Những điều cần nhớ và cần tránh khi cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp
(Thethaovanhoa.vn) - Những điều gần nhớ và cần tránh khi cúng ông Công ông Táo để giữ được đúng mục đích và tài lộc cho gia đình.
* Những điều cần nhớ khi cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng ông Công ông Táo truyền thống gồm có:
- Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
- Tiền vàng.
- Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo:
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.
Mâm cúng ông Táo cơ bản bao gồm: Thịt heo luộc; Gà luộc hoặc quay; Đĩa rau xào; Hành muối; Xôi gấc; Giò heo; Canh mọc; Cá chép nướng (ở miền Nam thường cúng cá lóc nướng); Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu...
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.
Nếu gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng đơn giản 3 món là đã được. Đặc biệt mỗi miền còn có mâm cúng ông Táo riêng.
Thời gian cúng ông Công, ông Táo
Theo các chuyên gia phong thuỷ, lễ cúng ông Táo cần phải được thực hiện trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng, tức là trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
* Những điều cần kiêng kị khi cúng ông Công ông Táo
Không thả cá chép từ trên cao: Sau khi thực hiện lễ cúng Táo Quân các gia đình thường thả cá chép ra sông, hồ. Tuy nhiên, khi thả bạn nên nhớ không nên thả từ trên cao hay ném cá xuống nước vì như thế cá sẽ chết.
Tốt nhất, gia chủ nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ và thả cá từ từ. Không nên ném cả túi nilon xuống nước tránh gây ô nhiễm môi trường.
Làm lễ cúng sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp: Trong tín ngưỡng dân gian, 12h ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Chính vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước giờ này.
Theo đó, từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12h ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
Đặt mâm lễ cúng dưới bếp: Không ít người Việt quan niệm ông Công là thần thổ công, vị thần cai quản đất đai trong nhà, cần được cúng trên bàn thờ chính trong nhà, còn ông Táo là 23 vị đầu rau trông coi việc bếp núc nên sẽ được cúng ở dưới bếp. Song thực tế việc cúng như thế này là không đúng với phong tục và quy tắc truyền thống lâu đời của dân tộc.
Theo truyền thống, tất cả các vị này đều cần được thờ phụng trên bàn thờ chính của gia đình. Ngoài ra, bếp là nơi đun nấu nên không phù hợp để cúng lễ. Mâm cỗ cúng 23 tháng Chạp cần được thực hiện ở nơi sạch sẽ và trang nghiêm nhất trong nhà.
Không cầu xin tài lộc, sung túc: Có rất nhiều người theo thói quen thường cầu xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc. Tuy vậy, Táo Quân lên thiên đình là để trình báo việc lớn nhỏ của hạ giới với Ngọc Hoàng nên các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng là được.
Cúng ông Công ông Táo năm nay giờ nào, ngày nào để năm mới nhiều may mắn? Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện-ác của loài người. Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Xem tiếp TẠI ĐÂY |
Bảo Anh (tổng hợp)