Những thử thách sáng tạo, nhìn từ 'Nghiêm - Liên - Sáng - Phái'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngược trở lại vào nửa cuối thế kỉ trước, ta thấy rằng các văn nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn gian khổ, thiếu thốn đến mức nào để có những tác phẩm để đời. Đó là câu chuyện của Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, bộ tứ lừng danh của nền mỹ thuật Việt Nam. So sánh những khó khăn của thời kỳ đó với những khó khăn của “thời Covid-19” vừa qua, quả thật khập khiễng, nhưng có một điều là nghệ sĩ luôn phải đối mặt với những thử thách khi sáng tạo.
1. Thế giới đã từng có rất nhiều văn nghệ sĩ và các nhà khoa học tìm được thành công của mình trên con đường vô cùng gian nan trắc trở. Những F.Dostoyevsky, Van Gogh, A.Modigliani… là những thiên tài vô cùng bất hạnh trong cuộc sống cá nhân. Hình như đó là những thử thách khắc nghiệt trên con đường các ông đến với văn học nghệ thuật.
Với người Việt thì những thử thách ấy không còn ở phạm vi vài cá nhân đơn lẻ nữa. Một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm và đương đầu với thiên tai bão lụt thì những thử thách ấy là tài sản chung của mọi người dân.
Riêng cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng xâm lược đã lấy đi mất của người Việt mấy thập kỷ thế kỉ binh đao. Nhưng thật kì lạ, đó cũng là khoảng thời gian văn học nghệ thuật Việt Nam có những bước tiến rất dài. Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đến gần được với xu thế chung của thế giới và được đánh giá khá cao.
- Văn Dương Thành - Cầu nối những giá trị của Bùi Xuân Phái qua các thế hệ
- Cảm hứng được khơi nguồn từ Bùi Xuân Phái
- Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính
2. Ngược trở lại vào nửa cuối thế kỉ trước, ta thấy rằng các văn nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn gian khổ thiếu thốn đến mức nào để có những tác phẩm để đời. Căn nhà tập thể 65 Nguyễn Thái Học là nơi còn ghi lại rất nhiều dấu ấn của các văn nghệ sĩ hàng đầu. Các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… đã từng cư ngụ tại đây trong những căn phòng không thể tồi tàn chật chội hơn.
Nguyễn Tư Nghiêm có căn buồng trên tầng 3 rộng chừng chục mét vuông. Toàn bộ phác thảo của ông phải cất dưới gầm giường. Bàn tiếp khách có đúng hai chiếc ghế ngồi. Nhà có hai người khách thì tất nhiên một người sẽ phải ngồi trên giường. Những khi vẽ tác phẩm sơn mài cỡ lớn thường là ông không thể tiếp khách vì hết chỗ. Và ta biết rằng những tác phẩm bất hủ của ông hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều ra đời trong căn buồng ấy.
Ông Nghiêm vui vẻ sống và làm việc ở đấy cho đến năm ngoài 70 tuổi mới được chuyển đi chỗ khác. Hàng ngày vẫn lóc cóc xe đạp ra chợ mua rau. Leo 3 tầng gác để xách từng xô nước lên làm tranh sơn mài. Điều làm ta ngạc nhiên nhất là tác phẩm của ông luôn chan chứa tình yêu, hi vọng mà không hề thấy một nét bút nào buồn bã oán thán.
Không những thế, sáng tác của ông trong thời kì này có những tìm tòi sáng tạo thành công làm nên tên tuổi Nguyễn Tư Nghiêm lẫy lừng trong nước và quốc tế. Những tranh Trẻ em chơi vui, Con nghé quả thực, Giao thừa Hồ Gươm, Ông Gióng, Điệu múa cổ… đều toát lên vẻ yêu đời hài hước ý nhị với phong cách tạo hình rất riêng biệt.
Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng được nhận một căn buồng như thế. Và ta cũng biết rằng những tác phẩm quan trọng nhất của ông hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giờ đã là một tài sản rất lớn của nhà nước. Những bức tranh Giặc đốt làng tôi, Tháp Phổ Minh, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm… cũng đều được ông sáng tác trong căn buồng ấy. Với những bức tranh khổ lớn này hẳn là ông đã phải hết sức xoay xở chật chội mới hoàn thành được nó. Và cũng chỉ có những nghệ sĩ bậc thày mới có thể xoay xở được như các ông.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái còn có một cuộc sống gian nan hơn nhiều. Ông đông con, bản thân lại không có việc làm một thời gian dài… Những khoảng thời gian ấy ông phải sống bằng việc minh họa báo chí. Gọi thế cho sang thôi chứ cũng chỉ có duy nhất tờ báo Văn nghệ dám đặt ông minh họa. Và theo luật bất thành văn của các báo lúc ấy là không dùng minh họa của ai trong 2 số báo liên tiếp. Tính ra ông chỉ có thể vẽ 2 minh họa hoặc 3 cái là cùng trong
một tháng.
Ông Phái nghèo đến nỗi chẳng có tiền để mua vật liệu vẽ. Ông gặp gì vẽ nấy. Ai cho màu cho giấy thì vẽ tranh bột màu. Không có giấy ông vẽ lên tờ báo cũ. Ai cho sơn cho toile thì vẽ sơn dầu. Không có toan thì vẽ lên mảnh bìa sách, vỏ bao thuốc lá. Không có tất cả những thứ ấy ông còn có quyển sổ tay và chiếc bút máy.
Ngày ấy hình ảnh một ông già khắc khổ chậm rãi trên các vỉa hè khu phố cổ lấy sổ và bút máy ra vẽ kí họa đã trở nên rất quen thuộc với người Hà Nội. Căn buồng của ông Phái có rộng hơn ông Nghiêm chút ít nhưng nhà lại đông người. Cuối cùng ông cũng chỉ có căn gác xép nửa ngồi nửa đứng chưa đầy 10 mét vuông là chỗ làm việc. Chính vì thế trong toàn bộ tác phẩm của ông hiếm khi có bức tranh nào kích thước lớn hơn 1m. Những tranh lớn đến thế phần lớn ông vẽ ở nhà bạn bè hoặc khách hàng. Và cũng là một thiệt thòi cho Bảo tàng Mỹ thuật khi tranh của ông Phái không được Bảo tàng sưu tập nhiều lắm. Và phần lớn là tranh khá nhỏ.
Họa sĩ Dương Bích Liên tưởng rằng được nhà nước mời về làm công việc sáng tác ở Xưởng Mĩ thuật quốc gia sẽ khá hơn mà cũng không phải thế. Ông Liên sống một mình trong căn gác hẹp ngôi nhà 55 Bà Triệu. Tối tăm, ẩm thấp. Bao nhiêu vật liệu làm tranh sống chung với nồi niêu và bếp đun cũng trong căn gác ấy. Cuộc sống rất buồn nản và thất vọng nhưng vẫn ngạc nhiên thay, nó không có bất kì dấu vết nào trong tác phẩm của ông. Thảng hoặc chỉ có nỗi buồn man mác trong bức Chiều vàng hay Lều hoang. Nhưng người xem vẫn cảm nhận được đó là một nỗi buồn lộng lẫy của vàng son sơn mài.
Có thể nói không ngoa rằng thế hệ con cháu chúng ta được thừa hưởng những di sản của các bậc thầy hội họa ấy chính là nhờ bản lĩnh kiên cường một cách phi thường của các ông. Dường như cuộc sống khó khăn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần đã không lung lạc được ý chí hi sinh cho nghệ thuật của cả một thế hệ thành công rực rỡ.
3. Đại dịch Covid-19 trong vòng một năm qua đã làm cho cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thế nhưng văn nghệ sĩ Việt Nam đã có ngay cách ứng xử tuyệt đẹp.
Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ in sách của mình bán lấy tiền để gửi giúp đồng bào vùng dịch bệnh. Đã có nhiều triển lãm tranh tượng của các họa sĩ bán đấu giá tác phẩm của mình để quyên giúp các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch…
Ý thức công dân của văn nghệ sĩ được đẩy cao đến hết mức cần thiết. Họ không ngoài cuộc và rất kiên cường. Đúng với tinh thần của câu nói bất hủ do thiên tài F.Dostoyevsky từng viết “Cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới”.
Nhà văn Đỗ Phấn
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021