Những món ăn đặc trưng vào dịp Tết Nguyên đán của các nước châu Á
Vào dịp Tết Nguyên đán, ở mỗi quốc gia châu Á sẽ có những món ăn truyền thống khác nhau.
Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
Nếu bánh chưng là món ăn không thể thiếu của người Việt thì ở các nước khác trong khu vực châu Á cũng có những món ăn đặc trưng vào dịp Tết Nguyên đán.
Dưới đây là những món ăn mang "linh hồn" của các nước châu Á trong những ngày Tết Cổ truyền.
Bánh chưng - bánh tét (Việt Nam)
Theo truyền thống dân tộc, cùng với bánh tét miền Nam, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông, được coi là đặc trưng cho đất trong tín ngưỡng của người Việt cổ.
Vì vậy, trên bàn thờ gia tiên và mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình Việt, không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Món ăn là cách người Việt thể hiện lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa và cũng tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên.
Gói bánh chưng Tết cũng thể hiện được chữ hiếu của con cái với cha mẹ, phong tục biếu cha mẹ bánh chưng dịp đầu năm từ đây mà có. Vào những ngày cận Tết, những người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tét và hàn huyên ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ.
Ngoài ra, hai món bánh truyền thống này đều có phần dây lạc buộc bên ngoài thể hiện sự đoàn kết và gắn bó của các thành viên trong gia đình cũng như sự gắn kết dân tộc.
Món Lạp (Lào)
Tết của người Lào là Songkran hoặc Pi Mai, người dân đất nước Triệu Voi thường đón năm mới muộn - vào khoảng giữa tháng tư dương lịch hàng năm.
Món Lạp được xem như "linh hồn" của mâm cơm đầu năm, bởi Lạp đọc gần giống như lộc trong tiếng Lào có ý nghĩa mang lại phúc lộc dồi dào và may mắn. Món ăn này gồm thịt gà hoặc thịt bò băm nhỏ rồi trộn với nhiều loại rau mùi, nước cốt chanh và thính nếp rang vàng, ăn kèm với cơm nếp dẻo.
Đây cũng là món được dùng cho những dịp đặc biệt dành cho các vị khách danh dự. Món này thường được các đầu bếp nấu rất cẩn thận trong ngày Tết vì nếu không sẽ đem lại điềm xui cho người được tặng món này.
Cà ri (Campuchia)
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia là cà ri. Theo phong tục, vào dịp Tết cổ truyền, mỗi gia đình Campuchia sẽ có ít nhất một người mang thức ăn lên chùa nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri cay nồng đặc trưng.
Gỏi cá thịnh vượng (Malaysia và Singapore)
Trong mâm cơm đầu năm của người Singapore và Malaysia đều có chung một món ăn truyền thống được gọi là gỏi cá thịnh vượng hay còn được biết đến với tên gọi Yu Sheng. Gỏi cá Yu Sheng được chế biến từ cá hồi tươi kết hợp các loại trái cây và rau củ như bưởi, đu đủ, củ cải, cà rốt thái sợi, rau sống, đậu phộng, vừng... Khi thưởng thức món ăn này, bạn sẽ rưới nước sốt được làm từ quả mận lên trên các loại nguyên liệu và trộn đều là có thể thưởng thức ngay.
Món ăn với màu sắc bắt mắt này thường được dùng làm khai vị trong những bữa tiệc năm mới với ý nghĩa mang lại khởi đầu may mắn, thịnh vượng cho gia chủ.
Sủi cảo (Trung Quốc)
Theo phong tục của người Trung Quốc, bữa ăn đầu năm nên có nhiều món ăn may mắn, quan trọng nhất là sủi cảo và cá. Hai món ăn này được xem như "lá bùa" mang đến sự may mắn và thịnh vượng. Trong đó, từ "cá" phát âm theo tiếng Trung Quốc gần giống với từ "dư" trong "dư thừa".
Trong khi món bánh sủi cảo có hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn mang lại tài lộc cho cả năm. Theo truyền thống ở Trung Quốc vào đêm giao thừa, người dân thường quây quần gói sủi cảo và thưởng thức trong bầu không khí đầm ấm của ngày Tết.
Canh bánh gạo (Hàn Quốc)
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của xứ kim chi chính là canh bánh gạo (Tteokguk). Món ăn được làm từ bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa. Mọi thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau thưởng thức canh để cầu mong có sức khỏe dồi dào và may mắn trong năm mới.
Osechi (Nhật Bản)
Người dân Nhật Bản ăn mừng năm mới vào Tết dương lịch. Những món ăn đặc biệt dành riêng cho ngày Tết người Nhật gọi là Osechi bao gồm súp Ozoni, mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi tẩm đường và tương rán giòn), tôm chiên, bánh dày... được chế biến kỹ lưỡng, mỗi món lại có một ý nghĩa may mắn riêng.
Tất cả được xếp trong một chiếc khay hình chữ nhật sang trọng. Các món ăn trong khay sẽ thay đổi tuỳ từng địa phương.