Nhu cầu thực phẩm, thị hiếu ăn uống đã thay đổi sau đại dịch
Những gì chúng ta ăn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách. Qua nhiều năm, và vì nhiều lý do, những gì mọi người ăn, hoặc thích ăn, đã thay đổi.
Lý do mới nhất khiến hành vi ăn uống của người tiêu dùng thay đổi là do đại dịch COVID-19. Alicia Enciso, giám đốc tiếp thị của Nestlé Hoa Kỳ, cho biết thêm, "Thị hiếu của chúng ta thay đổi, các ưu tiên được sắp xếp lại, và kết quả là cách chúng ta thưởng thức đồ ăn và thức uống cũng phải thay đổi”. Dưới đây là một số xu hướng đồ ăn và thức uống đang được nhiều người quan tâm.
Thực phẩm lành mạnh
Quay trở lại thực phẩm lành mạnh. Hội đồng Quốc tế về Thông tin Thực phẩm (IFIC) cho hay, không có gì ngạc nhiên khi đại dịch COVID-19 buộc nhiều người phải ở nhà, đánh dấu một thời kỳ chán ăn và ăn kiêng. Nhưng dữ liệu IFIC cũng cho thấy rằng, “sức khỏe” đang trở thành một từ khóa đối với nhiều người trong chúng ta. Các cuộc khảo sát gần đây của hội đồng này cho thấy, người tiêu dùng đang chủ động tìm kiếm các thuộc tính tích cực của thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt và nhiều chất xơ, đồng thời họ đang tìm hiểu về sức khỏe của hệ miễn dịch nhiều hơn trước đây.
Sự quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật đang phát triển. Vài năm qua đã chứng kiến mối quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm thay thế thịt, cả các loại thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và có nguồn gốc thực vật đều được chú trọng.
Theo giới chuyên gia, thịt làm từ thực vật, đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt hai năm qua, sẽ tiếp tục phát triển, với nhiều tiến bộ hơn về hình thức và kết cấu của sản phẩm. Thế hệ Z (được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) đang trưởng thành và sẽ định hình các xu hướng với mối quan tâm đến nguồn cung ứng có uy tín, tính bền vững và các thực phẩm địa phương. Ngày càng nhiều người Mỹ đang áp dụng các lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như một phần của chế độ ăn kiêng linh hoạt ngày càng phổ biến. Vào năm 2020, 57% hộ gia đình Mỹ mua thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Thực phẩm cannabidiol
Cannabidiol (CBD) là chất được phát hiện trong cây giống Cannabis, chủ yếu là cây gai dầu và cây cần sa. CBD được biết đến là một chất mang lại cảm giác thư giãn và có tác động tích cực đến việc giảm đau, chống viêm và làm đẹp. Sự quan tâm đến các loại thực phẩm CBD tiếp tục tăng cao.
Peter Grinspoon, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết thị trường CBD đang "bùng nổ" nhờ nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm lành mạnh, cùng với những lợi ích được khẳng định của CBD đối với sức khỏe.
- Những thực phẩm khô cần tích trữ trong mùa dịch Covid-19
- Các loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ trong mùa dịch Covid-19
Gần đây, xu hướng đang chuyển sang các nhà bán lẻ thực phẩm tiêu chuẩn, khiến các món ăn CBD trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Nhà báo Jeff Gelski nói: "Thực phẩm được truyền cannabidiol có thể trở nên phổ biến hơn mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ không chấp thuận sử dụng nó như một thành phần trong thực phẩm, đồ uống hoặc thực phẩm chức năng".
Sữa truyền thống bị thay thế
Sữa hạnh nhân, dừa và yến mạch đã trở thành những sản phẩm thay thế phổ biến nhất cho sữa truyền thống. Thậm chí, sữa khoai tây có thể sắp xuất hiện trên các kệ hàng tạp hóa.
Theo các chuyên gia thực phẩm, sữa khoai tây không chỉ là một lựa chọn không chứa các thành phần từ sữa bền vững mà còn mang lại hương vị thơm ngon, béo ngậy.
Ngoài ra, loại sữa thay thế mới này còn ít đường và chất béo bão hòa. Bằng chứng về tính bền vững của nó đến từ thực tế là khoai tây sử dụng khoảng một nửa diện tích đất cần để trồng lượng yến mạch tương đương.
Chuỗi cung ứng có thể là một trở ngại đối với sản xuất sữa khoai tây trong ngắn hạn. Nhà báo Clarisa Diaz giải thích, mặc dù hoạt động buôn bán khoai tây vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới, nhưng lượng dự phòng tại các cảng thấp, thời tiết trái mùa và một loại nấm bất thường đã khiến việc kinh doanh thực phẩm dựa vào loại cây trồng này gặp trở ngại.
Hương vị hoài cổ
Jennifer Clancy, một nhà lãnh đạo tiếp thị trải nghiệm khách hàng tại tập đoàn IFF, khẳng định: “Hương vị của năm 2022 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và một thế giới khó đoán định.
Khi thế giới tiếp tục cảm nhận được những tác động liên quan đến đại dịch COVID-19, chúng tôi dự đoán người tiêu dùng sẽ tìm đến hương vị cổ điển, yêu thích của họ để có cảm giác hoài cổ và thoải mái”.
Soumya Nair, Giám đốc nghiên cứu người tiêu dùng toàn cầu tại Kerry cho rằng các hương vị thực phẩm mang lại sự mới lạ, sự đam mê và có lợi ích cho sức khỏe cũng được người tiêu dùng ưa thích trong năm 2022.
Các xu hướng ẩm thực được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 đã phát triển và sẽ trở nên phức tạp hơn vào năm 2022, với việc người tiêu dùng tìm kiếm thị hiếu mới kết hợp với các định dạng và hương vị quen thuộc - dẫn đến những sự kết hợp mới đáng ngạc nhiên.
Nhà báo Alex Smolokoff cho hay, hơn 8 trong số 10 người tiêu dùng được hỏi cho biết hương vị thơm ngon vẫn quan trọng ngay cả khi ăn uống lành mạnh và phần lớn người tiêu dùng cảm thấy các lựa chọn thực phẩm lành mạnh đều chưa đáp ứng được tiêu chí đó.
Gần 6/10 (58%) người được hỏi cho biết họ không thấy thực phẩm lành mạnh nói chung có vị ngon và hơn 7/10 (72%) người được hỏi cho biết họ sẽ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh hơn nếu chúng ngon hơn. Ngoài ra, công nghệ có thể được sử dụng để giúp các công ty lập bản đồ thị hiếu nhằm thu hút người tiêu dùng.
Những thay đổi này là sự thích ứng với bối cảnh thực phẩm và đồ uống đang thay đổi. Một số chuyên gia cho rằng, người mua sắm thường tìm đến thực phẩm và đồ uống để cung cấp nước hoặc bổ sung dinh dưỡng, nhưng ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng chúng như một cách để cải thiện tâm trạng, tăng cường năng lượng, cung cấp các lợi ích dinh dưỡng hoặc cải thiện sức khỏe của họ. Sự thay đổi này đặc biệt phổ biến ở những người tiêu dùng thuộc thế hệ trẻ.
Minh Trang (Theo enterrasolutions.com)/TTXVN