, là nghệ sĩ thì mình phải thế này thế kia, đôi lúc phải tỏ ra này nọ, nhưng từ trẻ tôi đã sống khá bình thường, về sau này còn bình thường hơn người bình thường nữa, nên có nổi tiếng hay không, cũng chẳng quan trọng lắm. Thế nhưng, với công việc diễn xuất thì rất khác, vì mình đã gắn bó với nó suốt thời tươi trẻ và có lý tưởng rất trong sáng, rời bỏ khó mà dửng dưng.
Khi vào TP.HCM, những năm đầu gia đình phải làm quen nhiều thứ, thành ra cũng bận rộn, nên không đi đóng phim cũng chẳng kịp thấy buồn. Trong thời gian chờ đợi để có phim phù hợp, tôi phải đọc vô số kịch bản, nên không đóng phim thì cũng tự nhiên gần với phim. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế cho lúc về hưu, tự dặn mình chẳng có gì phải tiếc nuối, nhưng cái ngày cầm quyết định nghỉ hưu, thật sự trong lòng thấy trống vắng lắm.
* Cơ duyên nào đã đưa bà đến với hội họa?
Đầu năm 1999, trong dịp đi thăm cô Lê Thị Thoa (vợ Thượng tướng Trần Văn Trà - PV), đến nhà thấy treo rất nhiều tranh, hỏi ra thì mới biết cô ấy vẽ. Tôi tự nhiên có ý tưởng học theo, vì nghĩ bâng quơ thôi, cô ấy (tiến sĩ sinh hóa, nguyên PGĐ Viện Pasteur TP.HCM - PV) làm được, thì chắc mình cũng làm được. Ngay sau đó tôi đăng ký các lớp học vẽ, đến cuối năm thì ông xã gặp bạo bệnh rồi qua đời, tự nhiên thấy gần gũi với hội họa hơn phim ảnh.
Mấy năm sau đó tôi thấy cần sự riêng tư hơn đám đông, nên gần như chuyển phần lớn tâm sự vào màu sắc, như một cách thiền. Dù không muốn sân si chuyện được mất, nhưng nếu không có hội họa, tuổi hưu của tôi chắc buồn lắm.
Tác phẩm "Sương trên lá đỏ" (sơn dầu trên bố, 70 x 70 cm) vừa được Trà Giang vẽ tháng 1/2016
* Giai đoạn đầu vẽ bột màu, chủ yếu tĩnh vật, sau đó mới chuyển qua sơn dầu, chủ yếu vẽ phong cảnh thiên nhiên. Vì sao lại là sơn dầu, với ưu tiên phong cảnh, mà không phải là chân dung, con người?
- Thời tôi đóng phim đi đây đi đó khá nhiều, ký ức về thiên nhiên in đậm trong tâm trí, nghỉ hưu lại sống nơi thành phố đông đúc, thấy cần hồi tưởng về thiên nhiên. Mỗi lần vẽ tĩnh vật hoặc thiên nhiên lại thấy lòng mình nhẹ nhõm, thư thái, nên cứ thế… tiến tới.
Với lại cũng thành thật mà nói, tôi đến với việc vẽ khá muộn, học cũng sơ sài thôi, nên chưa dám vẽ người, vì quá khó. Việc chọn sơn dầu cũng vậy, nó có ưu điểm dễ vẽ chậm, có thể “sửa sai” thuận tiện hơn, nhiều bức mấy năm sau vẫn bổ sung, sửa sai được. Hơn nữa, vì căn bản yếu, nên không dám phiêu lưu chất liệu, thấy cái nào phù hợp và quen tay thì làm.
Tôi cũng từng vẽ con gái và gia đình mình, nhưng dự định là sau này vững vàng hơn chút xíu, tôi sẽ vẽ lại các vai diễn của mình, như một kiểu “tự họa”. Hy vọng sẽ làm được và kịp làm hết các vai diễn đã đóng.
* Về tinh thần, hội họa là nguồn vui sống, còn với đời sống thường nhật, ngoài “giết thời giờ”, hội họa mang lại cho bà những điều gì?
- Việc có tranh để tặng người thân, bạn bè cũng thú vị, nhiều người sắp về nhà mới, họ tâm sự chỉ muốn có tranh treo, quan trọng hơn những quà cáp khác. Thật lòng, lương hưu chưa thể đủ cho các việc phải không, chứ đừng nói đến bệnh tật này kia, nên thỉnh thoảng bán được bức tranh cũng giúp trang trải phần nào. Vì vậy, cả về đời sống và tinh thần, tuổi hưu của tôi đã có hội họa đồng hành.
NSND Trà Giang sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973. Bà nổi tiếng với các phim Chị Tư Hậu (1962), Lửa rừng (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Bài ca ra trận (1973), Em bé Hà Nội (1974), Huyền thoại về người mẹ (1987), Hoàng Hoa Thám (1987)… Bà là đại biểu Quốc hội khóa V, VI và VII. |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa