Nỗi lo “sập bẫy tâm lý” khi mua sắm online trên các trang thương mại điện tử
Mua kem dưỡng da nhận trà giảm cân?
Kể từ khi dịch vụ thương mại điện tử phát triển thì việc mua hàng online đối với chị Nguyễn Minh Tâm ở Cầu Giấy, Hà Nội đã trở thành một thói quen. Chỉ cần một cái click chuột là có thể mua sắm ở khắp mọi nơi. Nhưng mới đây, chị cho biết vẫn chưa hết "choáng" với một đơn hàng mua online vì cảm giác còn hơn cả một cú lừa. Ngày 10/12, chị Tâm đặt mua một hộp kem dưỡng trên sàn Shopee với giá trị hơn 800.000 đồng, thanh toán theo hình thức giao hàng thu tiền (COD) từ người bán trên sàn này.
Ngày 12/12, chị nhận hàng và không phát hiện gì bất thường nên không vội mở gói hàng do chưa có nhu cầu sử dụng. Ngày 19/12, sau khi nhận thông báo qua app của ứng dụng này lưu ý "cẩn thận gian lận" người bán, chị Tâm mới giật mình mở kiện hàng và phát hiện hộp kem dưỡng đặt mua là...hộp trà giảm cân rẻ tiền giá chưa nổi trăm nghìn đồng.
"Cảnh báo được đưa ra khi tôi đã nhận hàng trước đó. Tôi gọi lên bộ phận chăm sóc khách hàng của Shopee để khiếu nại thì hơn một tuần sau sàn mới có câu trả lời. Số tiền bị mất không lớn nhưng gặp tình huống này tôi cảm thấy bị mất niềm tin" - chị Tâm cho biết.
Bản thân người mua hàng cần thận trọng để tránh bị lừa hoặc gặp phiền phức.
Tương tự là trường hợp chị Thùy Dương (TP.HCM), trong lần mua hàng mới đây trên một sàn thương mại điện tử, đơn hàng của chị có 2 trong 15 sản phẩm bị vỡ được xác định do vận chuyển nên chị muốn đổi trả hàng.
"Thông thường, chỉ cần tôi bấm lệnh hoàn trả hàng, vài tiếng sau sẽ có người đến nhận hàng, còn tiền hoàn vào tài khoản sau đó. Nhưng với đơn hàng này, phía sàn nói do mùa dịch việc đi lại không thuận tiện, sàn chỉ giảm thanh toán tiền hàng sản phẩm đó" - chị Dương kể và cho rằng đây là cách xử lý không thiện chí bởi giảm giá với hàng bị hỏng không có ý nghĩa gì vì đâu có sử dụng được.
Không chỉ bị trì hoãn các dịch vụ hậu mãi, người mua hàng online thời gian qua cho biết đã gặp nhiều tình huống "khó đỡ" như mua hàng trong thành phố nhưng 7 ngày sau mới giao vì lý do đơn hàng online tăng đột biến, sàn không đủ nhân viên giao hàng, hay gặp phải "chiêu" giảm giá ảo (giả vờ đăng nhầm giá rồi ép người mua hàng), chất lượng giữa quảng cáo và hàng.
Tâm lý mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện nay
Đa phần quyết định mua hàng của người tiêu dùng đều là bộc phát, nghĩa là họ không xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi mua và không nhận thức điều gì đã thúc đẩy họ mua sản phẩm đó. Tận dụng nhược điểm này, các nhà tiếp thị có hàng tá chiến thuật đánh vào tâm lý khách hàng để thúc đẩy họ mua sắm.
Bên cạnh đó, khi mua hàng trực tuyến người tiêu dùng không được trực tiếp nhìn thấy và thử sản phẩm. Vì vậy họ sẽ tin vào trải nghiệm của những người mua hàng trước đó.
Ngoài ra, số lượt đánh giá có thể tạo ra nhiều khác biệt hơn so với chất lượng đánh giá tốt hay xấu. Ví dụ, cùng với 10.000 lượt đánh giá, một chiếc áo 4.9 sao chắc chắn chất lượng hơn so với chiếc áo 4.5 sao. Tuy nhiên, một chiếc áo 4.7 sao với 10.000 lượt đánh giá có thể lọt top tìm kiếm và bán chạy hơn so với chiếc áo 5 sao mà chỉ có 10 lượt đánh giá. Chất lượng đánh giá là điều quan trọng khi mua hàng, nhưng người dùng thường có xu hướng thích những thứ phổ biến. Vì vậy số lượng luôn chiến thắng chất lượng.
Đừng quá tin vào các lượt đánh giá trên mạng.
Mặt khác, khách hàng thường tin rằng họ vớ được một món hời lớn khi mua hàng thành công trong "khung giờ vàng". Điển hình các sự kiện mua sắm như sale 12/12 hay Black Friday tạo tâm lý cho người tiêu dùng rằng những dịp này chỉ diễn ra vài lần trong năm và họ nên tận dụng nó. Tuy nhiên, những dịp này không thực sự đem lại lợi ích kinh tế cho người mua hàng, mà chỉ đem về lợi nhuận khổng lồ cho các công ty.
Mẹo giúp tiêu tiền thông minh, kiểm soát tài chính hợp lý
- Phải theo dõi thông tin đơn hàng: Theo các sàn sàn thương mại điện tử, để phòng tránh các trường hợp đáng tiếc khi mua hàng trên sàn online, người tiêu dùng cần kiểm tra lịch sử bán hàng và lượt đánh giá sản phẩm của người bán hàng trước khi lựa chọn mua hàng. Người mua hàng cũng nên chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng đã đặt được cập nhật theo thời gian thực trong mục "Thông tin đơn hàng" ở tài khoản của người dùng.
Khi nhận hàng, cần có bước kiểm tra/đối chiếu thông tin giữa đơn hàng nhận được và đơn hàng đặt mua trên sàn sàn thương mại điện tử. Người dùng có thể từ chối nhận hàng nếu thông tin đơn hàng nhận được không khớp với đơn hàng đã đặt mua.
Trong nhiều trường hợp, hạn chế phương thức thanh toán COD cũng giảm ngừa rủi ro người mua hàng bị kẻ xấu trục lợi. Các hình thức thanh toán không tiền mặt lúc này được xem an toàn hơn.
Cần trang bị đủ hiểu biết để kiềm chế những sai lầm trong chi tiêu ở một mức độ chấp nhận được.
- Tự kiểm soát bản thân: Hãy nghĩ đến tương lai vài chục năm nữa, bạn muốn tận hưởng tuổi già như thế nào? Khi ấy, bạn sẽ muốn cảm ơn bản thân vì đã tiết kiệm tiền cho tương lai. Mỗi khi nhận được một khoản thu nhập nào đó, chúng ta nên trích một phần để tiết kiệm trước, số tiền còn lại dùng cho nhu cầu thiết yếu. Điều này sẽ giúp bạn giảm được việc lãng phí tiền cho những cơn mua sắm ngẫu hứng.
- Sử dụng lý trí để cân nhắc: Bạn nên xem xét chi phí cơ hội, trải nghiệm sản phẩm, hiểu rõ những thủ thuật bán hàng để tránh rơi vào cạm bẫy.
- Liệu cơm gắp mắm: Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý trí và cảm giác, bạn vẫn có thể tiêu tiền thông minh mà không bỏ lỡ những trải nghiệm của mình.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận biết và có khả năng thoát khỏi những chiêu thức “thao túng tâm lý” khi mua hàng trực tuyến. Áp dụng một trong các mẹo nêu trên có thể giúp bạn hạn chế được cạm bẫy mua sắm trực tuyến trong một số trường hợp nhất định.