Những dấu ấn lịch sử của EURO
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 1 năm bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, EURO 2020 sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 12/6 tới. EURO năm nay là kỳ EURO thứ 16 trong lịch sử, đánh dấu một cột mốc kỷ niệm 60 năm kể từ khi giải đấu ra đời.
Dưới đây là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử giải đấu.
EURO 1988: Siêu phẩm của Marco van Basten
EURO 1988, Hà Lan gặp Liên Xô ở trận chung kết. Phút 54, Van Tiggelen chuyền bóng cho Arnold Muhren bên cánh trái. Không cần chỉnh bóng, Muhren chuyền bổng sâu sang bên cánh phải. Ở một góc rất hẹp, chỉ cách đường biên ngang chừng 5m, Van Basten tung cú vô lê đưa bóng qua đầu thủ thành Rinat Dasaev bay về phía góc xa khung thành.
Một bàn thắng không tưởng, nó cho thấy kỹ thuật, kỹ năng điêu luyện từ đường chuyền của Muhren cho tới pha dứt điểm táo bạo của Van Basten. Quả bóng không chạm đất kể từ thời điểm nó rời chân Muhren cho đến khi nó được kéo ra khỏi lưới. Rinus Michels, huấn luyện viên người Hà Lan, đã che mắt vì không thể tin nổi.
EURO 1992: Chuyện thần kỳ của “những chú lính chì” Đan Mạch
Dự EURO 1992 với tư cách là đội thay thế Nam Tư, những gì Đan Mạch làm được ở giải đấu năm đó thực sự nằm ngoài sự tưởng tượng của ngay cả những người mơ mộng nhất.
Họ đánh bại Pháp 2-1 ở tứ kết, vượt qua nhà đương kim vô địch Hà Lan ở bán kết bằng chiến thắng 5-4 trên chấm phạt đền. Trong trận chung kết, Đức chiếm ưu thế sớm, liên tục uy hiếp khung thành Đan Mạch. Nhưng đội chịu áp lực tâm lý ít hơn đã ghi được bàn thắng trước ở phút 18 nhờ công của John Jensen. Sau khi Kim Vilfort ghi thêm một bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0, các cổ động viên Đan Mạch đã cất cao tiếng hát: “Deutschland, Deutschland, Alles ist vorbei” (“Đức, Đức, tất cả đã kết thúc”).
EURO 1996: Khi bóng đá trở về nhà
Ở vòng bảng, sau trận hòa thất vọng 1-1 trước Thụy Sĩ, chủ nhà Anh hạ Scotland 2-0 và đè bẹp Hà Lan 4-1 để hiên ngang bước vào vòng tứ kết với vị trí đầu bảng A. Ở vòng tứ kết, họ tiếp tục làm cho các CĐV Anh sung sướng sau khi vượt qua Tây Ban Nha trên chấm phạt đền.
Đối mặt với đối thủ truyền kiếp Đức ở bán kết, Anh là đội chơi hay hơn khi vượt lên dẫn trước với bàn thắng của Alan Shearer, ngay phút thứ 3. Người Đức lập lại thế cần bằng chỉ hơn 10 phút sau đó với pha ghi bàn của Stefan Kuntz. Dù là đội có nhiều cơ hội nguy hiểm hơn trong suốt 120 thi đấu nhưng Anh không ghi được thêm bàn thắng nào vào hai đội phải dắt nhau vào loạt sút luân lưu cân não. Mặc dù xuất sắc đá thành công cả năm cú sút đầu tiên nhưng đến pha sút thứ 6, sau pha sút trượt của Gareth Southgate, Andreas Moller đã kết liễu giấc mơ của người Anh.
Năm đó, Đức đăng quang giải đấu lần thứ 3 với chiến thắng 2-1 trước CH Czech. Cả hai bàn thắng đều được ghi bởi cầu thủ vào thay người Oliver Bierhoff.
Nó khiến người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của cựu tiền đạo người Anh, Gary Lineker: “Bóng đá là một trò chơi đơn giản. 22 người đàn ông rượt đuổi một quả bóng trong suốt 90 phút và cuối cùng, người Đức luôn giành chiến thắng”.
EURO 2000: Dấu ấn Zidane
Ở EURO 2000, Zidane tạo dấu ấn với những cú “xoay compa”, những pha đánh gót, những cú “vặn sườn”, những tình huống cầm bóng xộc thẳng vào hàng thủ đối phương rồi mở ra cơ hội cho đồng đội… Thật khó tin ở chỗ dù có thân hình cao lớn, có phần hơi thô nhưng Zidane sở hữu kỹ năng xử lý, điều khiển bóng uyển chuyển, mềm mại, điêu luyện cùng khả năng cân bằng tuyệt vời.
Zidane chỉ ghi 2 bàn thắng tại EURO 2000, nhưng đó là những bàn rất quan trọng: Cú sút phạt để Pháp thắng Tây Ban Nha 2-1 tại tứ kết và cú đá 11m tạo nên bàn thắng Vàng giúp Pháp vượt qua Bồ Đào Nha tại bán kết. Zizou cũng chỉ kiến tạo cho đồng đội 2 lần tại giải đấu, nhưng 1 trong số đó là tình huống giúp David Trezeguet ghi bàn thắng Vàng trong trận chung kết thắng Italy 2-1.
Pháp là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu năm đó, còn nhạc trưởng tuyến giữa của họ như tới từ hành tinh khác.
EURO 2016: Huấn luyện viên Cristiano Ronaldo
EURO 2016, Ronaldo khởi đầu giải đầy tâm trạng với sự cố ném micro của một phóng viên xuống hồ nước. Mọi chuyện sau đó dần tốt đẹp với Ronaldo. Bồ Đào Nha vượt qua vòng loại, đánh bại Croatia, Ba Lan và Xứ Wales để vào chung kết - gặp đội chủ nhà Pháp. Nhưng ở trận đấu quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp thi đấu quốc tế, Ronaldo đã phải rời sân đầy đau đớn ngay phút thứ 8 sau pha va chạm với Dimitri Payet.
Nhưng rồi cũng từ giây phút đó, thế giới bóng đá chứng kiến một Ronaldo khác. Anh lảng vảng ở đường piste, la ó, cổ vũ, quát nạt các đồng đội, làm lu mờ hoàn toàn vai trò của HLV Fernando Santos.
Trên sân cỏ, Eder đã ghi bàn thắng quyết định giúp Bồ Đào Nha đăng quang giải đấu. Thường bị chế giễu là đội một người, Bồ Đào Nha đã đạt được điều không tưởng: Vô địch giải đấu mà không cần “bùa hộ mệnh” mang tên Ronaldo.
EURO 2004: “Vua Otto” và những kẻ thuộc hạ
Một đội bóng chưa từng thắng một trận nào tại một giải đấu lớn, Hy Lạp bị coi là kẻ yếu thế và thường xuyên gặp rắc rối bởi sự vô kỷ luật, đấu đá nội bộ. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên kỳ cựu người Đức, Otto Rehhagel. “Vua Otto” đã truyền đạt tính tổ chức, kỷ luật và tinh thần làm việc mạnh mẽ lên toàn đội bóng, cùng với đó là chiến thuật hợp lý.
Đối đầu với những đối thủ mạnh hơn, Hy Lạp sử dụng xuất sắc công cụ hữu hiệu nhất trong kho vũ khí của đội cửa dưới: Hàng thủ chơi kín kẽ và hàng công phải rất nhạy bén trước khung thành đối phương trong những tình huống tấn công hiếm hoi. Hy Lạp thực hiện hoàn hảo cả hai nhiệm vụ đó.
Họ vượt qua Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ở vòng bảng. Tại tứ kết, thầy trò “Vua Otto” đánh bại nhà ĐKVĐ Pháp. Đến trận bán kết, đối đầu với CH Czech “thắng như chẻ tre” từ đầu giải, lối chơi khó chịu của ĐT Hy Lạp tiếp tục phát huy tác dụng khi họ giành chiến thắng trong hiệp phụ nhờ “bàn thắng bạc” của trung vệ Dellas. Trận chung kết, kịch bản quen thuộc lặp lại. Cú đánh đầu thành bàn của Charisteas đưa Hy Lạp vượt qua Bồ Đào Nha để vô địch EURO 2004 theo cách khó tin nhất.
EURO 2008: Arshavin tỏa sáng
Với Andrei Arshavin của đội tuyển Nga, EURO 2008 bắt đầu bằng án treo giò hai trận vì hành vi bạo lực ở vòng loại. Nhưng HLV Guus Hiddink đã nhìn thấy những điều đặc biệt ở Arshavin: Tốc độ, kỹ thuật cá nhân siêu việt, tư duy chiến thuật sắc sảo, khả năng dứt điểm và không ngại thử nghiệm.
Chỉ chơi 3 trận, Arshavin vẫn trở thành “đầu tàu” của tuyển Nga trong những thắng lợi vang dội trước Thụy Điển và Hà Lan.
EURO 1976: Cú đá Panenka
EURO 1976 là mùa giải cuối cùng chỉ có 4 đội tham gia và là giải đầu tiên áp dụng thể thức đá luân lưu để phân định thắng thua. Và cũng chính tại giải đấu đó, trận chung kết phải bước vào loạt đấu luân lưu bởi trong vòng 120 phút thi đấu, tuyển Tiệp Khắc và Tây Đức cầm hòa nhau với tỷ số 2-2.
Bên phía Tiệp Khắc, Marian Masny, Zdenek Nehoda, Jan Ondrus, Ladislav Jurkemic đều sút chính xác khi lãnh nhiệm vụ. Bên phía Tây Đức, Dietz và Schwarzenbeck không dám đá. Rainer Bonhof, Heinz Flohe, và Hannes Bongartz sút chính xác, nhưng Uli Hoeness sút vọt xà. Tỷ số khi ấy là 4-3. Panenka sút quả luân lưu cuối cùng cho Tiệp Khắc.
Ông lạnh lùng sục nhẹ quả bóng trên đà chạy, chỉ truyền vừa đủ lực để quả bóng đi cầu vồng một cách rất nhẹ nhàng, chỉ bay vào lưới sau khi Maier đã phóng người sang một bên. Tiệp Khắc đã vô địch giải đấu và ngày nay người ta gọi cú sút như vậy là cú đá Panenka.
Khánh Đan