Những ngày "đại tang" làng nhạc: Nghĩ về khoảng trống và sự kế cận
(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu tháng 5 tới thời điểm này làng nhạc Việt Nam đã mất đi nhiều gương mặt ưu tú. Thậm chí có người còn gọi quãng thời gian vừa qua là những ngày "đại tang" của đời sống âm nhạc nước nhà.
Đầu tiên là sự ra đi của nhà giáo, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, tác giả của những bài hát gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Việt như Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác… Sau nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là "người đã đi-về qua hai thế kỷ với âm nhạc truyền thống Việt Nam", GS-TS Trần Văn Khê. Nỗi buồn về sự ra đi của GS Khê chưa kịp nguôi ngoai thì mất mát "kép" lại đến với đời sống âm nhạc nước nhà khi hai nhạc sĩ họ Phan cùng ra đi trong một ngày (29/6), đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân. Chưa được một tuần tang hai nhạc sĩ này, nền âm nhạc Việt Nam lại "thắt thêm một dải tang trắng" vì sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên, tác giả ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc bằng những ca khúc Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Huế thương...
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời ở tuổi 66
Trước sự ra đi của hàng loạt tên tuổi ấy, đã không ít người tỏ ra lo lắng, thậm chí là bi quan về cái gọi là khoảng trống mà các tác giả thế hệ trước đã để lại. Lo lắng về tác phẩm viết cho thiếu nhi luôn thiếu và yếu? Lo lắng về việc nền âm nhạc nước nhà "vẩn đục" bởi những tai tiếng hơn là những tài năng thực thụ? Lo lắng và bi quan về nguồn lực để bảo tồn, gìn giữ văn hóa, nghệ thuật truyền thống không mấy ai mặn mà, toàn chỉ thấy làm sai, làm ẩu?
Một bức tranh âm nhạc đương đại hỗn loạn như thế sinh ra bởi đâu? Các bậc tiền bối nếu có tái sinh thì có vực lại cho nó đẹp như trước?
Tôi tin rằng, nếu các bậc tiền bối có trường thọ cũng sẽ "bó tay" trước bức tranh ấy và khoảng trống giữa thế hệ cũ-mới, già-trẻ sẽ vẫn không thể "lấp" đầy. Thế hệ cũ sẽ vẫn luôn đề cao giá trị truyền thống nhưng lại khó tiếp cận những trào lưu mới, những khuynh hướng mới. Còn những người trẻ tuổi tràn trề năng lượng, nhiệt huyết và cá tính lại chỉ muốn bay đến những chân trời mới, không thể mãi đi lại "đường xưa lối cũ" của các cụ.
Điều đó phản ánh một quy luật là mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn phát triển của xã hội đều sản sinh ra một lớp người mới, đặt ra cho họ (mà ở đây là các văn nghệ sĩ) những yêu cầu khác nhau về các giá trị thẩm mỹ trong mỗi sáng tạo nghệ thuật. Trong các giá trị ấy, có cả giá trị "phù hợp với xu thế của thời đại". Mà cái này, tôi thiển nghĩ các bậc tiền bối thế hệ đi trước dẫu còn mẫn tiệp, khỏe mạnh cũng khó lòng theo kịp giới trẻ.
Vậy thì thay vì bi quan và lo lắng về khoảng trống mà các thế hệ đi trước để lại sẽ không thể lấp đầy, xin hãy lạc quan tin vào những cuộc lật trang của một thế hệ mới - thế hệ mà chúng ta vẫn hay nói sẽ là “rường cột của đất nước”. Còn những gì không hợp với quy luật, có nguy cơ làm nhem nhuốc đi những trang sử âm nhạc mà các thế hệ cha anh đã dày công viết nên, khắc nó sẽ tự đào thải!
Đừng tự gắn vào những người đã ra đi về sự trắc ẩn với hậu thế. Bởi nếu mỗi khi có cây đa, cây đề nằm xuống, ta lại cảm thán về khoảng trống mà họ để lại thì không biết đến bao giờ, thế hệ nào mới có thể lấp đầy, trừ khi con người được tái sinh. Mà điều này thì không thể!
Huy Ngọc
Thể thao & Văn hóa