Những thiên đường tuyết cuối tuần ở miền Bắc mà các phượt thủ không nên bỏ qua
(Thethaovanhoa.vn) - Không cần đi đâu xa, ngay tại Việt Nam cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ chạm tay vào băng tuyết tại những địa điểm dưới đây, tất nhiên với điều kiện là nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, tại những nơi có địa hình núi cao như đỉnh Fansipan, Sa Pa, Mẫu Sơn, Sìn Hồ, nhiệt độ xuống mức 1-3 độ C, một số nơi khả năng xuất hiện băng giá.
- Hơn 10.000 lượt khách đổ lên Sa Pa ngắm tuyết
- Ngắm tuyết rơi… mùa hè
- Chùm ảnh: Ngắm tuyết ở Mộc Châu
Điều này xem ra có thể thành hiện thực rất gần trong mùa đông năm nay, khi mà dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, từ ngày 16/12, các địa phương miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh tăng cường, với cường độ mạnh nhất tính từ đầu mùa đông đến nay, đồng thời lại liên tục được bổ sung. Điều này đồng nghĩa với việc, khu vực Bắc Bộ nhiệt độ sẽ giảm sâu...
Bật mí với phóng viên, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương), nhận định: Nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm và sáng sớm ở vùng đồng bằng, trong đó có thủ đô Hà Nội và trung du sẽ ở mức 8 đến 11 độ C. Vùng núi nhiệt độ chỉ còn 2-3 độ C.
Đặc biệt, tại những nơi có địa hình núi cao như đỉnh Fansipan, Sa Pa, Mẫu Sơn, Sìn Hồ, nhiệt độ xuống mức 1-3 độ C, một số nơi khả năng xuất hiện băng giá. Khi đó, những địa điểm dưới đây được dự đoán sẽ có băng tuyết:
Sa Pa (Lào Cai)
Sa Pa là điểm du lịch cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng hơn 30 km. Nằm ở độ cao trung bình 1.500 – 1.800 m so với mặt nước biển, Thị trấn Sapa luôn chìm trong làn mây bồng bềnh, tạo nên một bức tranh huyền ảo đẹp đến kỳ lạ.
Một điều đặc biệt thu hút của Sa Pa là khi mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, nơi đây sẽ trở thành xứ sở tuyết trắng. Đã không ít lần, người dân Sa Pa cũng như khách du lịch được tận hưởng cảm giác “mùa đông Châu Âu” với những bông tuyết trắng như trong câu chuyện cổ tích.
Mẫu Sơn (Lạng Sơn)
Mẫu Sơn là vùng núi cao thuộc tỉnh Lạng Sơn, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt-Trung. Đây là vùng núi với độ cao trung bình 800 – 1.500 m so với mặt nước biển.
Về mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 °C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. So với các điểm đến nổi tiếng khác, Mẫu Sơn khá hoang sơ và vắng vẻ, tĩnh lặng.
Đặc biệt, vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, bạn có thể chứng kiến hàng chục ngọn núi lớn nhỏ tại Mẫu Sơn khoác lên mình tấm áo băng giá.
Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)
Với độ cao 2.427 m, Tây Côn Lĩnh là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nóc nhà của núi rừng Đông Bắc.
Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Tuy không phải là ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng việc chinh phục được nóc nhà Đông Bắc dường như khó khăn hơn nhiều lần so với đỉnh Fansipan cao vời vợi. Bởi lẽ, đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh rất xa xôi, cách trở, lại chưa được định hình thành tuyến.
Vào mùa đông những năm gần đây, khu vực này bắt đầu có tuyết rơi. Mặc dù đường đi hiểm trở nhưng nếu đã một lần đến đây vào mùa tuyết rơi, bạn sẽ không thể nào quên.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Nằm ở đỉnh đầu cực Bắc của Tổ quốc, huyện Đồng Văn có độ cao trung bình trên 1.600 m so với mặt nước biển, vào mùa đông, khi nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độc C, huyện Đồng Văn đã có tuyết rơi với mật độ khá dày trên diện rộng tại các xã: Lũng Cú, Phố Bảng, Phố Là, Sủng Là, Lũng Táo, Sảng Tùng, Tả Phìn... Nhiều nơi tuyết rơi phủ trắng, dày tới trên 10 cm.
Phja Oắc (Cao Bằng)
Đỉnh núi Phja Oắc (Nguyên Bình, Cao Bằng) cao hơn 1.900 m so với mực nước biển, Phja Oắc được xem là "nóc nhà" của tỉnh Cao Bằng.
Mới tháng 11 vừa qua, tại đây nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C, đỉnh c xuất hiện băng giá trắng xóa cả một vùng.
Theo Báo Tin tức