Nhớ một Nha Trang cũ...
(Thethaovanhoa.vn) - Những chuyến đi không theo thông lệ đôi khi mang lại những phát hiện bất ngờ, giúp khám phá những điều mà khi thuận mùa người ta thường bỏ qua. Nha Trang của 2016 thật khác xa Nha Trang trong ký ức của tôi. Và cũng không còn giống Nha Trang cách đây vài ba năm. Sự háo hức của ngày trở lại bị gió biển cuốn phăng đi từ khi nào không biết.
- Câu chuyện du lịch: Nam Du, nơi tình yêu ở lại
- Câu chuyện du lịch: Dọc đường Trung Quốc
- Câu chuyện du lịch: Lãng mạn trên những dòng sông châu Âu
- Câu chuyện du lịch: Vào chùa Lào…massage
Có sự phóng khoáng, thoáng đạt của biển và có cái hấp dẫn đặc trưng của một thành phố tỉnh lẻ. Đến Nha Trang ngày nay, lập tức nhận ra sự chuyển mình, thoáng đãng hơn, sạch sẽ hơn và văn minh hơn. Phía Nam đường Trần Phú đã biến đổi hoàn toàn. Người người làm dịch vụ và nhà nhà nói tiếng Hoa.
Chợ đêm bán những mặt hàng ít hoặc không liên quan tới biển. Khách Trung Quốc đi xem đồ Trung Quốc ở chợ đêm. Phố biển mang một vẻ đẹp na ná Đà Nẵng, mà không phải Đà Nẵng, một không khí Mũi Né mà không phải Mũi Né. Biển thì muôn đời vẫn thế, sóng vẫn xô bờ ngàn năm không đổi, còn phố, phố và người sao chẳng còn giữ được hồn xưa?
Chuyến đi đầu tiên tới Nha Trang năm xưa vào tháng 11. Thành phố có mưa và biển cũng mang màu xám. Cổ vật đầu tiên tôi sở hữu cũng là từ một chiếc tàu cổ tìm thấy nơi đây. Rồi những chuyến đi kế tiếp tới thành phố biển này đã mang tới bao người bạn mà sau này trở nên thân thiết. Chiều nay đi trên Promenade dọc bờ biển cây ngăn ngắn và thưa thớt, dừng chân bên Tháp Trầm hương giữa mênh mông bê tông bên bờ biển, chợt thèm quá những cảm giác của ngày xưa, và nhớ quá những người bạn một thời đã xa.
Tháp Bà Ponagar giờ đã mang một vẻ đẹp chỉn chu, sạch sẽ. Một vẻ đẹp ngay ngắn kiểu của một khu du lịch chỉ dành cho khách du lịch nhan nhản tại Việt Nam, tương tự như tháp Poshanu ở Phan Thiết.
Nếu như ai đã từng chứng kiến một quần thể tháp Champa, đã tồn tại từ thế kỷ thứ 13, tới những năm 80-90 của thế kỷ trước vẫn còn là một quần thể di tích sống mang đậm chất văn hóa đặc trưng vào những dịp lễ hội của người Chăm, sẽ thấy vô cùng ngỡ ngàng khi đặt chân tới tháp Ponagar ngày nay. Xưa kia, quần thể Tháp Bà Thiên Yana này mang một vẻ linh thiêng, u tịch trên ngọn đồi cao bên cầu xóm Bóng, một không khí của nơi thờ tự, của tâm linh,như những nơi thờ tự của mọi tôn giáo thường có.
Với tôi, Tháp Chàm không chỉ đặc biệt ở kiến trúc, chất liệu gạch nung với kết cấu đặc biệt và kỹ thuật xây dựng với chất kết dính bí ẩn cho tới nay vẫn còn gây tranh cãi; các ngôi tháp- đền thờ Champa này còn luôn mang một không khí linh thiêng riêng biệt nhờ cách bài trí thờ cúng giản đơn trong lòng tháp hun hút cao.
Linga, Yoni - đen bóng, tượng thờ Shiva, Vishnu, Laksma hay các vị thần khác - sống động tới từng ánh mắt, cử chỉ bằng chất liệu sa thạch...,thuần một màu trầm, hòa với màu ấm của gạch nung và rêu phong của thời gian, lẫn với một thứ mùi khó tả của các chất liệu từ đất, lửa, nước, không khí, và mùi của những con dơi sinh sống trên đỉnh tháp, đã tạo nên một không gian và bản sắc của đền tháp Champa.
Trở lại Ponagar hôm nay, để thấy một trang thờ khó gọi tên trong lòng những ngôi tháp cổ: cờ, phướn đỏ và vàng, kim sa lấp lánh, bát nhang trên bàn thờ cao bằng gỗ và linga nằm bên dưới. Khói nhang nghi ngút chắc hẳn đã làm đàn dơi khiếp sợ.
Tháp chính và các tháp phụ đều đã được trùng tu, cũng là điều đáng mừng. Dù vậy, những chi tiết bằng xi măng lồ lộ, xói ngay vào mắt. Sự chắp vá vụng về và gạch nung kiểu Việt cũng không quá khó để nhận ra. Bên ngoài cửa tháp chính cũng như trong sân, nơi cửa vào trước cầu thang lên đồi, là những đỉnh tròn có chân bằng xi măng như trong chùa Việt, chùa Hoa, để du khách thắp nhang.
Và không chỉ có thế, tiếng nhạc phát ra từ dàn âm thanh điện tử sau tháp Cô và tháp Cậu đã kéo du khách về phía đó. Không khí như trong một lễ hội sân đình. Trên thảm đỏ là các cô gái Chăm đang múa trên nền nhạc thu sẵn.
Một chương trình cũng khó gọi tên, dù trước mặt các cô là một bình đất nung khắc chữ: Traditional Champa Culture (Văn hóa Champa Truyền thống). Các cô diễn, từ điệu múa bình, múa khăn, tới múa tay và cả múa quạt với vẻ mặt vô hồn trong những động tác trả bài. Giữa các điệu múa, là một hồi trống Paranu, như kiểu thay một lời giới thiệu. Thôi vỗ trống, ông già người Chăm trong bộ đồ trắng, trở lại ngồi ngáp vặt trên chiếc ghế nhựa.
Giá vé vào tháp là 22 ngàn đồng/người. Bỏ ra thêm 50 ngàn đồng sẽ có người thuyết minh cho bạn về lịch sử của tháp. Tôi không thấy ai bỏ ra số tiền ít ỏi đó. Và như trên đường phố Nha Trang những ngày này, du khách thăm tháp hầu hết là khách Trung Quốc, khách Nga, lác đác vài người Việt, tập trung vào chuyện chụp hình cho nhau là chính.
Tôi dừng lại bên những bậc thang uốn lượn tuyệt đẹp nhìn xuống cầu Xóm Bóng và chụp và tấm hình. Nhà cửa xây mới san sát và một toà cao ốc lừng lững phía đối diện đang nổi bật trên nền trời xanh. Bỗng nhớ tới những con tàu tại hòn Rớ ở phía nam thành phố, nơi tái định cư của những cư dân xóm Bóng. Có cái gì dâng lên, nghẹn đắng trong lòng. Phố biển đang lớn lên từng ngày, nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Làm sao để giữ được bản sắc?
Bài và ảnh: Họa sĩ Trần Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần