A+ A A- Kiểu đọc sách

Những dòng chảy của điện ảnh Việt (Kỳ 1): Phim thị trường đang chiếm ưu thế

19:36 21/05/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tranh luận thế nào là phim điện ảnh thực sự, nhưng ở đây tạm quy ước những phim chiếu rạp và sân bãi (màn ảnh rộng), thường một tập, là phim điện ảnh.

Từ năm 1975 đến nay, điện ảnh Việt có nhiều thăng trầm, có khi phim Nhà nước chiếm chủ đạo như giai đoạn 1975-1990 và 1995-2007, có khi phim tư nhân chiếm ưu thế như giai đoạn 1990-1995 và hơn 10 năm gần đây. Điện ảnh thế giới có nhiều dòng chảy, nhưng nhìn lại 10 năm qua, điện ảnh Việt chỉ có 3 dòng chảy chính, chủ đạo vẫn là phim thị trường, kế theo là thưa thớt các phim nghệ thuật, và cuối cùng là phim Nhà nước.

Nếu quan niệm thị trường là nơi có người mua bán, tiêu thụ sản phẩm thì loại phim nào cũng có thị trường của nó, dù ít hoặc nhiều. Nhưng khái niệm phim thị trường ở đây là nhằm để chỉ những phim được sản xuất với mục đích thương mại, tìm kiếm lợi nhuận tối đa, các yếu tố còn lại thường chỉ phục vụ cho giải trí đơn thuần. Hơn 10 năm qua, đây là dòng phim chủ đạo của điện ảnh Việt.

Chú thích ảnh
“Gái nhảy” (2003) là dấu mốc cho sự hồi sinh của phim thị trường

Đầu thập niên 1990, điện ảnh Việt (chủ yếu tại TP.HCM) nổi lên với dòng phim thị trường - phim “mì ăn liền”, sản xuất nhanh và đầu tư thấp - rất ăn khách, nhưng chất lượng nghệ thuật thấp. Năm 1990, cả nước sản xuất 28 phim điện ảnh, chủ yếu trong số này là phim “mì ăn liền”. Sau đó thì rơi vào khủng hoảng trầm trọng trong 7-8 năm, đến khi Gái nhảy (2003) của Lê Hoàng công chiếu, với doanh thu kỷ lục là 12 tỷ đồng, phim thị trường mới thực sự trở lại.

Thu hút từ doanh thu…

Từ hiệu ứng của Gái nhảy, nhiều nhà sản xuất tư nhân lại vào cuộc, từ mỗi năm làm 4-5 phim, ngang bằng số lượng với phim Nhà nước: năm 2013 có 19 phim (3 phim Nhà nước đặt hàng), 2014 có 24 phim (2 phim đặt hàng), 2015 có 40 phim (9 phim đặt hàng). Từ 2016 đến nay thì gần như vắng bóng phim Nhà nước, dù các dự án vẫn nóng… trên bàn giấy. Năm 2017, lần đầu tiên LHP Việt Nam không có phim Nhà nước, chỉ có 16 phim của tư nhân tham gia dự thi.

Chú thích ảnh

“Tôi nghĩ điện ảnh là một nghề, mà nghề thì phải hướng đến chuyên nghiệp, tức là phải sống được bằng nghề, phải thương mại. Khi nền tảng thương mại vững sẽ có đủ rạp, có khán giả, có nhu cầu phát triển đa dạng. Lúc ấy sẽ có nhiều quỹ cho phim độc lập, phim thể nghiệm, phim tác giả… sẽ có nhiều nhu cầu xem những phim khác với phim thương mại. Thực tế thế giới cho thấy khi mà thương mại phát triển nó cũng cần nghệ thuật, còn khi nghệ thuật được nhiều sự đồng cảm thì cũng có thương mại” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói.

Sau Gái nhảy (2003), sự bùng phát của điện ảnh Việt từ năm 2007, với đỉnh cao là Dòng máu anh hùng (đạo diễn: Charlie Nguyễn) - một phim dung hòa được thị trường và nghệ thuật. Năm này còn có nhiều phim đáng chú ý như Vũ điệu tử thần (Bùi Tuấn Dũng), Giá mua một thượng đế (Hồ Ngọc Xum), Em muốn là người nổi tiếng (Vũ Xuân Hưng)…

Mấy năm sau, phim Giải cứu thần chết (2009) cán mốc 20 tỷ đồng tiền vé, rồi Long Ruồi (2011, 42 tỷ đồng), Tèo Em (2013, 80 tỷ), Tháng năm rực rỡ (2018, 84 tỷ), Quả tim máu (2014, 85 tỷ), Để Mai tính 2 (2014, 101 tỷ), Em là bà nội của anh (2015, 102 tỷ), Siêu sao siêu ngố (2018, 109 tỷ), Em chưa 18 (2017, hơn 171 tỷ)…

Chú thích ảnh
Hơn 171 tỷ đồng tiền vé, “Em chưa 18” từng là phim có doanh thu cao nhất thị trường Việt Nam, hơn cả các bom tấn nhập ngoại

Tổng doanh thu 4 phim Việt Tết Mậu Tuất (2018) là hơn 100 tỷ đồng. Theo CGV, tổng doanh thu phòng vé năm 2008 vào khoảng 6 triệu USD, năm 2015 là hơn 100 triệu USD. Đến năm 2017, doanh thu là 3.250 tỷ đồng, phim Việt chiếm 25%, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến xem ở hơn 760 rạp chiếu.

Chính những con số trên đây làm nên sức hút và sức mạnh của phim thị trường, nó còn gián tiếp tác động đến các quyết định đầu tư, tài trợ của phim Nhà nước. Từ sau năm 2015, khi phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn: Victor Vũ) đạt doanh thu hơn 77 tỷ đồng, các quyết định đặt hàng của Nhà nước đã thay đổi theo hướng phải có doanh thu - nghĩa là có người xem thực sự - không khả thi thì không đầu tư. Gần chục dự án vẫn nằm chờ kinh phí là vì vậy.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

… và hơn thế nữa

Phải lưu ý một điều: phần lớn người mua vé vào rạp không phải là dân chuyên nghiệp với điện ảnh, nên tính chuyên môn và hàn lâm với họ không phải là ưu tiên. Phim thị trường thắng thế vì đa số có kịch bản dễ hiểu, câu chuyện “mủi lòng”, cách kể chuyện hấp dẫn, “không mệt đầu”, nên dễ gần gũi với số đông. Những phim thị trường được đánh giá cao hơn mặt bằng chung, nếu như họ cài cắm được vài yếu tố hoặc thủ pháp nghệ thuật, nhưng cũng đừng quá nhiều và quá nặng.

“Đa số mọi người sẽ nói tôi không nhớ gì nhiều về điện ảnh Mỹ lúc khai sơ, nhưng tôi rất ấn tượng với những phim của Charlie Chaplin, Buster Keaton, Laurel and Hardy... Đây là những danh hài và những người tiên phong làm phim thị trường từ khi mới có điện ảnh. Chỉ những người thực sự đam mê phim ảnh mới biết đến The Jazz Singer, The Wizard Of Oz, Metropolis, Birth Of A Nation... Ngay từ thời kỳ đầu, khi chưa có sự phân loại rõ ràng, thì những gì ăn khách và giải trí vẫn chiếm ưu thế hơn, đó cũng chính là lịch sử của Hollywood - kinh đô của những phim thị trường hoành tráng và ăn khách khắp thế giới” - nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm dẫn chứng.

“Phải nói phim tư nhân ngày càng tốt hơn, bởi họ có điều kiện học hỏi từ nhiều liên hoan phim thế giới. Họ làm phim dựa trên tiêu chí phải thu hút được khán giả, có doanh thu, bán được phim. Vậy nên họ đo lường nhu cầu thị trường, bám sát thị hiếu khán giả” - trả lời báo Tuổi trẻ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên nhìn nhận.

Trước bối cảnh như vậy, cộng với việc phim Nhà nước và phim nghệ thuật đang còn quá thưa thớt, ít điểm nhấn, việc nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất ngỡ điện ảnh Việt chỉ có mỗi dòng phim trường cũng là điều dễ hiểu.

Thị phần của các đơn vị chiếu phim

Đầu năm 2017, sàn chứng khoán KDB Daewoo của Hàn Quốc khảo sát 5 đơn vị chiếu phim tại Việt Nam (với tổng thị phần là 98%), thì tỷ lệ như sau: CJ-CGV (43%), Lotte (30%), Platinum (10%), Galaxy (9%) và BHD (6%). Còn theo số liệu của Moveek, thì hiện tại CGV có 63 cụm rạp, Lotte có 38, Beta có 17 rạp, Galaxy có 15, BHD có 9, Starlight có 7, Cinestar có 4 và Platinum có 2. Các cụm rạp này chủ yếu do tư nhân và nước ngoài làm chủ, còn đang tăng trưởng rất nhanh, nên phim thị trường ngày càng rộng… đất diễn.

Phim thị trường hiện là “xương sống” của điện ảnh Việt

“Vai trò của phim thị trường trong giai đoạn hiện nay khá quan trọng, nếu không muốn nói là xương sống của điện ảnh Việt Nam. Chỉ khi ổn định về tài chính thì khi ấy tính nghệ thuật của điện ảnh Việt mới thực sự có đường băng cất cánh, vừa có thể gây tiếng vang với quốc tế, vừa sống đẹp với chính thị trường nội địa, một điều tưởng dễ mà khó với tình hình hiện có” - biên kịch Châu Quang Phước nhận định.

* Kỳ 2: Phim nghệ thuật - “Riêng một góc trời”

Điện ảnh Việt rầm rộ đến Cannes

Điện ảnh Việt rầm rộ đến Cannes

Lần đầu tiên Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức chuỗi hoạt động điện ảnh tại Liên hoan Phim Cannes từ ngày 17/5 đến ngày 28/5/2017.

Văn Bảy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...