Biến tấu cùng EURO: Và trong giây lát, tối đêm sẽ đến
Bay về đâu cơn lốc thiên thanh
Trong ráng đỏ của hoàng hôn đang rụng
Em đẹp quá mà bóng tà vội quá
Có lẽ nào, đã đóng lại, mùa yêu?
Họ cùng tuổi, đều sinh năm 1964. Họ đều rất đẹp trai-đương nhiên “chàng của tôi” đẹp trai hơn. Họ đều là những tiền đạo vô cùng đẳng cấp và khi trở thành huấn luyện viên, họ đã có dấu ấn vô cùng khác biệt… Đó là tôi so sánh giữa Roberto Mancini và Jürgen Klinsmann!
Về thành tích khi là cầu thủ, Roberto Mancini không bằng Jürgen Klinsmann khi chỉ có một huy chương đồng World Cup 1990, cũng năm đó, Klinsmann và tuyển Đức đã giành cúp vàng. Trên đấu trường châu Âu, Klinsmann cũng có một danh hiệu vô địch vào năm 1996, Roberto thì không, nhưng ông đang có cơ hội để có danh hiệu đó trên cương vị huấn luyện viên. Tất nhiên, với điều kiện Mancini phải đưa tuyển Ý vượt qua Tây Ban Nha vào tối nay, để sau đó vượt qua Anh hoặc Đan Mạch ở chung kết. Chỉ còn hai nấc thang, để Mancini bước lên đỉnh cao khi đưa Ý lên ngôi vương của bóng đá châu Âu, sau 53 năm khao khát… Chỉ còn hai nấc thang cuối, nhưng vô cùng khó khăn.
Tuyển Ý của Roberto Mancini đến với mùa EURO này đã làm ngỡ ngàng tất cả những người hâm mộ lâu năm lẫn cả fan của các đội bóng khác, như là tôi. Trước mỗi trận đấu của Ý, tôi đều tự hỏi là, họ còn đá tấn công nữa hay không? Sự hoài nghi trong tôi cứ lớn dần và câu trả lời chỉ để lại tiếp tục nỗi hoài nghi mới. Ngay cả rằng ở trận đấu tối nay, nỗi hoài nghi trong tôi vẫn còn nguyên.
Không ai có thể ngờ rằng, đội quân thiên thanh có thể “thoát thai” ra khỏi lối đá phòng ngự truyền thống để chơi tấn công đầy hào hoa, càng ngạc nhiên hơn, lối đá đó lại đến từ Mancini, người trong suốt quãng thời gian 20 năm làm huấn luyện viên của mình nổi tiếng với việc xây dựng đội bóng theo tiêu chí ưu tiên phòng thủ. Mancini từng có phát ngôn khi là huấn luyện viên ở Manchester City: “Tôi thích chiến thắng 1-0, khi bạn không để lọt lưới và có các cầu thủ như Edin Džeko, Carlos Tévez hay David Silva, bạn có cơ hội chiến thắng tới 90%. Tôi thà thi đấu buồn tẻ trong 2-3 trận đấu với tỉ số 1-0...”.
Ấy thế mà, tuyển Ý của Mancini ở EURO này miệt mài ghi bàn, qua 5 trận họ có 11 bàn thắng, tuyệt vời thay tấn công ào ạt nhưng phòng ngự cũng vô cùng chặt chẽ, họ mới chỉ để lọt lưới có 2 bàn.
Có lẽ trong đời mình, chưa bao giờ tôi lại mong Ý vô địch, kể cả khi tuyển Đức đã bị loại. Nhưng lần này ngoại lệ. Vì tuyển Ý hay quá, thanh thoát và hào hoa quá, tấn công đẹp quá… nó khiến tôi nhớ đến đau đớn về tuyển Đức năm 2006-chính mùa bóng mà thứ bóng đá tấn công đẹp đẽ được Klinsmann đưa đến thay thế cho sự xù xì cục mịch của bóng đá Đức nhiều thập kỷ. Và rồi, để thua trước một Azzurri thuần chất Catenaccio.
Đã có một chuyên gia cho rằng, Tây Ban Nha đang thể hiện một thứ bóng đá tầm thường. Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng cũng vì thế mà tôi e ngại rằng, một Tây Ban Nha tầm thường nhưng quá nhiều may mắn, một Tây Ban Nha rườm rà nhàm chán đang sở hữu những trận đấu buồn tẻ nhất của EURO sẽ lại có một trận đấu phi thường để mà chiến thắng bóng đá đẹp. Nếu thế thì tức tưởi biết bao cho cơn lốc màu thiên thanh?
Nhưng nếu đó là số phận? Tôi mượn ý nghĩa hàm ngôn trong bài thơ “Trong giây lát tối đêm sẽ đến” (Ed È Subito Sera - có bản dịch là “Bây giờ là buổi tối’’) của thi sĩ người Sicily, Salvatore Quasimodo để tặng các chàng trai đến từ mảnh đất nhiều nắng gió hình chiếc ủng.
“Mọi người cô đơn trong trái tim trái đất
Bị xuyên qua bởi tia sáng mặt trời
Và trong giây lát, tối đêm sẽ đến” (Salvatore Quasimodo-1930)
“Trong giây lát tối đêm sẽ đến” được giới phê bình văn học thế giới cho là bài thơ hay nhất của Salvatore Quasimodo - người từng được trao giải Nobel văn học với lời đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển vì đã có “những tác phẩm thơ trữ tình xuất sắc phản ánh kinh nghiệm bi thảm của thời đại bằng một nghệ thuật trác tuyệt". Mặc dù rất ngắn, chỉ có 3 câu thơ nhưng Quasimodo đã gói gọn tất cả ý nghĩa về sự tồn tại của con người, được thể hiện dưới một ngôn ngữ đầy ẩn dụ.
Trận thư hùng đêm nay, tôi vô cùng mong ước đội quân thiên thanh đã từng tạo nên những cơn lốc xoáy dọc mùa EURO qua sẽ cuốn phăng đi vũ điệu Flanmenco đã lỗi nhịp. Nhưng, còn đó ký ức mùa hạ nước Đức năm 2006 khiến tôi có dự cảm không lành cho cơn lốc màu thiên thanh, nhất là khi đối thủ của họ-Tây Ban Nha đang trong thời kỳ “tàn cơn thịnh nộ”, có thể sẽ hắt lên tia cháy cuối đủ để thiêu đốt tất cả…
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu