"Nobel kiến trúc" 2009: Nhà nguyện hay kho chứa tên lửa?
Kiến trúc sư Thụy Sĩ Peter Zumthor |
Nhà nguyện “tư nhân” trở thành công trình công cộng
Tôn vinh Thánh Nicholas of Flue (vị thánh bảo hộ của Thụy Sĩ), người mà các môn đồ gọi là Brother Klaus, nhà nguyện này được một nông dân bản địa có tên Hermann-Josef Schedweiler ủy quyền cho Zumthor xây dựng. Năm 1999, Schedweiler đề nghị KTS người Thụy Sĩ thiết kế một nơi để cầu nguyện và coi đây như cách cảm ơn cuộc đời đã đem lại cho mình sự thành đạt. Nhưng sau đó, nhà nguyện “tư nhân” này đã biến thành một công trình công cộng khi cứ mỗi dịp cuối tuần lại có hàng trăm du khách từ xa tới Wachendorf để được chiêm ngưỡng tác phẩm kiến trúc độc đáo của Zumthor.
Nhà nguyện Brother Klaus
“Nên thơ” hay “dữ dằn”?
Britta Dubilier sống tại Cologne nhưng thường xuyên tới nhà nguyện này bởi ở đây, chị tìm được sự bình an, đặc biệt là những lúc không đông người. “Công trình này thật đặc biệt vì mái thông nên ánh sáng dễ dàng xuyên qua đó hoặc bạn có thể nghe được tiếng gió và mưa rơi. Bước chân vào nơi đây, tâm hồn ta trở nên tĩnh tại”.
Bên trong nhà nguyện và nóc nhà nguyện nhìn từ bên trong
Một người đàn ông đã lái ô tô từ Brussels (Bỉ) tới thăm công trình này cùng con gái khi cô muốn có một chuyến đi ý nghĩa nhân ngày sinh của mình. “Chúng tôi đã nghe nói nhiều về nhà nguyện của Peter Zumthor. Con gái cả của tôi là một KTS và cháu khuyên tôi nên tới đây để thưởng ngoạn. Thật tuyệt vời”, người đàn ông này nói.
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Người dân địa phương kể rằng ban đầu gia đình Schedweiler muốn xây dựng nhà nguyện bằng đá với hình dáng quen thuộc, nhưng kết quả là một công trình trông thật “dữ dằn” đã ra đời. “Hầu hết người dân trong làng đều nói rằng trông nó giống một boong-ke hay kho chứa tên lửa. Có thể công trình này có giá trị đối với những người quan tâm tới kiến trúc. Nhưng với người dân thường thì thật lố bịch khi gọi đây là nhà nguyện”, bà Sylvia bày tỏ.
Lương Tuấn Vĩ