Ninh Bình: Phải quy hoạch đất để gom hơn 1.000 sư tử đá!
Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình thở dài, qua mấy ngày ra quân kiểm kê, rà soát sơ bộ cũng “tạm” ghi nhận có đến hơn 700 sư tử đá các loại đang án ngữ tại nhiều di tích đình, đền, chùa; đặc biệt nhiều là khối lượng hàng tồn ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, “lò” sản xuất và cung cấp sư tử đá ngoại lai cho các tỉnh, thành miền Bắc trong nhiều năm qua.
"Đau đầu" vì sư tử đá
Đúng là “đau đầu” vì sư tử đá. “Hơn 700 là con số thống kê chưa đầy đủ. Nếu tổng kiểm kê thì ước tính ở Ninh Bình hiện phải đến cỡ cả ngàn con sư tử đá ngoại lai. Chúng tôi đau đầu với câu hỏi: Chuyển chúng đi đâu?”, bà Phạm Thị Hoàn chia sẻ.
Sư tử đá tại đền Đức Thánh Nguyễn
Các hộ sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân cũng không hơn gì làng đá Non Nước (Đà Nẵng) trước bước chuyển của thị trường, cả về nhận thức lẫn thực tế. Sư tử đá theo kiểu Trung Quốc hay phong cách châu Âu vốn là mặt hàng làm giàu của nhiều hộ chế tác, kinh doanh của làng nghề. “Chúng tôi làm theo nhu cầu thị trường, có cầu ắt có cung, là lẽ thường tình bấy lâu và ở đâu cũng vậy”, ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng BQL làng nghề đá Ninh Vân chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Phạm Thị Hoàn tiết lộ, ở các kho hàng tại Ninh Vân hiện còn tồn nhiều sư tử đá lắm. Nhìn bằng mắt thì chỉ thấy chúng ngồn ngộn, nhưng tính toán thì thấy rõ hệ quả của một thời gian dài sản xuất rầm rộ mà thiếu định hướng, thiếu thông tin đang khiến cho Ninh Vân phải đối diện với những thiệt hại không nhỏ. Tính đơn giản, một đôi sư tử đá giá dao động từ 15 đến hàng trăm triệu đồng, nhân lên hàng trăm cặp còn tồn đọng...
Còn ông Nguyễn Hữu Học, Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Bình chia sẻ thêm, tại rất nhiều điểm di tích trên địa bàn, bao gồm các di tích đã được xếp hạng và chưa xếp hạng, sư tử đá rất phổ biến. Thêm nữa, vì “ở gần nhà” nên nhiều đền, chùa còn tự tìm đến Ninh Vân để mua sư tử đá mang về trưng bày cho... đẹp.
Ba cặp sư tử đá ở Cố đô Hoa Lư sẽ được di dời
Hai địa chỉ được thanh tra “điểm” trong đợt này là đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn) và Cố đô Hoa Lư (thuộc quần thể Danh thắng Tràng An, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới). Cả hai nơi này đều xuất hiện các cặp sư tử đá án ngữ phía cổng và trong không gian di tích.
Đền Đức Thánh Nguyễn là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nằm ở vị trí khuất sau những con đường làng ngoằn ngoèo, ngôi đền may mắn vẫn lưu giữ được nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ thế kỷ XVII. Tuy nhiên, sự xuất hiện của cặp sư tử “nhái” phong cách châu Âu ở ngay ngoài sân, án ngữ cổng vào đền đã phần nào phá vỡ không gian tinh tế, thuần Việt vốn có của ngôi đền.
Ông Nguyễn Tất Giảng, thủ từ đền lý giải: “Sư tử ở đền gắn với điển tích về Đức Thánh Tô (Tô Hiến Thành) đánh thắng giặc Xiêm. Ngoài thờ tự Đức Thánh Nguyễn, đền còn thờ Đức Thánh Tô. Đôi sư tử do một doanh nghiệp cung tiến năm 2007 và được coi là vật thiêng, gắn với điển tích của nhân vật lịch sử này...”.
Tuy nói là vậy nhưng thủ từ đền Đức Thánh Nguyễn cho biết, nhà đền sẽ tiếp thu ý kiến của Thanh tra Bộ, sớm tìm vị trí phù hợp để di dời đôi sư tử. Đối với các hiện vật lạ khác như lọ lục bình, cầu đá, đèn đá..., sẽ sớm chuyển vào kho hoặc nhà sắp lễ. Ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn chia sẻ, qua thực tế ở đền Đức Thánh Nguyễn cho thấy đây thực sự là vấn đề khó trong công tác quản lý di tích trên địa bàn. “Huyện sẽ giao Phòng VH-TT mời các tổ chức, cá nhân đã cung tiến hiện vật vào các di tích để giải thích, tuyên truyền, sau đó mới di dời nhằm tạo sự đồng thuận. Cố gắng sẽ hoàn thành việc này trước 30.10 theo yêu cầu của Thanh tra Bộ...”.
Tại Cố đô Hoa Lư, án ngữ tại ba cổng vào di tích: cổng Đông (cổng chính), cổng Bắc và cổng Nam, xen giữa những tấm biển chào đón du khách là hình ảnh dữ tợn, ngạo nghễ của ba cặp sư tử đá Trung Quốc. Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc BQL Quần thể Danh thắng Tràng An cho biết, ba cặp sư tử đã có từ năm 2010, nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quần thể danh thắng Tràng An hướng đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Việc đặt ba cặp sư tử đá chỉ đơn thuần với mục đích trưng bày. Cũng do không nhận thức đầy đủ, thiếu thông tin nên BQL dự án đã “trót” mua về để đặt tại các cổng ra vào của di tích...”, ông Tấn cho biết thêm.
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc nói, không thể tiếp tục kéo dài tình trạng để những cặp sư tử đá Trung Quốc chềnh ềnh tại một Di tích quốc gia đặc biệt, lại thuộc quần thể Di sản văn hóa- thiên nhiên thế giới. “May mắn hơn nhiều nơi khác là ba cặp sư tử này nằm trong dự án xây dựng hạ tầng quần thể danh thắng Tràng An, không phải đồ cung tiến nên có thể sớm “ tự xử”. Cho nên, đừng tiếc, đừng “xót” nữa...”, ông Phúc yêu cầu.
Tiếp thu ý kiến của đoàn thanh tra, ông Nguyễn Cao Tấn khẳng định: “Sẽ sớm chuyển cả ba cặp sư tử đá này ra khỏi vị trí hiện tại. BQL Quần thể Danh thắng Tràng An có thể sẽ tính phương án thay thế bằng các cặp nghê Việt, tham khảo theo bộ mẫu linh vật VN truyền thống do Bộ VHTT&DL ban hành vừa qua...”.
Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Ninh Bình cho biết, quan điểm của Sở là việc di chuyển đi đâu ba cặp sư tử đá là việc BQL Quần thể Danh thắng Tràng An phải sớm tính toán và triển khai thực hiện. Về phía Sở, có thể sẽ định hướng trước mắt chuyển về làng nghề đá Ninh Vân, sau đó rồi tính tiếp. “Với một khối lượng lớn như vậy, có khi Ninh Bình phải quy hoạch hẳn một quỹ đất, có thể tại ngay làng nghề Ninh Vân để đưa toàn bộ hơn 1.000 sư tử đá về đây”, bà Hoàn nói.
Báo Văn hóa