A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính

07:46 08/10/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp bước chân cha, Trần Chính Nghĩa đã chụp rất nhiều ảnh về các văn nghệ sĩ. Thế nhưng, người mà anh chụp nhiều nhất, với những khoảnh khắc chân thực hơn cả, chính là “bác Phái”, người bạn tri kỉ của cha anh – nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu.

Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa (Bài 1): Mối duyên với nhiếp ảnh chân dung từ 'Gác Lưu xá'

Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa (Bài 1): Mối duyên với nhiếp ảnh chân dung từ 'Gác Lưu xá'

Là con trai của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu - “người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến” - ngay từ nhỏ, Trần Chính Nghĩa đã bộc lộ niềm đam mê chụp ảnh. Sớm được tiếp cận với truyền thống làm ảnh của gia đình, cộng thêm điều kiện về giấy phim, máy ảnh, Trần Chính Nghĩa dần dần tiếp bước chân cha, chụp chân dung nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái - người bạn “tri kỷ” với cha anh.

1. Vào năm 1970, khi mới bắt đầu vào nghề ở độ tuổi 20, Trần Chính Nghĩa bắt đầu được họa sĩ Bùi Xuân Phái để ý đến và nhờ chụp lại những sáng tác của mình.

“Khi ấy ông đã vẽ rất nhiều tác phẩm về Hà Nội. Thường xuyên lui tới “Gác Lưu xá” 11 Hàng Bông, nhìn thấy tôi làm ảnh, ông đã nhờ tôi chụp lại những bức tranh vừa mới hoàn thành của mình. Việc nhìn lại tranh qua ảnh giúp ông tìm ra những nét vẽ chưa ưng ý để tiếp tục hoàn thiện tác phẩm” – anh kể.

Anh cho rằng, bố cục hội họa của Bùi Xuân Phái đã “ăn sang” tâm hồn nhiếp ảnh của mình với sự đồng điệu: “Khi họa sĩ đặt bút xuống, ông đã cắt được khuôn hình nhờ có ý tưởng trước trong đầu. Nhiếp ảnh cũng vậy, cũng cần có ý tưởng trước trong đầu để cắt khung hình phù hợp”.

Chú thích ảnh
Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa

Trần Chính Nghĩa thường được ngồi cạnh cha mình, nghe Bùi Xuân Phái kể về những năm tháng đi sơ tán trong thời kháng chiến chống Mỹ, cũng như những ngày tháng đi thực tế sáng tác. Chính những câu chuyện đó đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh khi chụp chân dung họa sĩ, “có lúc ông buồn, có lúc ông vui, có lúc ông sảng khoái, có khoảnh khắc thần bút”.

Anh đã chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái ở rất nhiều góc độ: chân dung, khi đang vẽ, khi đi thực tế, khi đàm đạo với bạn bè văn nghệ sĩ,… ở rất nhiều nơi: từ nhà riêng của danh họa, gác “Lưu xá” 11 Hàng Bông cho đến Văn Miếu hay tại nhà những người bạn thân thiết,…

Chú thích ảnh
Cuộc đàm đạo 3 người bạn hữu: họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân, nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu qua ống kính Trần Chính Nghĩa, chụp khoảng 1985-1986 tại nhà riêng của nhà văn Nguyễn Tuân ở ngõ Vạn Kiếp

“Họa sĩ Bùi Xuân Phái có khuôn mặt rất đẹp, có người từng ví ông có gương mặt của chúa Jesus, chụp chân dung ông kể cả lúc bình thường nhất trông vẫn đẹp. Đó không phải là cái đẹp của hình thể mà là cái đẹp của điểm nhìn, ánh mắt, ánh sáng mà nội tâm của ông phát lộ ra. Họa sĩ có khuôn mặt biểu cảm, thể hiện nhiều cảm xúc mà người khác không có” – anh kể - “Có những buổi chụp chung, nhiều người chụp nhưng không thành công bởi không ghi nhận được giây phút mà ông đẹp. Cái đẹp ấy thể hiện chỉ thoáng qua, để ghi được cần phải có sự may mắn theo kiểu… thiên thời địa lợi nhân hòa”.

“Là người bạn thân thiết với cha tôi, ông quý mến các con của bạn như con mình một cách tự nhiên. Ông thể hiện cảm xúc qua từng khung hình do tôi chụp bao giờ cũng nhiều hơn so với những người lần đầu gặp ông. Đó cũng là một may mắn, khi tôi có điều kiện hiểu ông và ghi lại được thần thái chân thực của ông trong mọi khoảnh khắc” – Trần Chính Nghĩa bộc bạch.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ Phố trước cửa sổ qua ống kính của nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa tại 87 Phố Thuốc Bắc

2. Không sai khi nói nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa là “người thư ký trung thành” trong cuộc đời của danh họa Bùi Xuân Phái. Qua ống kính của mình, anh đã ghi lại những dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp của danh họa. Anh cũng luôn sẵn sàng xách máy ảnh rong ruổi khắp nơi cùng họa sĩ trong những chuyến đi thực tế sáng tác.

Năm 1984, trước khi triển lãm đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái diễn ra, nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa vẫn đều đặn hàng tuần đều đến nhà riêng của họa sĩ Bùi Xuân Phái để chụp lại tranh. Như một thói quen, hễ có một bức tranh ưng ý nào hoàn thành, Bùi Xuân Phái đều nhờ Trần Chính Nghĩa đến chụp và lưu giữ hình ảnh.

Chú thích ảnh
Chân dung họa sĩ Bùi Xuân Phái do Trần Chính Nghĩa chụp năm 1987, trước một năm danh họa qua đời

Để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1984, họa sĩ đã mời một số nhà nhiếp ảnh gia gồm: Trần Chính Nghĩa, Nguyễn Dần, Hà Tường, Phạm Anh Tuấn, Trần Trung Dũng, Trần Nhất Trí… đến nhà riêng để chụp ảnh làm “progam” (tờ chương trình giới thiệu). Sau đó, bức chân dung trước nền tranh Phố do Trần Chính Nghĩa chụp đã được họa sĩ lựa chọn. Bức ảnh đó đã được các bậc lão thành bạn của họa sĩ Bùi Xuân Phái đặt tên là Thiên vấn (Hỏi trời), được treo bên cạnh tiểu sử sự nghiệp của họa sĩ trong ngày khai mạc triển lãm. Thiên vấn được xem là một trong số những hình ảnh đẹp nhất về người họa sĩ lừng danh. Hiện bức ảnh còn đang treo tại gia đình họa sĩ ở 87 phố Thuốc Bắc, được sử dụng làm logo Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội từ năm 2008, và mới đây, năm 2020 đã được in lên tem bưu chính nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa.

Khoảnh khắc đặc biệt nhất trong cuộc đời của danh họa Bùi Xuân Phái được ghi lại qua ống kính Trần Chính Nghĩa, phải kể đến bức chân dung năm 1987, một năm trước khi danh họa qua đời. Ngày đó, khi cần chụp một bức ảnh chứng minh thư để dán vào y bạ khám bệnh tại Bệnh viện Việt – Xô, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã nhờ Nghĩa đến chụp. Do không tìm chỗ làm phông nền cho bức ảnh vì tường nhà danh họa chỉ toàn tranh là tranh nên Trần Chính Nghĩa đã chọn nền là bức tranh Chèo của Bùi Xuân Phái để chụp ảnh. Nhận được ảnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái rất ưng: “Nghĩa chụp hợp quá. Bức ảnh có hồn, không ra ảnh chứng minh thư nhưng làm ảnh dán vào y bạ thì được. Ảnh chụp mình cũng không bị gầy quá”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Xuân Phái ký họa Trần Chính Nghĩa đang chụp ảnh cho chính mình, khoảnh khắc tương giao giữa hội họa và nhiếp ảnh

Một thời gian sau, khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, bà Phái đã gọi điện nhờ nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa chọn một bức ảnh đẹp để phóng ra sử dụng trong dịp tang lễ. Anh đã chọn chính bức ảnh dán y bạ mà họa sĩ Bùi Xuân Phái lúc sinh thờ rất ưng ý. Sau này, bà Phái có đến nhà anh, nhiều lần cảm ơn bởi “đã chụp được một bức ảnh mà khi nhìn vào đó, bác luôn nghĩ ông vẫn như đang còn sống”.

3. Là người thường xuyên được tiếp xúc với Bùi Xuân Phái, Trần Chính Nghĩa kể, “họa sĩ là một người nhân hậu, một người dí dỏm, phê bình cũng như không phê bình, đều đưa ra những ý tốt cho những người tiếp xúc với ông. Kể cả những người không tốt với ông, ông cũng không bao giờ nói sai về họ. Bất kể người giàu hay người nghèo, ông đều tôn trọng, đều đối xử bình đẳng, không thiên vị một ai, ông không vì tiền tài mà làm theo ý người giàu. Có thời điểm, có những người rất giàu thuê ông vẽ, nhưng vì những người giàu đó có những điều chưa tốt, ông cũng không vẽ. Với người ông quý mến, ông có thể bỏ ra tất cả vật liệu để vẽ tặng, không bao giờ nghĩ sẽ lấy tiền. Lúc bấy giờ, tiền nong hiếm quý thật nhưng ông luôn coi đồng tiền rất nhẹ”.

Với Trần Chính Nghĩa, việc chụp “bác Phái” chưa bao giờ là đơn đặt hàng. Đó đơn thuần chỉ là sản phẩm “cây nhà lá vườn” làm ra. Khi họa sĩ Bùi Xuân Phái xem lại ảnh, thường không khen ảnh đẹp hay chê ảnh xấu mà chỉ nói: “Mình rất ưng ảnh Nghĩa chụp!”.

Công Bắc

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...