Nỗi sợ khi thị trường chuyển nhượng bị co hẹp
(Thethaovanhoa.vn) - Thị trường chuyển nhượng không đơn thuần là các cuộc mua bán cầu thủ giỏi hay xuất sắc mà còn là một cuộc thanh lọc hàng kém chất lượng.
Trong số các đội bóng ở Premier League, Arsenal có thể khá hài lòng với công việc thanh lọc lực lượng của họ. Ưu tiên của HLV người Tây Ban Nha, Arteta, và Giám đốc kĩ thuật Edu là cắt giảm đội hình đến mức "không thể quản lí được" và giảm quỹ lương. Kết quả là Ozil, cầu thủ được trả lương cao nhất của Arsenal, chuyển đến Fenerbahce mà không có phí chuyển nhượng mặc dù còn 6 tháng trong hợp đồng. Sokratis và Mustafi chấm dứt hợp đồng. Kolasinac, Saliba, Maitland-Niles và Willock rời Emirates dưới dạng cho mượn.
Tích lũy ngân sách nhờ bán cầu thủ và sử dụng tiền một cách thông minh hơn, như Chelsea và Liverpool cho thấy trong những năm qua, Arsenal xem như cũng nhận ra họ cần phải tỏ ra khôn khéo trên thị trường chuyển nhượng vào lúc này.
Sau cùng thì đây là điều bình thường mới do những tác động tài chính vì đại dịch Covid-19 và một điều dễ thấy là nó đang có tác động lớn nhất đến những cầu thủ ngồi ngoài. Nói như một GĐĐH của một đội bóng ở London thì việc thay đổi cầu thủ trong đội hình là khó khăn nhất. Một vụ chuyển nhượng vào những năm trước có thể mang lại cho họ 25 triệu bảng thì nay chỉ là hợp đồng cho mượn và đó là nếu họ có thể tìm thấy một đội bóng sẵn sàng mượn và trả lương cho cầu thủ này. Do vậy, nhiều đội bóng có ngân sách eo hẹp không còn lựa chọn nào khác là chấm dứt hợp đồng hay kí thỏa thuận tạm thời với các cầu thủ. Hay nói cách khác, nếu không bán được, họ cũng sẽ không có tiền để mua cầu thủ mới.
Số liệu từ Deloitte cho thấy, các đội bóng ở Premier League chỉ chi 70 triệu bảng trong kì chuyển nhượng mùa Đông vừa qua, một mức giảm đáng kinh ngạc so với 230 triệu bảng vào tháng 1/2020, mức chi thấp nhất kể từ năm 2012, khi thị trường bị chi phối bởi các hợp đồng vay mượn. Một số vụ chuyển nhượng lớn là việc MU mua Amad Diallo theo hợp đồng ban đầu trị giá 18,7 triệu bảng, trong khi West Ham biến hợp đồng tạm thời với Benrahma thành chính thức với giá 25 triệu bảng…
Nhìn ra châu Âu, mức chi giảm mạnh từ 581 triệu bảng xuống 171 triệu bảng. Theo Deloitte, doanh thu sụt giảm do Covid-19 sẽ “đóng vai trò là chất xúc tác trong việc tạo ra sự thay đổi ở cách các đội bóng tiếp cận thị trường chuyển nhượng trong vài mùa tới”.
Điều đáng nói là sẽ có nhiều đội bóng không thể tăng chất lượng của đội hình nếu không cắt giảm số lượng, trong khi các đội bóng lớn cũng không còn đủ tài chính để tiếp nhận những cầu thủ giỏi nữa. Đó là lí do tại sao chúng ta được chứng kiến rất nhiều hợp đồng cho mượn và hủy bỏ hợp đồng.
Trong trường hợp này, những cầu thủ dư thừa bình thường có thể dễ dàng tìm được đội bóng phù hợp, nhưng giờ họ không có nhiều lựa chọn hoặc thậm chí là không có lựa chọn nào. Và điều này sẽ tác động rất lớn tâm lí của họ. Đột nhiên, họ không biết họ sẽ đi đâu. Liệu họ có nên chuyển nhà? Liệu những đứa trẻ có cần phải chuyển trường học? Tất cả những suy nghĩ kiểu này đều xuất hiện nếu như họ bị đẩy đi hoặc bị hủy hợp đồng. Chẳng hạn như Angelino của Man City. Hậu vệ trái 24 tuổi người Tây Ban Nha từng ngồi dự bị ở Man City, nhưng may mắn thi đấu thành công ở RB Leipizig theo thỏa thuận cho mượn và nhận được một bản hợp đồng lâu dài.
Điều đáng buồn là đó không phải là chuyện xảy ra thường xuyên cho nhiều cầu thủ hiện đang bị thất sủng vì lựa chọn ít ỏi hiện nay, nếu không muốn nói họ sẽ phải nhượng bộ để đảm bảo một vụ chuyển nhượng thành công.
Mạnh Hào