Nỗi đau của Bangladesh: Khi người nghèo phải bán nội tạng trả nợ
(Thethaovanhoa.vn) - Nạn buôn bán nội tạng ở Bangladesh xuất hiện từ những năm 1982 hiện đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, bất chấp những biện pháp ngăn chặn của chính phủ nước này. Ngày càng nhiều người dân nghèo ở Bangladesh đã chấp nhận bán nội tạng để trả những khoản vay lãi ngoài ngân hàng.
Buôn bán nội tạng không phải là một vấn đề mới ở Bangladesh. Nhưng việc người dân nghèo với trình độ văn hóa thấp sử dụng không hiệu quả những khoản vay nhỏ (microcredit) của các tổ chức phi chính phủ vô tình đã đẩy họ vào một vòng xoáy trả nợ không có hồi kết, cho đến khi phải chấp nhận bán tạng để trả nợ.
Tai họa vì bán thận
Luật pháp Bangladesh nghiêm cấm việc buôn bán nội tạng người dưới bất kì hình thức nào, nhưng ngày càng nhiều người dân Bangladesh vẫn phá luật để có tiền.
Mohammad Moqarram Hossen đã bán một quả thận và giờ anh không thể làm việc nặng được nữa
Mohammad Akhtar Alam, 33 tuổi, là ví dụ điển hình. Anh đã bán thận để trang trải khoản vay vốn nhỏ của nhà mình. Nhưng việc chăm sóc hậu phẫu không tốt khiến người đàn ông nghèo ở Bangladesh này bị liệt một phần cơ thể, chỉ còn nhìn rõ được một bên mắt và không thể làm các công việc nặng.
Vài năm trước, Alam với nghề lái xe chở hàng đã không thể trả được các khoản tiền vay nhỏ mà nhiều chủ nợ hứa hẹn sẽ giúp anh thoát nghèo. Và trong khi công việc kinh doanh chưa đạt được những thành công nhất định, hàng tuần Alam đã phải trả những khoàn tiền nợ ngoài khả năng kiếm được, dù tổng tiền nợ của anh chỉ khoảng 1.500 USD.
Một lần Alam kể khó khăn của mình với một người làm nghề môi giới buôn bán nội tạng. Gã đàn ông lạ mặt hứa hẹn Alam sẽ nhận được hơn 6.000 USD nếu chấp nhận bán đi một quả thận. 17 ngày sau khi điều trị tại bệnh viện tư nhân ở Dhaka, Alam trở về nhà với tình trạng sức khỏe yếu và chỉ nhận được một khoản tiền nhỏ so với lời hứa của người đàn ông lạ mặt.
Giống Alam, Mohammad Moqarram Hossen cũng đến từ ngôi làng Kalai đã tin tưởng nghe theo những lời đường mật để sang Ấn Độ bán thận. Khi trở về với vết sẹo dài khoảng 30cm ở vùng bụng, Hossen cảm thấy mình không còn có thể làm những công việc nặng như trước.
Cuộc sống đảo lộn
Không thể phủ nhận rằng hình thức vay vốn nhỏ ở Bangladesh đã giúp hàng triệu người dân ở đất nước này thoát khỏi cảnh sống dưới mức nghèo khổ. Trong một nghiên cứu được công bố trong tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy có khoảng 16 triệu người dân Bangladesh thoát cảnh đói nghèo trong giai đoạn từ năm 1990-2008.
Tuy nhiên nhu cầu ngày càng lớn về nội tạng người đã tạo điều kiện để thị trường chợ đen hoạt động bất hợp pháp ở Bangladesh. Những người nghèo ở vùng nông thôn bị mê hoặc với những lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn nên đã chấp nhận ngày càng nhiều những khoản vay nhỏ. Dần dà, chúng trở thành một khoản vay lớn, nhấn chìm họ xuống bùn, tới mức phải bán tạng để trả nợ.
Mohammad Akhtar Alam cũng phải bán thận sau khi mắc lưới vay vốn nhỏ
Mohammad Mehedi Hasan đến từ ngôi làng Molamgari gần Kalai đã không lường trước được những hệ quả của việc bán đi lá gan với giá gần 10.000 USD. Hasan không hề biết rằng những kẻ buôn bán nội tạng người đã lấy đi bao nhiêu phần lá gan trong cơ thể, nhưng ngày nào anh cũng cảm thấy đau nhói ở ngực. Người đàn ông Bangladesh này cũng đi tiểu nhiều hơn 50 lần trong một ngày.
Giáo sư Moniruzzaman từng có nhiều năm nghiên cứu về cuộc sống của những người bán nội tạng ở Bangladesh nói rằng việc buôn bán nội tạng người có ảnh hưởng rất tiêu cực tới cuộc sống của người bán cho đến hết đời. Những người đàn ông ngay cả ở trong độ tuổi lao động, nếu chỉ bán đi một quả thận cũng sẽ khiến họ không thể duy trì được nhịp độ công việc như trước.
Hiện tượng này cũng cho thấy một mặt trái khác đang tồn tại ở Bangladesh. Đó là hình thức vay vốn nhỏ, ra đời với mục đích để giúp người nghèo thay đổi cuộc sống, lại vô tình đẩy họ xuống vực sâu khác của sự khốn cùng.
Hồng Đăng (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa