Những mốc thời gian quan trọng cần nhớ trong dịp Tết Nguyên đán
Bạn cần ghi nhớ những mốc thời gian quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán để đón một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Tết Nguyên đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa bậc nhất ở Việt Nam.
Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên đán sẽ được kéo dài từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng âm lịch.
Ngày 23 tháng Chạp - cúng ông Công ông Táo
Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu của gia chủ để lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng vào ngày 23 tháng Chạp.
Lễ cúng gồm một mâm cỗ mặn, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống (hoặc cá chép giấy), cùng xôi, chè mật và hương hoa. Tuy nhiên, tuỳ theo mỗi vùng miền mà mâm cúng ông Công ông Táo sẽ có sự khác biệt nhất định.
Thêm nữa, một số gia đình ở vùng nông thôn vẫn còn gìn giữ phong tục dựng cây nêu tuy nhiên ở thành thị phong tục này đang dần bị quên lãng. Cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điều xui xẻo. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để doạ ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.
Trước ngày Tết, người Việt cũng thường chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy và các món ăn thịnh xoạn để dâng lên ông bà tổ tiên.
Tất niên - ngày cuối cùng của năm
Ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).
Buổi tối, từ 23h ngày 30 tháng Chạp tới 1h ngày 1 tháng Giêng là khoảnh khắc quan trọng nhất đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới được gọi là giao thừa. Để đánh dấu thời khắc này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa hoặc chúng sinh, cô hồn ở khoảng sân trước nhà.
Đây còn được xem là thời gian gia đình sum họp để cùng nhau ăn uống, trò chuyện. Sau đó người ta sẽ sắp dọn bàn thờ, chuẩn bị mâm cỗ để cúng Giao thừa.
Ba ngày Tân niên
Ngày mồng 1 tháng Giêng theo truyền thống là mồng 1 Tết cha, là ngày quan trọng nhất trong dịp Tết. Những người vui vẻ, thành công, hợp mạng sẽ được mời đi "xông đất" mang lại may mắn cho gia chủ.
Họ sẽ tới chúc tết và cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Ngoại trừ những người này thì hầu như tất cả mọi người để sẽ hạn chế ra ngoài, họ thường quây quần bên mâm cơm gia đình, ăn tiệc và dành những lời chúc tốt đẹp nhất tới gia đình thân yêu của mình.
Vào sáng sớm ngày mồng 2 tháng Giêng gia đình sẽ cúng lễ tại gia. Sau đó, người ta chúc tết các bà mẹ theo tục mồng 2 Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết theo tục đi sêu.
Trong khi đó, ngày mồng 3 tháng Giêng được gọi là mồng 3 Tết thầy. Đây là dịp để học trò gửi những lời chúc, những lời tri ân đến thầy cô giáo. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng, hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm mới.
Hóa vàng
Trong ba ngày Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Vì thế nên đèn hương luôn sáng đỏ, các đồ dâng cúng phải đợi đến ngày hóa vàng mới được hạ xuống.
Thông thường, hóa vàng sẽ diễn ra từ mồng 3 đến mồng 10 tháng Giêng Âm lịch. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng.
Khai hạ
Ngày mồng 7 tháng Giêng (nhiều nơi là mồng 6 tháng Giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Vào ngày này, người Việt làm lễ hạ cây nêu, gọi là lễ Khai hạ để kết thúc dịp Tết Nguyên đán và bắt đầu quay trở lại nhịp sống công việc trong năm mới từ ngày mồng 8 hoặc mồng 9 tháng Giêng.
* Bài viết mang tính tham khảo.