Những câu chuyện xúc động quanh 'Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người'
Ngay từ khi ra đời vào năm 1962, bài hát đã được công chúng đặc biệt yêu thích và bay xa khắp hai miền Nam - Bắc lúc đó còn chưa thống nhất.
Cảm hứng từ những cánh đồng miền Nam
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người không phải là bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết về Bác. Năm 1949 ông đã từng sáng tác ca khúc Nhớ Bác Hồ với những ca từ giản dị, đầy niềm tin như “Hình Người tầm thước thanh tao mắt sao sáng ngời/Người dìu dắt giống nòi tìm hạnh phúc muôn đời”.
Lúc ấy chàng nhạc sĩ Nam Bộ mới 25 tuổi, chiến đấu ở miền Nam và chưa hề được gặp lãnh tụ. Chiến trường Nam Bộ lúc ấy vô cùng gian khổ, Pháp liên tục tấn công vào Đồng Tháp, càn quét khắp nơi. Bị giặc bắt nhiều lần, vượt ngục cũng vô số lần nhưng người chiến sĩ - nhạc sĩ Trần Kiết Tường vẫn đặt niềm tin vào Bác. Trong cuốn Nhạc và Đời, ông kể lại: “Mặc dù tôi chưa được gặp Bác Hồ nhưng tôi luôn tin tưởng Bác là vị cứu tinh của dân tộc. Lúc nào tôi cũng hướng về Bác, hình dung về Bác như trong bài Nhớ Bác Hồ”.
Đó là những phác thảo đầu tiên để hơn 10 năm sau Trần Kiết Tường cho ra đời tuyệt tác, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.
Năm 1959, lúc này sau khi trải qua thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Trần Kiết Tường tập kết ra Bắc. Thời điểm ấy, luật 10-59 của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vừa ban hành, lê máy chém khắp miền Nam đàn áp phong trào cách mạng. Từ Hà Nội, nhạc sĩ Trần Kiết Tường đau xót khi hay tin những bạn bè ngã xuống. Ông nhớ những cánh đồng, những dòng sông mà ông đã đi qua thời 9 năm, ông nhớ tới cả ngôi mộ của con trai mình giờ nằm trong khu vực đóng đồn của Mỹ… Và “cánh đồng miền Nam” đã trở thành hình tượng mở đầu cho một sáng tác, cùng hình tượng xuyên suốt là Bác Hồ. Nói về ý tưởng hình thành bài hát, nhạc sĩ Trần Kiết Tường bộc bạch: “Tôi nghĩ, miền Nam đau thương muốn sống và chiến đấu là khi nhớ tới Bác Hồ”.
Trên cánh đồng miền Nam
Đau thương mây phủ chân trời
Khi ca lên Hồ Chí Minh
Nghe lòng phơi phới niềm vui
Trên xóm làng miền Nam
Hình Người như “Tiến quân ca”
Giục lòng vươn cánh bay xa
Vùng lên giải phóng quê nhà
Là một niềm tin
Hồ Chí Minh!
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ra và lớn lên bên dòng sông Ô Môn, Hậu Giang (Cần Thơ ngày nay). Chính những giọng hò trên dòng Ô Môn là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác nên những bài hát bát hủ như Chiến sĩ vô danh (1948), Anh Ba Hưng (1950) và sau đó là bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Lý giải về việc đặt tên bài hát, nhạc sĩ cho biết: “Bác Hồ là niềm tin yêu của nhân dân, đặc biệt là của nhân dân miền Nam. Nói sao cho hết công ơn trời biển của Người đối với dân tộc. Phải hàng ngàn trang sách, nói chỗ này thiếu chỗ kia, nói điều này thiếu điều nọ, tôi nghĩ: Đất nước Việt Nam này tuyệt đẹp, nhưng tên Bác Hồ còn đẹp hơn, vì có Bác thì cái đẹp của đất nước mới được nguyên vẹn, dân tộc Việt Nam mới đứng thẳng làm người, thoát kiếp ngựa trâu hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị thực dân đế quốc xâm lược. Vì thế, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người là đúng”.
7 lần hát cho Bác Hồ
Trong kháng chiến 9 năm, nhà thơ Bảo Định Giang làm 2 câu ca dao: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ. Dựa trên ý đó, nhạc sĩ Trần Kiết Tường nới rộng hơn:
Tôi hát ngàn lời ca
Bao la hơn những cánh đồng
Mênh mông hơn mặt biển Đông
Êm đềm hơn những dòng sông
Tôi hát ngàn lời ca
Nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai
Hùng thiêng hơn núi sông dài
Là một niềm tin Hồ Chí Minh ! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người
Là một niềm tin Hồ Chí Minh
Những ca từ của nhạc sĩ Trần Kiết Tường mang nhiều hình tượng văn học với chất liệu dân gian là những câu hò mà ông đã sớm nghe trên sông nước quê hương từ thuở ấu thơ. Ông kể lại: “Khi tôi sáng tác tất cả đều xuất phát từ trái tim kể cả lời và nhạc, không có sự suy tính kỹ thuật, tác khúc hay kỹ thuật làm thơ để viết lời. Ca ngợi Bác Hồ, thật ra là ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam mà Bác Hồ là người đã khai sinh ra. Ca ngợi Bác nhưng thực ra là ca ngợi dân tộc Việt Nam anh hùng, vì Bác cũng từ nhân dân mà ra”.
Nghĩ như vậy nên nhạc sĩ Trần Kiết Tường mở đầu bằng một nét hò nguyên gốc để nói là Bác từ nhân dân mà ra, rồi phát triển lên dần thành những bước đi trang trải, trìu mến, để nói lên cái đẹp của đất nước rực sáng dần trong đó có Bác. Bên cạnh đó, điệu thức oán của dân ca Nam Bộ cũng được sử dụng làm cho giai điệu thêm tha thiết “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người/ Là một niềm tin, Hồ Chí Minh”.
Trong bài hát này ông 5 lần dùng chữ “hơn” để ca ngợi công lao Bác Hồ. Chi tiết này thật sự chính ngay khi sáng tác ông cũng không phát hiện ra. Vào năm 1972 ca sĩ Quốc Hương đã nói với ông điều này và ông gật đầu công nhận vì khi viết lời ông hoàn toàn không suy tính sắp đặt chữ nghĩa. Chính những chữ “hơn” trong bài hát này đã đẩy sức nặng ca từ lên một tầm cao và đưa tiếng hát Quốc Hương bay cao.
Bài hát này được sáng tác vào năm 1960 nhưng hai năm sau mới chính thức ra mắt qua tiếng hát của NSND Quốc Hương, lúc ấy nhạc sĩ Trần Kiết Tường bị bệnh nặng, tưởng không qua khỏi nên đã yêu cầu gia đình phải đưa cho nghệ sĩ Quốc Hương thể hiện.
Giọng hát của Quốc Hương vừa thiết tha vừa đầy trân trọng khi thể hiện và từ đó bài hát này đã bay rất xa khắp mọi miền Tổ quốc. Nhạc sĩ Trần Kiết Tường nhớ lại: “Khi anh Quốc Hương hát lần đầu tiên cho Bác nghe ở Phủ Chủ tịch, Bác chỉ hỏi “Chú nào sáng tác?” chứ Bác không thấy ngượng ngùng khi người ta ca ngợi mình như ông thánh và anh Quốc Hương đã hát bài đó cho Bác nghe tất cả đến 7 lần”.
Thế nhưng ở thời điểm ấy cũng đã từng có nhận xét cho rằng bài hát ấy “mềm yếu không thích hợp khi nói về Người”. Đã có khá nhiều người lo lắng cho số phận của bài hát này nhưng theo nhạc sĩ Trương Quang Lục thì “thế nhưng, anh (Trần Kiết Tường) vẫn bình tĩnh lạ thường” và thực tế thì Hồ Chính Minh đẹp nhất tên Người vẫn được yêu mến đặc biệt và hôm nay đã có rất nhiều giọng ca nổi tiếng đã thể hiện ca khúc này.
Khi Bác qua đời, và mãi sau này, chuông đồng hồ Bưu điện Hà Nội mỗi buổi bình minh vẫn vang vang lên giai điệu Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần