Những dòng chảy của điện ảnh Việt (Kỳ 3 & hết): Việt Nam đang cần dòng phim 'dung hoà'?
(Thethaovanhoa.vn) - Phim "dung hòa" là cách gọi nôm na để chỉ những phim vừa bán được vé, vừa có giá trị nghệ thuật như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chẳng hạn. Qua các hội thảo, các phát ngôn của lãnh đạo giới điện ảnh gần đây, có vẻ Việt Nam đang cần dòng phim kiểu dung hòa này.
- Những dòng chảy của điện ảnh Việt (Kỳ 2): Phim nghệ thuật - 'Riêng một góc trời'
- Những dòng chảy của điện ảnh Việt (Kỳ 1): Phim thị trường đang chiếm ưu thế
Tuy nhiên, để làm được phim “dung hòa” là một câu chuyện dài, đôi khi cần cả may mắn.
Những ví dụ để noi theo
Nhà nước và khán giả đã có nhiều ví dụ thuyết phục để tin tưởng, vì trước đây đã có những phim như Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng hoang, Mùa ổi, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trái tim bé bỏng, Rừng đen, Mùa len trâu, Sống trong sợ hãi… dung hòa được các yếu tố kể trên. Nếu Nhà nước tiếp tục làm được những phim như thế này thì sẽ đỡ lo bị khán giả làm ngơ hoặc… “cất kho”.
Nhìn ra bên ngoài, từ hơn 10 năm trước, điện ảnh Iran truyền cảm hứng cho nhiều nhà làm phim độc lập/nghệ thuật và một số khán giả của Việt Nam. Đây là nền điện ảnh rất nhỏ nhưng tinh hoa, đã có nhiều phim kinh phí rất thấp nhưng lại vang dội khắp năm châu. Y như vài phim làm mưa làm gió của Kim Ki Duk, kinh phí chỉ ở mức 200-300 ngàn USD, Việt Nam cũng có thể học theo các mô hình này.
“Nhưng Việt Nam không dễ để học họ. Thứ nhất là nền văn hóa, tôn giáo giữa Việt Nam và Iran khác biệt; thị hiếu khán giả, tôi nghĩ cũng không tương đồng. Có chăng là những nhà làm phim độc lập Việt Nam tìm nguồn cảm hứng ở các nhà làm phim Iran ở tinh thần độc lập, cách họ vượt qua những sự ràng buộc một cách thông minh và phát triển những đề tài rất nhỏ, đời thường nhưng gắn bó mật thiết với đời sống và con người nước họ. Phim Việt Nam hiện nay tôi cảm giác chỉ giải trí và mua vui, gần như không chia sẻ được với đời sống của người Việt Nam hiện tại” - Lê Hồng Lâm nhận định.
Đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho rằng: “Nhà sản xuất sẽ quan tâm đến điều này nhất, vì họ là người quyết định phim sẽ làm theo hướng nào. Nếu mục đích làm phim chỉ để kiếm tiền thì họ sẽ chọn những thể loại mang tính giải trí cao. Còn nếu muốn kể một câu chuyện vì nó làm mình xúc động và có ý nghĩa thì sẽ không chọn làm theo hướng nào cả, mà sẽ chọn kịch bản nào hấp dẫn. Khi phía sản xuất còn băn khoăn giữa nghệ thuật và giải trí, hoặc dung hòa, nghĩa là họ chưa biết mình muốn gì, hoặc trong tay họ chưa có kịch bản nào đủ thuyết phục. Kịch bản hay sẽ quyết định hướng đi của một bộ phim”.
Ai cần phim dung hòa hơn?
Nhìn vào diện mạo và thực trạng hiện nay, có lẽ Nhà nước dễ phù hợp để đầu tư vào các phim dung hòa, vì tự thân các kịch bản phía Nhà nước đã có yếu tố tư tưởng - nghệ thuật, vấn đề còn lại là bổ sung các thành tố thu hút khán giả. Các dạng đầu tư nghệ thuật của Nhà nước thường không quá áp lực về thu hồi vốn, nên dễ “phiêu lưu sáng tạo” hơn các hãng tư nhân, vốn “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Một ví dụ, đó là phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khi đầu tư Nhà nước chỉ toàn tâm làm một phim có giá trị, không mấy áp lực chuyện thu hồi vốn, kết quả lại rất thành công. Cũng trên Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên thẳng thắn: “Nhưng phim đã chiếu xong từ lâu rồi mà tôi được biết thủ tục sau khi chiếu phim thì đến giờ vẫn chưa xong. Vậy thì còn đơn vị nào dám nhận làm phim đặt hàng nữa?
Thậm chí để duyệt kinh phí đặt hàng một bộ phim, đến Bộ Tài chính cũng duyệt kịch bản, thì chắc chỉ ở Việt Nam mới có chuyện này. Nếu vẫn giữ cách đặt hàng, quan niệm với điện ảnh như vậy thì bao giờ phim Việt mới phát triển được”.
Nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm thì cho rằng: “Không cần phát minh hoặc băn khoăn với các phân loại dòng phim, vì các nước có ngành điện ảnh phát triển đã làm lâu rồi và vẫn đang tiếp tục sử dụng. Ngay từ lúc sản xuất, Việt Nam chỉ cần chọn một thể loại nào đó để tập trung làm, thì sẽ có khán giả cho thể loại đó. Với nguồn kinh phí dồi dào, nếu Nhà nước cởi mở trong việc đặt hàng, tôi nghĩ sẽ có nhiều phim hấp dẫn cho các thể loại khác nhau”.
“Bảo hộ điện ảnh dân tộc, nâng cao chất lượng tác phẩm điện ảnh ở tất cả các dòng phim. Tăng cường dòng phim truyền thống để thực hiện nhiệm vụ chính trị, với các mảng đề tài mở rộng bên cạnh nhóm đề tài quy định tại Điều 5 của Luật Điện ảnh, như: Đề tài về gia đình, nhà trường, xây dựng đất nước, hình tượng con người mới, chống tiêu cực...” - trích tham luận "Định hướng xây dựng ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn nhìn từ thực tế phát triển của điện ảnh" do Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan trình bày.
Như vậy là, trước bối cảnh phim thị trường quốc tế được nhập ồ ạt vào Việt Nam (hàng trăm phim/1 năm), trong nước các hãng tư nhân cũng rất thức thời với việc làm phim thị trường, thì một định hướng và chính sách đầu tư phim dung hòa từ Nhà nước là khá cần thiết. Nhà nước có thể tập trung mạnh vào các phim giàu tính nghệ thuật, thể nghiệm, độc lập… với kinh phí chừng 200-300 ngàn USD để kích thích đa dạng sáng tạo. Ở tầm trung, với những phim 400-700 ngàn USD, có thể không cần mỗi năm đặt hàng 5-6 phim, mà nên gom vài năm vào làm một bom tấn, với kinh phí thật lớn, để có thể đủ chất lượng chu du quốc tế.
Nhà nước đang cần những phim “dung hòa”? Rục rịch từ mấy năm trước, nhưng đến nay 4 phim Nhà nước dự định đầu tư là Xã tắc, Không ai bị lãng quên, Người yêu ơi, Địa đạo… vẫn chưa thể khởi động. Lý do đầu tiên là chưa có kinh phí, vì Bộ Tài chính đang siết chặt các dạng đầu tư này. Lý do quan trọng hơn, Nhà nước đang muốn có những phim vừa đáp ứng được mục đích tuyên truyền, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa thu hút được nhiều khán giả. Các dự án vừa nêu có vẻ chưa đủ thuyết phục ở khía cạnh thứ ba? |
Văn Bảy