Những chiếc áo sạch của bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - 7/10 đội bóng ở giải hạng Nhất không có nhà tài trợ in tên trên ngực áo. Và đội dẫn đầu V-League bước sang năm thứ ba đi tìm nhà tài trợ.
- 'Hải Phòng dẫn đầu vì V-League đang đi xuống'
- Điểm nhấn vòng 5 V-League: Hải Phòng vẫn bất bại
- Hải Phòng và 'mùa phượng nở sớm' ở Lạch Tray
Ở sân Thiên Trường, hình ảnh hai đội bóng Nam Định và Phú Yên bước ra sân với những chiếc áo đấu trên ngực chả có chữ gì. Điều tương tự xảy ra với các cặp đấu Đồng Nai – Đắk Lắk, Bình Phước – Huế. Cặp đấu giữa Viettel với Cà Mau thì đội bóng đất Mũi mặc áo ngực để trống, và trận duy nhất có cả hai đội có nhà tài trợ in trên ngực là TP HCM và Xi măng Fico Tây Ninh.
Nhưng trên ngực áo của một trong hai đội, TP HCM là một thương hiệu mà doanh nghiệp của bầu Tú futsal cũng là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thành phố làm phân phối độc quyền (thiết bị điện LS) nên liệu đây có phải là một sự hợp tác hữu xạ tự nhiên hương?
Chúng ta lâu nay coi việc gắn tên của doanh nghiệp với đội bóng là xấu, là coi nhẹ bản sắc và truyền thống, nhưng qua đấy lại biết được tỉ lệ doanh nghiệp hoá các CLB từ nền bóng đá bao cấp đang diễn ra ở mức độ nào.
Hải Phòng chơi vơi với chiếc "áo sạch" đang dẫn đầu V-League 2016 sau 5 vòng đấu.Ảnh: TTXVN
Xét theo tiêu chí này thì giải chỉ có hai đội có tên doanh nghiệp là Viettel và Xi măng Fico Tây Ninh. Tám đội còn lại tên thuần địa phương. Hỏi các đội ấy có muốn găn tên không thì câu trả lời rằng không phải tất cả đều không muốn. Mà đơn giản là tìm chưa thấy nhà tài trợ nào.
Tỉ lệ 2/10 hay 20% như vậy là một bước lùi lớn so với thời điểm cách nay 10 năm. Giải hạng Nhất 2006 có tới 14 CLB và số mang tên có gắn với doanh nghiệp là 7 – tức 50%.
Nếu nói rằng hạng Nhất tìm tài trợ rất khó thì chúng ta sẽ phải giải thích thế nào về hiện tượng đội bóng đang dẫn đầu V-League là Hải Phòng cũng không có nhà tài trợ để gắn tên hay gắn trên ngực áo.
LG được lãnh đạo thành phố chào mời hết sức và cả thực tế là doanh nghiệp này hiện đang đầu tư ở Hải Phòng nhưng vẫn không thể nên duyên và đội bóng đất Cảng vẫn chỉ có tên thuần tuý là Hải Phòng còn ngực áo thì miễn cưỡng “sạch”.
Cũng so với ngày ấy thì nay chỉ còn một nhà tài trợ vẫn còn sát cánh với bóng đá, là Viettel – đơn vị giờ đây thực tế chính là chủ cuả đội bóng sau khi nó không thuộc sự quản lý của Cục Quân huấn và không mang tên Thể Công.
Và sáu nhà tài trợ còn lại đều không còn gắn bó với các đội bóng nữa, bao gồm từ bia cho tới xổ số, từ mỹ nghệ thủ công cho tới vật liệu xây dựng: bia Halida, Huda, Sơn Đồng Tâm, Đá Mỹ Nghệ, Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, và tiếp thị tài trợ thể thao Strata.
Sự thiếu vắng các nhà tài trợ khiến cho nhiều đội bóng dường như phải quay trở lại với bóng đá bao cấp. Nếu như vẫn chưa có những thay đổi trong việc rót tiền từ ngân sách nhà nước cho bóng đá thì mỗi tỉnh vẫn được phép bỏ ra 7 tỉ đồng mỗi năm cho đội bóng của mình, gần một nửa so với số ngân sách tối thiểu 15 tỉ đồng mà Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định.
Một vấn đề đặt ra là tại sao BĐVN giờ đây gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ nếu như tin rằng kinh tế khó khăn chỉ là một phần chứ không phải tất cả.
Mỗi tỉnh, mỗi đội bóng có những nguyên nhân của riêng mình như Nam Định tin rằng họ là tỉnh lẻ và cơ cấu kinh tế ở tỉnh không còn những doanh nghiệp lớn để sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng làm nghĩa vụ tài trợ cho đội bóng.
Hải Phòng rõ ràng không thể là tỉnh lẻ được vì với ngần ấy khu công nghiệp và là cửa ngõ của kinh tế xuất khẩu của cả vùng họ có nhiều tiềm năng.
Huế cũng phải tự hỏi là tại sao người ta vẫn uống bia mỗi ngày và bia Huda giờ mở rộng thị phần ra nhiều khu vực nhưng tại sao bia đi đường bia còn bóng thì đi đường bóng.
Rõ ràng là sự hấp dẫn của môi trường bóng đá đã bị suy giảm – thể hiện ngay từ con số khán giả trên sân ở giải hạng Nhất chỉ vài trăm hoặc nhiều hơn thì 1-2 ngàn.
Chuyện bầu Hiển tài trợ cho vài đội bóng ở V-League nhưng vẫn phải tìm đến những thương hiệu lớn từ châu Âu để đánh bóng tên tuổi cho ngân hàng và các sản phẩm khác trong tập đoàn của ông là một thực tế.
Nhưng ngay chính những nhà tài trợ, các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá, sở hữu và điều hành CLB ở các địa phương cũng không vô can bởi nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra chỉ để mua sắm cầu thủ, treo thưởng chứ không đầu tư vào bóng đá trẻ, gây dựng bản sắc. Và Hải Phòng là một trường hợp điển hình.
Việc Hải Phòng đang dẫn đầu V-League và cả 5 trận ở giải khai mạc hạng Nhất dù là cuộc đấu giữa những đội áo có tên hay áo không tên thì sự cạnh tranh quyết liệt là một tín hiệu tích cực: Những địa phương quyết tâm làm lại từ đầu và hy vọng một ngày nào đó sẽ có tài trợ, hoặc được CĐV đón nhận trở lại. Nam Định là như thế. Ngay cả Viettel cũng thế. TP HCM cũng vậy.
Gần đây, sự phát triển của mạng xã hội và hệ thống lưu trữ dữ liệu mở khổng lồ giúp cho người hâm mộ được tiếp cận trở lại với hình ảnh của những trận bóng trong quá khứ. Cách đây khoảng 20 năm thì những chiếc áo đấu đa phần cũng sạch vì xu hướng doanh nghiệp hoá bóng đá chưa diễn ra, chế độ lương thưởng khá thấp nhưng các khán đài luôn chật kín. Như những trận đấu giữa Thể Công với CAHN, CAHN với CA TPHCM, Cảng SG, Hải Quan.
Nhưng đó là giai đoạn mà BĐVN cũng có nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng móc ngoặc, liên minh mua bán điểm giữa các CLB. Đấy chính là sự khởi đầu cho một giai đoạn sa sút nghiêm trọng để rồi giờ đây ngay chính các đội bóng mới đủ sức để vật vã gượng dậy.
Và thành công (mùa trước cũng đã chơi khá tốt rồi) của Hải Phòng với chiếc “áo sạch” đặt ra câu hỏi rằng phải chăng BĐVN nhiều tiền quá mới hỏng?
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần