Những kỳ tích đào núi và lấp biển
(Thethaovanhoa.vn) - Thế kỷ 20 với hàng loạt phương tiện và kỹ nghệ mới phát minh khiến con người sinh ra tự tin đến mức ngạo mạn, kỳ vọng của các nhà kỹ trị tưởng như không có giới hạn. Cái gì có thể nghĩ ra được thì cũng phải làm được - biến sa mạc thành biển, đổi chỗ đại dương, chuyển khí hậu cả lục địa… Họ tin tưởng sắt đá sẽ chinh phục được thiên nhiên, và đôi khi, rất hiếm, cũng thành công.
Hôm nay ta sẽ nói gì
… khi ai đó ngỏ ý định đắp đê chắn 5.000km2 biển rồi bơm hết nước ra để tạo ra một khu dân cư mới? Con người đã học được nhiều từ các thất bại và biết rằng về lâu dài mọi vết thương gây ra cho thiên nhiên sẽ không dễ gì được tha thứ. Nhưng đầu thế kỷ trước thì bài học đó hãy còn quá xa vời.
Những bước tiến công nghệ liên tục nối nhau ra đời khiến con người phấn khích đến mê muội, tưởng rằng với tay cao được hơn trời. Không gì là không thể. Vậy tại sao không tát cạn một chút đại dương?
Từ 1886 kỹ sư Hà Lan Cornelis Lely đã bận bịu với những kế hoạch tương tự. 1920, khi đã có chân trong chính phủ, ông bắt đầu thực hiện hoài bão của mình. Mấy thập niên sau, người Hà Lan giành giật được từ biển xanh ngót 3.000km2 và quyết định hòa hoãn với thiên nhiên, cái gì họ chiếm được là đủ rồi… Ít nhất thì IJsselmeer cũng là biển hồ nước ngọt lớn nhất trong nước.
Thành công mang tên Zuiderzee là gương sáng cho nhiều thế hệ kỹ sư, đồng thời cũng chắp cánh cho nhiều giấc mơ (và ác mộng) mới.
Từ 1930 trở đi
… giới kỹ sư hoàn toàn tin tưởng vào tính nghiêm túc của các đồng nghiệp Anh quốc toan tát cạn Biển Bắc để nối nước Anh với châu Âu bằng đường bộ. Kế hoạch này xuất hiện lần đầu trên báo Hoa Kỳ, Úc và Đức. Tuy nhiên tác giả của nó là người Đức. Và so với quy mô Đức thì dự án Zuiderzee chỉ là trò đùa của trẻ ranh: người ta sẽ đắp một con đập khổng lồ cắt Norfolk (Anh) khỏi Biển Bắc, xuyên qua các doi cát Doggerbank và vươn đến tận Bắc Đan Mạch.
Ở phía Nam, một con đập thứ hai sẽ nối Dover (Anh) với bờ biển Bỉ/Pháp. Lúc đó người ta sẽ thoải mái đi qua một cây cầu vắt qua eo biển La Manche. Dự đoán sẽ chiếm được diện tích đất mới là 259.000km2, chừng 86 lần lớn hơn kỳ tích của Hà Lan.
Hai năm sau, mọi tính toán lạc quan tan tành như bong bóng xà phòng, cú mở lục địa về phía Tây bị cho vào bảo tàng hay nói đúng hơn là bị thế chỗ bởi một kế hoạch khá thực tế của kỹ sư Đức Hermann Soergel.
Ông bắt đầu vẽ ra dự án Atlantropa từ 1928, tát cạn 500.000km2 Địa Trung Hải làm “không gian sống mới”. Ông đề nghị dùng bơm lấy nước Đại Tây Dương và Hắc Hải đổ vào Địa Trung Hải, biến sa mạc Sahara thành đất màu mỡ nhờ ba biển hồ khổng lồ và một sông đào mang tên “Nil số 2” cung cấp nước ngọt. Nếu thành công, châu Phi sẽ bị biển hồ chia làm hai mảnh.
Kỹ sư Soergel không phải chỉ chú trọng khía cạnh kỹ thuật, ông nâng niu từng chi tiết trong đời sống văn hóa bản địa. Ví dụ như Chương trình bảo tồn Venezia với mạng lưới kênh rạch nằm sâu trong đất liền, các đô thị giàu truyền thống khác như Marseille (Pháp), Napoli hay Genova (Italy) sẽ được mở rộng hiện đại hơn, đẹp hơn bên bờ nước mặn.
Atlantropa được đem ra bàn tán đa chiều trên toàn thế giới, vì Soergel hứa hẹn đem lại giải pháp cho nhiều vấn đề cùng lúc: “Không gian sống mới” hồi ấy đang là chủ đề thời sự số 1, kinh tế thế giới đang xập xệ sẽ phất lên nhờ một dự án cần đến cả trăm ngàn nhân công, không chỉ của Đức… Trong mắt ông, cả châu Âu biến thành một dự án hòa bình, đâu biết rằng Hitler cổ vũ và thực thi nhiệt liệt theo hướng thảm họa! Soergel mơ mộng đến khi qua đời (1952), vào thời điểm đó Viện Atlantropa do ông sáng lập còn 1.200 thành viên!
Soergel không đơn độc
… mà giấc mơ nặn lại Trái đất còn sống dai dẳng nhiều thập niên, nhất là với lục địa đen. 1877 kỹ sư Anh Donald Mackenzie đưa sáng kiến đào một con kênh qua Morocco để tạo ra một biển hồ lớn 155.000km2 giữa biển cát Sahara, nhằm biến đổi khí hậu cả châu Phi và lấy nước ngọt cho ngành trồng trọt.
Quả là một ý tưởng không chỉ táo bạo mà còn thấm đẫm tính nhân văn. Người Pháp lập tức dẫn nước vào các vùng trũng của Libya và Tunisia hôm nay. Một loạt dự án trên giấy vạch ra đường nối giữa sông Niger và mạng lưới biển hồ tưởng tượng! Nhưng Sahara vẫn khô kiệt cho đến nay: bên cạnh khó khăn tài chính và địa lý, hai cuộc chiến tranh thế giới khiến mọi ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.
Một số dự án, dù bị thu nhỏ, vẫn sống dai hơn người ta tưởng. Như ý tưởng cho nước biển chảy qua một kênh đào hay đường ngầm vào vùng trũng Qattara trên Sa mạc Libya (Ai Cập) để chạy máy phát điện khiến các nhà khoa học tranh cãi đến tận những năm 1970.
Vấn đề dẫn nước chảy 80 km, một phần xuyên núi, được kỹ sư Đức Friedrich Bassler đề nghị giải quyết khá “nhàn hạ”: cho nổ dưới đất 213 quả bom nguyên tử loại 1,5 nghìn tấn!
Điên rồ? Có lẽ hợp thời (ấy) thì đúng hơn. Thời đó Liên Xô và Hoa Kỳ phát triển hàng loạt dự án dùng bom nguyên tử làm… công cụ khoan phá, như hải cảng ở Alaska, kênh nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương ở Nicaragua, nắn các sông ở Siberia… Nhìn lại lịch sử, chắc cư dân Trái đất và thiên nhiên nên cảm ơn số phận đã không cho mấy dự án tự sát ấy thành công. Khoa học kỹ thuật luôn là con dao hai lưỡi.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần