Những ngôi sao bóng chuyền nữ thanh danh nhờ ‘vũ khí đặc biệt’, cả Việt Nam chỉ có 2 người lợi hại như thế
Họ sinh cùng thời, cùng chơi chủ công và đều thành danh nhờ "chiêu độc". Lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam ghi nhận chỉ có 2 người đánh được thế này.
Trần Hiền, Diệu Châu và "đặc sản" đánh tay trái
Họ cùng thế hệ (Trần Hiền sinh năm 1980, Diệu Châu sinh năm 1983), cùng đánh chủ công, cùng trở nên nổi tiếng bởi khả năng đánh "tay chiêu" vô cùng lợi hại và họ cùng là những nhân tố chủ chốt góp công vực dậy đội bóng chuyền nữ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Hiền thành công trên mọi mặt trận
Khi nhắc đến những cái tên đã đi vào lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, không ai có thể bỏ qua Trần Thị Hiền. Cùng thời với những Trần Thị Yến, Bùi Lan Anh, Bùi Thị Hương, Lê Thị Hiền, chủ công sinh năm 1980 này được coi là biểu tượng của bóng chuyền Quảng Ninh sau nhiều năm tháng tung hoành trong màu áo đội bóng chuyền nữ Bưu Điện Quảng Ninh.
Trần Thị Hiền, thường gọi tắt là Trần Hiền, gây ấn tượng cực mạnh với cú đánh "tay chiêu" vô cùng lợi hại. Đánh giá về tay đập nổi tiếng một thời này, cựu danh thủ Đào Hữu Uyển nhận định: "Trần Hiền biết sử dụng khoảng không khá rộng và đủ sức tấn công với các quả bóng khó".
Trong những năm tháng thi đấu đỉnh cao, những quả đập "tay chiêu" đã được Trần Hiền biến thành vũ khí lợi hại, khiến mọi đối thủ phải lo ngại. Bất luận đối phương phòng ngự kiểu gì, đề phòng ra sao, họ luôn cảm thấy khó khăn khi đối đầu với Trần Hiền vì không biết lúc nào cô "tung đòn". Khả năng di chuyển nhanh nhẹn, tốc độ ra tay nhanh và rất kín cùng cái tay trái cực khéo giúp Trần Hiền có thể tung ra những cú đập bất ngờ, làm đối thủ không kịp phòng bị.
Nhiều người hâm mộ bóng chuyền đất Mỏ đến giờ vẫn nhớ như in những pha đánh chồng tại vị trí giữa số 2 và số 3, vốn là vũ khí lợi hại, độc đáo của Trần Hiền, bên cạnh khả năng đỡ bước 1 ổn định và chuẩn xác của cô. Không chỉ sở hữu "đặc sản" đánh trái tay, đỡ bước 1 tốt, Trần Hiền còn có thể chơi tốt cả đối chuyền lẫn chuyền hai và cô được coi là một trong những chủ công đa năng nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Sau khi giải nghệ, Trần Hiền theo chồng (một cựu ngôi sao bóng đá của CLB Công An Thành phố HCM) vào Nam. Từ đây, sự nghiệp của cô bước sang trang mới. Với những dấu ấn đậm nét để lại khi còn thi đấu đỉnh cao ở miền Bắc trong màu áo Bưu Điện Quảng Ninh hay tuyển Việt Nam, Trần Hiền được mời dẫn dắt CLB bóng chuyền nữ TP HCM với mục tiêu đưa đội này trở lại giải VĐQG.
Sau thất bại đáng tiếc trước Bamboo Airways ở trận chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2021 nhằm tranh vé lên thi đấu ở giải VĐQG, cuối cùng đội bóng chuyền nữ TP HCM đã vô địch giải hạng A toàn quốc năm 2022 và giành quyền lên chơi ở giải VĐQG.
Cựu chủ công siêu tay trái Trần Hiền chính là "kiến trúc sư" trong thành công ấy. Nhờ kỷ luật "thép" cùng những điều chỉnh chiến thuật kịp thời và các quyết định chuyên môn sắc sảo khác của cô mà đội bóng chuyền nữ TP HCM đã giành quyền trở lại thi đấu ở giải bóng chuyền hạng cao nhất của Việt Nam.
Trần Hiền trở thành cựu chủ công và cựu tuyển thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam giành chức vô địch với tư cách HLV.
Thành công của Trần Hiền càng đáng kể nếu biết rằng cô phải làm việc trong điều kiện khó khăn trăm bề khi đội bóng chuyền nữ TP HCM thiếu kinh phí đầu tư trầm trọng, cơ sở, trang thiết bị tập luyện cho VĐV không đảm bảo, chế độ dinh dưỡng cho họ cũng không được tốt.
Với tài cầm quân của mình, Trần Hiền đã được trao cơ hội tham gia ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trong vai trò trợ lí HLV và cô đã góp phần giúp các tuyển thủ của chúng ta gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong năm 2023 này.
Nhìn lại những thành công nổi bật mà Trần Hiền gặt hái được cho tới thời điểm này, người hâm mộ bóng chuyền càng thêm khâm phục khi biết cô từng trải qua những năm tháng tuổi thơ vất vả, cơ cực.
Năm 9 tuổi, cô đã phải lặn lội dưới ao, hái rau muống mang ra chợ bán, phụ giúp gia đình và kiếm tiền đi học. Bố mẹ Trần Hiền đều là công nhân mỏ than Quảng Ninh.
Do bố mẹ phải đi làm vất vả nên cô bé Trần Hiền phải phụ giúp bố mẹ chăm lo đàn lợn ở nhà từ khi mới 9-10 tuổi. Nhiều khi nhà thiếu rau cho lợn ăn, cô phải leo lên đồi cao để hái rau về.
Chính những năm tháng tuổi thơ phải lao động chân tay vất vả để giúp đỡ bố mẹ lại giúp Trần Hiền không chỉ có ý chí phấn đấu, nghị lực vượt khó phi thường mà còn rèn luyện cho cô một nền tảng thể lực dẻo dai, bền bỉ.
Năm 13 tuổi, một người quen biết với gia đình Trần Hiền thấy cô bé trông rất rắn chắc nên giới thiệu cô đến với bóng chuyền. Lúc ấy, Trần Hiền chỉ nghĩ cô đi đánh bóng chuyền để có thể giúp đỡ cho bố mẹ đỡ khổ, chứ không phải vì đam mê.
Cứ được lĩnh tiền là cô gửi hết cho bố mẹ. Những ngày nghỉ tập, Trần Hiền lại về nhà phụ bố mẹ mang rau ra chợ bán. Thương bố mẹ phải làm việc vất vả, Trần Hiền tự nhủ phải quyết tâm tập luyện để thi đấu thật tốt, giúp đội bóng đạt thành tích cao mới có tiền thưởng mang về cho bố mẹ.
Từ đó, cô bé tay chiêu càng miệt mài rèn luyện các kỹ năng thi đấu và những gì cô gặt hái sau này trong cả sự nghiệp VĐV lẫn HLV chính là trái ngọt của những tháng năm luyện rèn bền bỉ lúc thiếu thời.
Diệu Châu và hành trình bất ngờ đến với bóng chuyền
Diêu Châu cao 1m80, chiều cao chưa được coi là lí tưởng đối với một VĐV chơi chủ công nhưng cô gái người Long An vẫn sở hữu tầm bật nhảy tấn công lên tới 3m05 rất đáng nể, trong khi tầm bật chắn của cô cũng lên tới 3m.
Con đường đưa cô nữ sinh trường THPT Thủ Thừa, Long An Đinh Thị Diệu Châu đến với bóng chuyền khá bất ngờ. Thấy Diêu Châu có thể hình rất tốt nên năm lớp 11, các thầy cô dạy giáo dục thể chất ở trường THPT Thủ Thừa đã động viên cô gái cao tới 1m76 lúc đó lên tỉnh thi năng khiếu thể thao.
Nghe lời thầy cô, Diệu Châu đi thi nhưng lúc đăng ký chọn môn thi năng khiếu thì Diệu Châu lại ghi danh vào môn bóng đá vì ở nhà cô gái thường ngồi xem bóng đá với bố trên ti vi nên đam mê bóng đá lúc nào không hay.
Ngặt nỗi hồi đó, Long An chưa có đội bóng đá nữ nên nguyện vọng của Diệu Châu không được đáp ứng. Lúc Diệu Châu vừa định quay về thì bất ngờ HLV Ngọc Hiền của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT Long An gọi cô lại vì thấy thể hình của Diệu Châu quá lý tưởng để chơi bóng chuyền.
Để thuyết phục cô gái trẻ nhận lời thử kiểm tra năng khiếu bóng chuyền, HLV Ngọc Hiền đã dùng mọi lời lẽ thuyết phục, mô tả cho Diệu Châu thấy sức hấp dẫn của bóng chuyền nhưng nói mãi vẫn không làm cô gái trẻ đam mê bóng đá thay đổi ý định.
Cuối cùng, cô Hiền phải tung chiêu "độc" bằng cách bảo Diệu Châu là "em cứ ở lại tập thử bóng chuyền một năm cho khỏe người, đến năm sau khi Sở TDTT có tuyển sinh môn bóng đá nữ, cô sẽ chuyển cho em qua học bóng đá".
Đến lúc này thì Diệu Châu mới bị thuyết phục. Lúc ấy cô nữ sinh 17 tuổi đồng ý ở lại tập thử bóng chuyền nhưng trong lòng vẫn hi vọng sẽ sớm được toại nguyện với niềm đam mê bóng đá chảy trong huyết quản.
Ai ngờ đó lại là bước ngoặt quyết định dẫn dắt Diệu Châu đến với bóng chuyền, gắn bó với môn thể thao này gần 2 thập kỷ và tạo dựng tên tuổi của cô trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ở Diệu Châu hội tụ 3 "đặc sản" của một chủ công xuất sắc, rất hiếm thấy trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Thứ nhất, với khả năng chơi tay chiêu đầy biến ảo, Diệu Châu có thể thực hiện những pha tấn công sát mép lưới, kể cả trong tình huống khó, thậm chí cực khó mà đối phương không thể lường trước. Thứ 2, Diệu Châu có thể tung ra những cú đập sau vạch 3m rất hay, đạt hiệu suất ghi điểm cao, điều rất ít thấy trong giới cầu thủ nữ Việt Nam cho tới tận thời điểm này. Thứ 3, ở mức độ thấp hơn, Diệu Châu có khả năng thực hiện những cú nhảy phát bóng đầy uy lực.
Với cái tay trái vừa khỏe, vừa dẻo, ra "đòn" rất kín và nhanh của mình, Diệu Châu trở thành "chuyên gia" ghi điểm cả ở cấp CLB lẫn tuyển Việt Nam trong suốt một thời gian dài.
Cùng với Bùi Thị Huệ và Phạm Thị Yến, Diệu Châu trở thành một trong ba chủ công hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam trong hàng thập kỷ.
Trong màu áo CLB VTV Bình Diền Long An, Diêu Châu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cô cùng với Ngọc Hoa được coi là những linh hồn của đội bóng trong suốt nhiều năm.
Đánh giá về Diệu Châu, HLV Lương Khương Thượng thừa nhận: "Bộ đôi Ngọc Hoa, Diệu Châu chính là 2/3 sức mạnh của VTV Bình Điền Long An. Mỗi khi Diệu Châu thi đấu, em không chỉ chơi với 100% sức lực mà còn luôn biết cách động viên đồng đội vượt lên khó khăn".
Quãng thời gian thi đấu cho VTV Bình Điền Long An là những năm tháng đỉnh cao trong sự nghiệp rực rỡ của Diệu Châu. Cũng chính ở đây cô đã tìm thấy "một nửa" của đời mình. Đó là đồng nghiệp cùng tuổi của chính đội nam Long An, chủ công Phan Văn Định. Tình yêu của họ nảy nở một cách hết sức tự nhiên ở tuổi 18 khi cả hai cùng là thành viên của tuyển bóng chuyền trẻ Long An, sống xa gia đình và gắn bó với nhau qua từng buổi tập.
Sự nghiệp thi đấu của Phan Văn Định không rực rỡ như Diệu Châu nhưng cô tâm sự, chính anh là điểm tựa quan trọng để cô có thể phát huy cao nhất khả năng của mình. Sau 6 năm quen nhau, đến đầu năm 2007, Diệu Châu mới theo chàng về dinh trước khi vợ chồng cô hạnh phúc chào đón một cặp song sinh nam 4 năm sau đó.
Sau một thời gian nghỉ thi đấu để lập gia đình, sinh con và vun vén cho tổ ấm riêng, Diệu Châu quay lại với bóng chuyền. Cô khoác áo đội bóng chuyền nữ TP HCM ở giai đoạn cuối sự nghiệp và thi đấu đến năm 2016 mới chính thức giải nghệ do ảnh hưởng của các chấn thương khiến thể lực sa sút và cũng bởi cô muốn dành trọn thời gian cho cuộc sống gia đình.
Giờ đây ở tuổi 40, Diêu Châu đang tận hưởng cuộc sống viên mãn với "gia đình nhỏ, hạnh phúc to" của mình nhưng hình ảnh của một siêu chủ công tay chiêu ngày nào vẫn còn in đậm trong lòng người hâm mộ bóng chuyền cả nước.