(TT&VH) - Nói về NSND Trà Giang, người bạn cùng khóa là NSƯT Ngọc Lan kể, hồi đó hai bà từng đùa “Hai đứa mình xấu nhất lớp” (khóa 1 Trường Điện ảnh Việt Nam). Nhưng, như thể trời cho, Trà Giang có được đôi mắt biết kể chuyện.
Sáng 20/10, mừng diễn viên - NSND Trà Giang 70 tuổi, triển lãm ảnh về cuộc đời bà khai mạc tại Viện Phim Việt Nam ở Kim Mã, Hà Nội. Buổi giao lưu “NSND Trà Giang - Chuyện nghề, chuyện đời” cũng được tổ chức trong hội trường của Viện. Song song với triển lãm ảnh, nhiều bức tranh do chính Trà Giang vẽ cũng được trưng bày và bán để làm từ thiện.
NSND Trà Giang ở tuổi 70 (trái), cùng một góc chụp bức ảnh hồi trẻ được triển lãm.
|
Tin vào đôi mắt Trà Giang
Nhiều bạn bè cùng lứa đã nhận ra điều đặc biệt này ở Trà Giang, từ khi bà còn chưa bắt đầu sự nghiệp điện ảnh. Đôi mắt to, đen và sáng là điểm thu hút nhất trên gương mặt bà, ẩn chứa nhiều câu chuyện. Một đôi mắt có thần là thứ mà mọi diễn viên mong ước.
Đạo diễn - NSND Bạch Diệp, một người cũng học cùng khóa với Trà Giang, gật gù bảo: “Trà Giang không phải người đẹp nhất khóa, nhưng đôi mắt thì vô địch”. Đạo diễn của Ngày lễ thánh và Huyền thoại về người mẹ kể, có những vai diễn, khi mới đọc kịch bản, bà tin chắc chỉ có Trà Giang với đôi mắt như thế mới diễn tả được tâm trạng nhân vật. Đến khi quay, nữ diễn viên có những khoảnh khắc xuất thần đến nỗi đạo diễn (vốn được mệnh danh là “người đàn bà thép” của điện ảnh Việt) cũng phải kinh ngạc và rơi nước mắt cùng diễn viên.
Từ giã nghiệp diễn vì không đóng phim mì ăn liền
Không ngờ sẽ có khán giả hỏi về lý do chia tay phim trường (kể từ phim Dòng sông hoa trắng năm 1989) nhưng Trà Giang vẫn cởi mở trả lời: “Với một người diễn viên, khi mới ở tuổi 48, còn đầy đủ sức khỏe và nhiệt huyết, thì đó là một nỗi đau rất lớn”.
“Sau phim Huyền thoại về người mẹ năm 1987” - bà kể - “tôi dự định làm một bộ phim về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Kịch bản đã được viết, đoàn làm phim đã thành lập, đi thực tế rồi, chỉ chờ ăn Tết xong là vào quay. Bỗng dưng Hãng Phim truyện VN thông báo là không quay nữa, với lý do là “những phim như thế không phát hành được. Mà không ai mua nghĩa là hãng không có tiền để trả nợ cho ngân hàng”. Kế hoạch làm phim không thành, Trà Giang rất đau lòng, đến nỗi sau đó một thời gian, bà quyết định vào TP.HCM sống. Với riêng Trà Giang, đó là một quyết định khó khăn, vì dù sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng khi đó bà đã gắn bó với Hà Nội, tưởng chừng như sẽ sống hết đời tại đây.
NSND Trà Giang trong phim Chị Tư Hậu. Ảnh Tư liệu
|
Ở miền Nam thời điểm đó, những năm đầu thập niên 1990, dòng phim mì ăn liền đang thịnh hành. Có nhiều lời mời đóng phim, nhưng khi đọc kịch bản, bà thấy “nhân vật đó không phải dành cho mình”. Thế là, cứ chờ đợi một vai diễn rồi “tịt hẳn” (từ dùng của Trà Giang).
Năm 2009, khi trả lời phỏng vấn báo chí, NSND Trà Giang từng giải thích về sự giã từ: “Cái duyên trời cho người diễn viên chỉ nên làm vừa đủ mắt của khán giả, không nên để khán giả phải vì mình mà cố xem rốn”. Có lẽ, giờ đây bà mới tiết lộ thêm một nguyên nhân khác, không “tròn trịa” mà nhiều day dứt hơn. Vẫn yêu nghề, vẫn nhận danh xưng duy nhất là “diễn viên” mà lại không còn diễn nữa, điều đó nghe dở dang như chính cuộc đời này.
Và sự tiếc nuối của NSND Đặng Nhật Minh
Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh chưa làm phim với NSND Trà Giang nên không có nhiều kỷ niệm để kể. Nhưng ông từng nghe nhiều nhận xét của các nhà phê bình điện ảnh quốc tế về Trà Giang. Năm 1999, theo lời kể của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Liên hoan phim Toronto ở Canada có mở chương trình đặc biệt về điện ảnh Việt Nam, chiếu 12 phim do nhà phê bình David Overbey đích thân sang tận nước ta tuyển chọn. Trong các phim được chọn có Chị Tư Hậu mà Trà Giang đóng vai chính. Sau chương trình này, trước khi tạm biệt nhau, ông David Overbey có nói với đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Bận sau anh làm phim, tôi khuyên nên mời Trà Giang. Cô ấy là một diễn viên thuộc đẳng cấp quốc tế”. “Hôm nay nhớ lại lời khuyên của ông Overbey, tôi thấy ân hận vì chưa thực hiện được và hy vọng sẽ có cơ duyên để thực hiện”.
Nghe chia sẻ của vị đạo diễn hơn mình 4 tuổi, NSND Trà Giang đã mang hoa xuống tặng ông.
Chỉ là “diễn viên vẽ”
Nhìn hình ảnh Trà Giang qua các thước phim, người xem như hình dung rõ diễn biến của một phần cuộc đời diễn viên. Từ hình ảnh tươi trẻ thiếu nữ trong bộ phim đầu tiên, đến đàn bà hơn, bi kịch hơn, bắt đầu vào vai những người vợ, người mẹ. Thời gian chảy qua những thước phim nhưng có những năm tháng mãi mãi dừng lại ở đó, trên màn ảnh và trong trí nhớ của khán giả. Và chợt hiểu rằng, diễn viên là một nghề đáng để theo đuổi. Lạ lẫm hơn là bức ảnh Trà Giang áo sơ mi và quần jeans xắn gấu cao đều rộng thùng thình, ngồi vẽ trong một góc nhà bừa bộn. Chưa bao giờ tôi thấy một Trà Giang ít chỉn chu như thế, và đời thường hơn rất nhiều. Bà vẽ, để nhận ra “mình vẫn còn niềm đam mê nghệ thuật” (lời Trà Giang). Nhưng, đây là niềm đam mê mới, với màu sắc chứ không phải với việc đứng trước ống kính. Thế nhưng, đừng gọi Trà Giang là họa sĩ. Bà bảo: “Tôi chỉ là diễn viên vẽ thôi”. Vẽ và bán tranh lấy tiền làm từ thiện chứ đâu theo đuổi nghệ thuật hội họa cao siêu. “Diễn viên vẽ”, nghe là biết bà vẫn còn tiếc nuối và “quấn quít” với điện ảnh lắm.
Mi Ly