Nỗi xấu hổ mang tên 'hôi của'
(Thethaovanhoa.vn) - Một ông bạn nước ngoài rất sõi tiếng Việt chìa chiếc iPad ra trước mặt tôi bảo: "Đọc đi, rồi cho tôi hỏi một câu".
- 'Hôi của' khi xe chở dầu gặp nạn - thảm kịch kinh hoàng khiến gần 150 người chết cháy
- Chủ tàu chở 3.000 tấn gạo tố bị 'hôi của' khi mắc cạn trên biển Bình Thuận
- Lật xe chở 20 tấn thức ăn, người dân nhào ra hôi của
Đập vào mắt tôi là những dòng thông tin và hình ảnh cho rằng có hiện tượng 2 lái xe taxi "hôi Coca Cola" trên đường Pháp Vân (Hà Nội) xảy ra chiều ngày 2/1 vừa qua. Vụ việc còn đang được bên công an làm rõ, và cho tới nay mới chỉ có những phản ánh trên mạng xã hội, chưa xác minh được vụ việc.
Cô bạn ngồi kế bên cũng ghé đầu "đọc ké", chưa gì đã bô bô:
"Hôi của thôi mà, có gì lạ đâu! Chả cần search Google tớ cũng có thể kể được vài vụ như: hôi bia ở Đồng Nai, hôi tiền của người bị cướp giật, hôi dầu khi xe tải bị lật".
Ông bạn Tây hỏi: "Việt Nam có cả một kho tàng lời hay ý đẹp về cái gọi là "tinh thần tương thân tương ái", giúp nhau lúc hoạn nạn, mà sao lại có cảnh... ăn cướp của nhau như thế này?
Tôi và cô bạn chỉ biết câm nín. Không biết cô bạn của tôi cảm thấy thế nào? Với tôi, cảm giác chỉ gói gọn trong 3 từ: Xấu hổ quá!
Và, cùng với nỗi xấu hổ, nhớ đến câu các cụ dạy "Đói cho sạch, rách cho thơm", tôi còn cảm thấy bị tổn thương. Đành rằng những kẻ hôi của chỉ là thiểu số.
Diễn biến của vụ việc này xin không kể lại nữa, phần vì "xấu hổ quá", phần vì nó sẽ còn lưu lại mãi trên môi trường mạng (như những vụ trước) mà nếu muốn bạn đọc có thể đọc nó bất cứ lúc nào.
Chỉ xin qua vụ việc này để nói ra một vài suy nghĩ về một hành động mà ông bạn Tây của tôi gọi là “cướp”.
Thấy người khác gặp nạn không những giúp một tay mà còn trắng trợn xông vào hôi của rồi bỏ chạy thì đó là ăn cướp. Cướp giữa ban ngày, cướp giữa đường giữa chợ, hay nói theo luật là: "công khai cưỡng đoạt tài sản của người khác".
Tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng với loại tội này, ngoài sự trừng trị của pháp luật, cần phải có sự trừng trị của xã hội vì cái gọi là "con sâu làm rầu nồi canh", thậm chí đã "làm nhục" cả cộng đồng.
Vụ "cướp bia tập thể" ở Đồng Nai cách đây 4 năm đã khiến hai đối tượng cầm đầu lĩnh án 6 tháng tù giam (cho mỗi người).
Tương tự, tôi tin rằng, những người tham gia các vụ hôi của, dù không bị ghi hình và bị pháp luật xử lý thì cũng sẽ bị trừng phạt bởi lương tâm sau khi đọc được những thông tin cùng những "lời tuyên án" mà dư luận đã và đang "ban" ra cho "vụ cướp" của mình. Bởi lẽ nếu họ biết nhìn ra cái sai, biết xấu hổ, nghĩa là còn nhân tính, sẽ tiến bộ và rồi từ đó biết phải ứng xử có văn hóa, biết thể hiện mình là một công dân chân chính trước những sự cố không may của đồng loại hơn là tranh thủ hoạn nạn bộc lộ bản năng tranh cướp chỉ có ở loài dã thú.
Có câu: "Sống không biết hổ, như chim ăn dơ mặt mày chịu nhục, gọi là sống dơ. Liêm sỉ tuy khổ, giữ nghĩa thanh bạch, tránh nhục chẳng dối, gọi là sống sạch".
Không biết xấu hổ thì dễ phơi bày những thói xấu, không biết xấu hổ, làm nhiễm bẩn văn hóa và tinh thần dân tộc!
Phạm Huy