Những gương mặt của ngày đầu lập quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “ Đó là những người của “thế hệ vàng” mà người dẫn đạo cho thế hệ ấy là Cụ Hồ Chí Minh, có lẽ trong lịch sử dân tộc phải bao nhiêu lâu mới xuất hiện một lần. Vì ngọn cờ “Đại nghĩa” đâu phải tự nhiên mà có”.
Những người thuộc “thế hệ vàng” đó xuất hiện trở lại trong hồi ức Gương mặt những người cùng thế hệ của GS Vũ Đình Hòe vừa được NXB Trẻ ấn hành và ra mắt hôm 19/8.
Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên
GS Vũ Đình Hòe (1/6/1912 – 29/1/2011) là một trong những người thuộc “thế hệ vàng” như thế. Ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8/1945 và được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946. Khi Chính phủ Liên hiệp Lâm thời thành lập, ông được cử làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục rồi làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến năm 1960.
Khi không còn trực tiếp tham gia chính trường, GS Vũ Đình Hòe làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp cho đến năm 1975 thì về hưu. Ông để lại hai công trình lớn: Hồi ký Vũ Đình Hòe và Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh.
GS Vũ Đình Hòe tốt nghiệp cử nhân luật khoa ĐH Đông Dương. Ông từng tham gia giảng dạy ở những trường tư thục nổi tiếng tại Hà Nội. Dù làm Bộ trưởng ngành giáo dục trong thời gian khoảng 6 tháng, song ông rất quan tâm đến lĩnh vực này. Ông tham gia biên soạn Hiến pháp năm 1946 với những điều tâm đắc về giáo dục, như: trẻ em không bị bạo hành, nền sơ học cưỡng bách và không học phí…
Một thời, ông cùng nhóm bạn trí thức thành lập và làm chủ nhiệm báo Thanh Nghị cũng như tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, ông đề nghị thành lập Nha Bình dân học vụ để chống “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ.
Trong hồi ức này, GS Vũ Đình Hòe đề nghị ông Nguyễn Công Mỹ (sinh 1909 – hy sinh 1949) làm Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ. Ông Nguyễn Công Mỹ là em ruột nhà văn Nguyễn Công Hoan và là anh của Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều). So với nhà văn Nguyễn Công Hoan hay Lê Văn Lương, thì ông Nguyễn Công Mỹ ít được người đời biết đến, dù ông là “Tư lệnh chiến trường đầu tiên của chiến dịch diệt giặc dốt” và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Phủi những lớp bụi thời gian
Gương mặt những người cùng thế hệ của GS Vũ Đình Hòe chia làm bốn chương, gồm: Những người đã bỏ mình vì nước viết về các liệt sĩ hy sinh trong những buổi đầu lập quốc, trong đó có Cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên đã chiến đấu ngoan cường với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng; chương Vài gương mặt bạn có Hoàng Minh Giám, Nghiêm Toản, Nguyễn Cao Luyện, Phạm Lợi, Đoàn Phú Tứ…
Chương Đôi nét phác họa viết về Phan Anh, Hoàng Hữu Nam, Phan Mỹ, Lê Văn Hiến, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Trọng Khánh, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức. Chương cuối dành nhiều trang viết về Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Huyên. Gương mặt những người cùng thế hệ khắc họa chân dung những trí thức, nghệ sĩ cùng thời với GS Vũ Đình Hòe vì “Đại nghĩa” độc lập, tự do của dân tộc.
Đọc Gương mặt những người cùng thế hệ, mới biết người có công lớn diệt “giặc đói” sau khi giành độc lập năm 1945 là kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức (1918 - 1996). Lúc đó, Bác Hồ kêu gọi “nhường cơm sẻ áo” và “tăng gia sản xuất” khi “con ma đói Ất Dậu” rập rình tái xuất vì thiếu nửa triệu tấn gạo mà vụ mùa phải hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch.
Kỹ sư Hoàng Văn Đức đưa ra giải pháp tăng cường trồng màu, như: khoai, ngô. Bằng chuyên môn của mình, kỹ sư Hoàng Văn Đức hướng dẫn tạo dây giống khoai gấp 10 lần yêu cầu.
Kết quả đạt được 330 ngàn tấn khoai khô tăng gấp 5 lần bình thường và 224 ngàn tấn ngô nhiều hơn trung bình hàng năm chỉ 50 ngàn tấn. Nạn đói sau ngày độc lập cơ bản được giải quyết.
GS Vũ Đình Hòe, viết: “Hơn nửa thế kỷ sau, năm 2005, Bộ trưởng Canh nông đầu tiên, kỹ sư canh nông làm thơ giỏi hơn làm ruộng Cù Huy Cận, trong một cuộc trả lời phỏng vấn về cuộc kháng chiến chống giặc đói năm 1945 – 1946, bổ sung một câu chí lý: “Hoàng Văn Đức rất có công…”.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa