Những 'gương mặt quyền lực' của thể thao Việt Nam
Hoàng Vĩnh Giang – Chuyên gia “đi tắt đón đầu”
Gọi ông là “chuyên gia” hay “người khởi xướng” chiến lược “đi tắt đón đầu” của thể thao Việt Nam đều đúng, vì ông chính là người xướng lên điều này cách đây 20 năm. Nhờ chiến lược tiếp cận và du nhập những môn thể thao mới, chưa được phổ biến rộng rãi như cầu mây, wushu, lặn, pencak silat… theo tinh thần “đi tắt đón đầu” mà thể thao Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc ở sân chơi khu vực, từ chỗ chỉ đứng thứ 4 ở SEA Games năm 2001, sau đó chỉ 2 năm, ở SEA Games 22 (2003) diễn ra trên sân nhà, thể thao Việt Nam đã chiếm ngôi số một toàn đoàn.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam là người có ảnh hưởng lớn đến Thể thao Việt Nam. Ảnh: V.S.I
Trên cương vị Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ), ông Hoàng Vĩnh Giang còn là người có công gây dựng những môn thể thao Olympic mà bây giờ Hà Nội đang là địa chỉ đỏ của cả nước như TDDC, đấu kiếm… Cũng từ đó, thể thao Hà Nội đã đưa nhiều VĐV triển vọng sang Trung Quốc tập huấn dài hạn từ khi họ mới 6, 7 tuổi, để rồi bây giờ thể thao Việt Nam đã có những tài năng như Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh (TDDC)…
Cách đây hơn 20 năm, khi Phạm Phước Hưng còn là một cậu bé mới 6 tuổi và được các chuyên gia Trung Quốc lựa chọn để đưa sang Trung Quốc tập huấn dài hạn nhưng bố mẹ Phước Hưng lại ngần ngại vì không muốn để con sang nước ngoài ở tuổi còn quá nhỏ, ông Giang đã thuyết phục bố mẹ Phước Hưng rằng để nuôi một đứa con từ nhỏ tới lớn để học Đại học thì ngay cả ông bà bán rau cũng làm được, nhưng để nuôi được một đứa con theo nghiệp VĐV đỉnh cao thì không phải ai cũng làm được.
Nhờ lời khuyên ấy của ông Giang mà sau này TDDC Việt Nam đã có một tài năng như Phước Hưng, và chi tiết đấy cũng thể hiện rất rõ tài năng cũng như tầm nhìn của ông Giang.
Tuy nhiên, chiến lược “đi tắt đón đầu” mà ông Giang khởi xướng cho thể thao Việt Nam chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn mới hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, còn để nền thể thao phát triển vững mạnh và lâu dài thì vẫn phải là những môn trong hệ thống Olympic, mà đây lại là góc tối của chiến lược “đi tắt đón đầu”. Dù thể thao Việt Nam vẫn duy trì được vị thế hàng đầu ở các kỳ SEA Games, nhưng tại các sân chơi đẳng cấp hơn như ASIAN Games hay Olympic thì phải xếp sau 4, 5 quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore.
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức –Đại gia tiên phong
Trong làng bóng đá Việt Nam có nhiều đại gia, nhưng bầu Đức có một “quyền lực” đặc biệt của mình. Ở giai đoạn phôi thai của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bầu Đức chính là người đi tiên phong với việc tung tiền tấn để đưa Kiatisuk về khoác áo HA.GL, trong bối cảnh HA.GL lúc đấy còn đang thi đấu ở giải hạng Nhất, còn Kiatisuk vừa trở về từ giải hạng Nhất Anh và vẫn được xem là ngôi sao bóng đá số một của khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Bầu Đức gây tiếng vang lớn với Học viện HA.GL Arsenal JMG. Ảnh: D.Thành
Nếu để đưa ra một cái nhìn tổng thể thì bầu Đức chính là hình mẫu điển hình của cách làm bóng đá chuyên nghiệp thời kỳ đầu mà người ta vẫn hay gọi là “ăn xổi”, khi ông bỏ tiền mua lại HA.GL trên cơ sở là đội hạng Nhất Gia Lai rồi đổ tiền mua cầu thủ ngôi sao từ xứ để nâng cấp đội bóng thành “đại gia” trong thời gian cực ngắn nhằm giành những danh hiệu trước mắt.
Tuy nhiên, 10 năm sau, bầu Đức lại tiếp tục sắm vai trò đi tiên phong khi cùng những doanh nhân làm bóng đá cùng chí hướng như bầu Kiên, bầu Thắng khởi xướng việc thành lập VPF, mà thực chất là giành lại quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp từ tay VFF, và từ chỗ là một ông bầu bóng đá, bầu Đức đã trở thành một quan chức bóng đá thực thụ khi tham gia bộ máy lãnh đạo cao cấp của cả VPF cũng như VFF.
Và trong khoảng 2 năm trở lại đây, bầu Đức lại nổi như cồn nhờ lứa cầu thủ khoá 1 của Học viện HA.GL Arsenal JMG mà người hâm mộ vẫn quen gọi là U19 Việt Nam. Học viện bóng đá mà ông đổ tiền xây dựng cách đây chừng 10 năm đã đem lại quả ngọt khi lứa cầu thủ khoá 1 của Học viện đang được xem là những tài năng trẻ hứa hẹn của bóng đá Việt Nam, còn bầu Đức được xem là điển hình cho ông bầu biết cách làm bóng đá từ gốc, trở về với những giá trị truyền thống.
Lê Công Vinh – Ngôi sao của những kỷ lục
Nếu để tìm ra một cầu thủ tiêu biểu cho bóng đá Việt Nam sau thế hệ của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn thì Công Vinh dĩ nhiên phải là lựa chọn số một. Ở tuổi 18, Công Vinh đã được gọi lên đội tuyển U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22 năm 2003, và một năm sau, tiền đạo này đã có vị trí chính thức ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Edson Tavares tại các giải đấu chạy đà cho Tiger Cup 2004.
Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài nhiều nhất. Ảnh: Đại Nghĩa
Trong 10 năm qua, bất kể đội tuyển Việt Nam được đặt dưới sự dẫn dắt của HLV nào, dù là ngoại hay nội, thì Công Vinh đều khẳng định được vị trí số một, và chiếc áo số 9 đến nay vẫn được xem là tài sản của riêng Công Vinh suốt một thập kỷ. Tất nhiên, Công Vinh không chỉ có cái danh không, bởi cú đúp bàn thắng của tiền đạo này trong 2 lượt trận chung kết AFF Suzuki Cup 2008 đã giúp bóng đá Việt Nam có được chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên và duy nhất cho tới nay.
Công Vinh cũng là cầu thủ Việt Nam được thi đấu ở nước ngoài nhiều nhất với 2 lần xuất ngoại sang Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Mặc dù những chuyến xuất ngoại này ít nhiều đều mang màu sắc thương mại, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng Công Vinh phải có tài năng thật sự thì mới được trao cho những cơ hội như vậy.
Giá trị thương hiệu của Công Vinh còn được thể hiện qua việc cả 3 lần thay đổi CLB của tiền đạo này đều được thực hiện với những khoản tiền kỷ lục và lần nào cũng tạo sóng cho dư luận. Tài năng trên sân cỏ đã được khẳng định, Công Vinh còn được biết đến như là một cầu thủ rất biết cách cư xử và đến thời điểm hiện tại, tiền đạo này gần như chưa dính líu hay liên quan tới bất kỳ một scandal nào đáng chú ý hoặc nổi cộm.
Ngoài ra, với việc kết hôn cùng ca sỹ Thuỷ Tiên và có một cô con gái cùng gia cảnh đáng mơ ước với rất nhiều người, Công Vinh được xem là hình mẫu hoàn hảo của đời sống giải trí nên tiền đạo này đã được nhiều nhãn hiệu lớn lựa chọn để thực hiện các chiến dịch quảng cáo.
Công bằng mà nói, Công Vinh có thể không phải là tài năng sáng giá nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh ra trong thập niên vừa qua, nhưng chắc chắn Công Vinh chính là cầu thủ thông minh, có ý thức chuyên nghiệp và cầu tiến bậc nhất trong giới cầu thủ Việt Nam hiện tại, và thành quả mà tiền đạo này nhận được cũng cực kỳ tương xứng với những nỗ lực mà anh đã bỏ ra.
Thể thao & Văn hóa cuối tuần