Nhớ nghệ sĩ Thiên Kim - Nụ cười của bà già Nam bộ
Ở ngưỡng tuổi 90, nghệ sĩ Thiên Kim đã về trời, để lại niềm thương cho công chúng và những người từng làm việc với bà. Nhiều người vẫn nhớ như in nụ cười phúc hậu, quen thuộc, của bà già Nam bộ này.
Không có vai diễn để đời, nhưng Thiên Kim lại là gương mặt đóng vai lão rất quen thuộc, không thể thiếu của phim truyền hình và điện ảnh phía Nam. Bà vẫn đi đóng phim ở tuổi U90, thuộc vài nữ nghệ sĩ lớn tuổi nhất còn làm nghề. Phim truyền hình Cây táo nở hoa là một trong những phim cuối cùng của bà, phát sóng năm 2021.
Một đại mỹ nhân của cải lương
Đó cũng là một lý do mà đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thường hay nhớ tới bà, luôn nhất định tìm dịp mời bà tham gia vào phim, mỗi khi có vai thích hợp, dù anh vẫn có thể tìm được người khác.
Vũ Ngọc Đãng chia sẻ: "Cô Thiên Kim là người diễn viên mà Đãng rất thích. Cô có kiểu diễn của một người diễn viên rất biết hoạt náo, làm không khí buổi diễn của đoàn phim rộn ràng, vui vẻ hẳn lên, cuốn mọi người theo vai diễn của mình. Một người bà đặc trưng của Nam bộ, vui vẻ, ấm áp và đáng yêu".
Nên cũng dễ hiểu khi từ làmTuyết nhiệt đới, Bỗng dưng muốn khóc, đếnHot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt… hễ cần một vai lão, một bà lão rặt miền Nam, Vũ Ngọc Đãng nhớ ngay đến Thiên Kim.
"Lý do thứ 2 của việc Đãng thích mời cô vào phim mình là cô rất dễ thương. Khi đi quay không bao giờ phàn nàn tại sao chờ lâu, quay lâu. Ngay cả khi phải diễn lại rất nhiều lần, cô vẫn vui vẻ thực hiện tới khi nào đạt yêu cầu của đạo diễn mới thôi. Cô cũng không bao giờ hỏi cát-xê, kỳ kèo thêm bớt, đoàn phim đưa bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Dù biết cát-xê cô không nhiều, nhưng cô luôn để dành chia sẻ với người tài xế xe ôm thân quen của mình". Đãng nói, trong mắt anh, đó là một người bà rất đáng yêu, một nghệ sĩ yêu nghề, luôn tạo được năng lượng tích cực.
Trong các đoàn phim, lúc nghỉ ngơi, là lúc cô sẽ thể hiện vai trò hoạt náo viên, là lúc cô sẽnói rất nhiều. Cô thường kể về cuộc đời mình, về hành trình nghệ thuật của mình, cho những lời khuyên cho lớp trẻ, rút kinh nghiệm cho những bạn diễn cùng đóng trong phim, là dịp để thế hệ sau hình dung được sống động hơn về một quãng thời gian sinh hoạt nghệ thuật ở miền Nam thế kỷ trước.
Vũ Ngọc Đãng kể một trong những chuyện làm anh có nhiều xúc động, đó là khi đi quay phim, cô Thiên Kim thường đem theo những album thời hoàng kim ngày xưa, khi cô còn đi diễn sân khấu.
"Tôi phát hiện ra cô là một trong tam đại mỹ nhân của cải lương miền Nam thời đó. Nhìn hình của cô, luôn thấy một người phụ nữ vui vẻ, sống không có gì phải buồn, thế mà cuộc đời cô lại nhiều gian truân, chìm nổiđến mức như vậy".
Vũ Ngọc Đãng kể thêm, một điều rất hay của cô Thiên Kim là rất hòa đồng. Không hiểu sao, đi quay bối cảnh ở ngôi nhà nào thì chủ nhà đều rất quý cô. Thậm chí không ít người còn nhất nhất tin tưởng, thay đổi suy nghĩ, làm theo những gợi ý mà cô đã chia sẻ, tâm sự cùng họ.
"Giấc mơ nghệ thuật của tui không bay cao như người ta, thôi thì bay la đà cho tạm đủ sống qua ngày" – nghệ sĩ Thiên Kim.
Người gặp có thể quên, nhưng thoại vai diễn thì không
Viện dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8, TP.HCM) kể từ khi được nhiều nhóm đoàn thiện nguyện tìm đến thăm, được truyền thông rộng rãi, thì Thiên Kim là một trong các "ngôi sao" ở đây, vì nhiều người luôn có ý ngóng gặp bà.
Bà chẳng hề ngại ngần, khi bao nhiêu lượt người ta tới thăm, nhất là giới truyền thông, thường hay chụp ảnh căn phòng cũ kỹ, với chiếc giường trú ngụ của mình. Bà cười một cách hồn hậu: "Mình có sao người ta chụp vậy. Mình là nghệ sĩ, mình đẹp trên sân khấu, màn ảnh, chứ cuộc đời đâu phải lúc nào cũng như vai diễn của mình đâu" - Thiên Kim tâm sự.
Những lúc đến nhà dưỡng lão, thăm hỏi không thấy bà đâu, có khi tôi lại mừng. Vì như thế rất có thể là bà đang ngồi "xe ôm tri kỷ" di chuyển đến một điểm quay nào đó của đoàn phim. Nghĩa là bà được tiếp tục hít thở không khí phim trường, nghĩa là bà sẽ có thêm chút cát-xê, dù rất nhỏ, để có thể trang trải thêm cuộc sống rất chật vật của mình. Nghĩa là bà không phải ngày lại ngày, đi ra đi vào trong vắng lặng, rồi lại ngồi đối diện với mấy bức tường cũ kỹ, chiếc giường đơn cũ, những tập hình cũ ố màu thời gian, để ký ức kéo về những năm tháng theo nghề, nổi trôi theo dòng đời của một kiếp tằm.
Nhớ có lần tôi nói bà là người được tìm kiếm nhất khi người ta đến nhà dưỡng lão. Bà cười, như vậy là khán giả còn nhớ mình và có coi mình đóng phim. Nhưng rồi bà lại ưu tư ngay: "Nhưng cậu đừng nói ra ngoài như vậy nghen, nói vậy, sợ các nghệ sĩ khác ở đây nghe chạnh lòng đó. Tui được như vầy là được tổ nghiệp thương lắm rồi".
Nhiều khi đạo diễn ngại mời bà vì phân đoạn vai quá nhỏ, bà vẫn nhận lời. Được đi đóng phim là nguồn vui lớn nhất của đời bà. "Mình già, có vai diễn giống như có dịp được làm việc, đỡ buồn chân tay, lại có thêm chút đỉnh thu nhập để có cơm ăn, vậy sẽ vui hơn".
Bà kể chuyện đời mình, có khi như trút lòng mình ra, có khi như tiếng thở, nhẹ bâng: "Cuộc đời tui nhiều buồn khổ, nhưng rồi cũng qua. Giấc mơ nghệ thuật của tui không bay cao như người ta, thôi thì bay la đà cho tạm đủ sống qua ngày".
Vinh quang nghề nghiệp tổ không cho, nhưng tổ cho bà khả năng diễn để có thể sống được với nghề, dù đạm bạc, cho đến cuối đời. Bà biết ơn tổ nghiệp từ những điều như thế.
Có lần tôi nói: "Thưa cô, con gặp cô là hơn 3 lần rồi đó". Bà cười như thể có dịp để thanh minh: "Cho tui xin lỗi nếu như không nhớ ra cậu, mà chỉ thấy có vẻ quen quen, hoặc như chưa bao giờ gặp luôn. Người già mà, nhiều khi gặp đó mà mãi cả tuần cả tháng sau ngồi ngẫm lại mới nhớ ra. Nên đừng buồn, đừng giận tui nha".
Vậy đó, mà với kịch bản phim, lời thoại nhân vật giao cho bà, thì bà luôn nhớ! Những ngày tháng cuối của kiếp tằm, hễ khỏe, thì bà lại đi đến phim trường.
Bị thương và nghỉ cải lương
Nghệ sĩ Thiên Kim (1934-2023) xuất thân là diễn viên cải lương, lên sân khấu từ năm 8 tuổi. Bà từng ca hát, rồi chuyển qua kịch nói, lồng tiếng, trước khi gắn bó hẳn với phim ảnh.
Bà cũng là một nhân chứng sống của vụ ném lựu đạn lên sân khấu cải lương Sài Gòn khi bà đang diễn vở Lấp sông Gianh (1956) của Đoàn Kim Thoa, diễn khai trương ở rạp Nguyễn Văn Hảo. Bà bị thương, nên nghỉ hẳn cải lương kể từ đó.