Những người hùng ở bên kia thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa cái nắng gay gắt của Hà Nội mấy ngày vừa qua, trưa 5/7, hàng trăm người tiếc thương tiễn đưa bé Vân Nhi về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước khi mất, bé đã kịp thực hiện ước nguyện hiến giác mạc để tặng những bệnh nhân mù lòa.
- Cảm hứng từ bé Hải An hiến giác mạc: Hàng trăm đơn đăng ký hiến tạng
- VIDEO: Câu chuyện xúc động về bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời
Năm nay Vân Nhi mới 12 tuổi, em qua đời vì bị bệnh u nhú thanh quản, phải ra vào viện điều trị suốt 11 năm qua. Sau đó, 2 em nhỏ khác đã được ghép thành công với giác mạc để lại từ Vân Nhi. Em đã để lại may mắn và hạnh phúc cho 2 gia đình và đó là một cử chỉ cao đẹp. Đây là lần thứ 3 có một trẻ em tình nguyện hiến giác mạc kể từ khi Ngân hàng Mắt thành lập. Trước đó, sự kiện bé Hải An hiến giác mạc cũng được quan tâm và gây ảnh hưởng tới nhiều người.
Xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là một trong hai xã đứng đầu toàn quốc về số lượng người hiến giác mạc với 793 người đã đăng ký và 44 người đã hiến. Những con số biết nói này có thể minh hoạ cho sự thánh thiện và nhân văn trong suy nghĩ của người dân nơi đây.
Họ đã tạo nên những điều kỳ diệu, cả xã rủ nhau đi hiến giác mạc. Bố mẹ hiến giác mạc và căn dặn các con sau này cũng làm như vậy để giúp đỡ những người còn sống. Vợ học theo chồng đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời. Thậm chí việc hiến giác mạc còn trở thành một “truyền thống”, lan tỏa từ nhà này sang nhà kia, xóm này sang xóm khác.
Đây là một trong những nơi người dân vượt qua được bức tường “định kiến”: "Lấy giác mạc là sau này chết linh hồn không nhìn thấy và không về được"!?, rồi thì "chết là phải toàn thây"... Họ nghĩ khác. Họ cho rằng con người chết đi sẽ trở về với cát bụi. Hiến giác mạc là nghĩa cử cao đẹp bởi vẫn có thể giúp những người mù lòa có cơ hội tìm lại được ánh sáng.
Không phải người dân ở đâu cũng nghĩ được như vậy về việc hiến tạng, hiến mô sau khi chết. TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy từng kể lại một câu chuyện xúc động. Thấy được nghĩa cử cao đẹp hiến tạng cứu người, một phụ nữ đăng ký hiến tạng chồng bà vì bệnh của ông không còn khả năng cứu chữa. Nhưng kết quả nhận lại là ngay tại đám tang chồng, nhiều người hỏi bà bán chồng được mấy chục ngàn đô, tim, thận bao nhiêu? Bà không thể sống nổi ở quê nhà bởi sự thị phi ấy. Nếu câu chuyện đó ở xã Văn Hải thì có lẽ mọi chuyện đã rất khác.
Để thấy được khi định kiến ở nhiều nơi về việc chết phải toàn thây vẫn còn nặng nề như vậy, chuyện người dân ở một xã động viên nhau cứu giúp người khác kể cả sau khi chết thật sự rất ấn tượng. Trong một xã hội đầy xáo động và toan tính, khi rất nhiều người không hề có ý thức cộng đồng chỉ biết nghĩ cho bản thân, thì vẫn còn đó những người như bé Vân Nhi, bé Hải An, và những người dân ở xã Văn Hải. Họ biết nghĩ cho cuộc sống của những người chẳng bao giờ được gặp mặt.
Gạt qua một bên những định kiến cổ hủ lạc hậu để mang đến cơ hội cho cuộc đời người khác là một hành động đẹp. Những điều tốt lành này xứng đáng được nhắc tới nhiều hơn, trân trọng nhiều hơn, và mỗi chúng ta đều cần phải biết học hỏi từ họ. Ngay cả khi sang bên kia thế giới, mỗi người trong số họ vẫn cứu giúp được cho cuộc đời những người khác, có thể nói, họ là những người hùng.
Hạ Hồng Việt