'Nhìn đời Lệ Rơi'
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Những ngày cuối năm, lại có những chuyện làm cả nhà này, không ngoại trừ Remote tôi, phải “rơi lệ”. Không chỉ là chuyện chiếc máy bay của hãng AirAsia (gần như chắc chắn) đã rơi, mà còn cả chuyện đời rơi lệ của ca sĩ Lệ Rơi.
Câu chuyện chàng nông dân trồng ổi gây ầm ĩ trên mạng xã hội mấy tháng trước nhờ tài... hát dở, tưởng đã yên ắng, giờ được xuất hiện trở lại như một "huyền thoại sống" trong một chương trình truyền hình.
Huyền thoại kể về một chàng thanh niên thật thà, đam mê ca hát, rồi trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ, kéo theo biết bao nhiêu phiền toái trong cuộc sống. Cũng như nhiều ngôi sao mới nổi khác, lắm kẻ bắt đầu tung tin đồn về Lệ Rơi, lợi dụng Lệ Rơi để... câu view. Nghe Lệ Rơi kể lại bi kịch của mình sau khi bất đắc dĩ phải nổi tiếng, bằng cái giọng ngọng được cho là giàu âm sắc địa phương của anh, Remote cũng muốn... rơi lệ theo. Còn MC chương trình thì thể hiện cảm thông đặc biệt, liên tục động viên, cổ vũ Lệ Rơi tiếp tục giữ gìn niềm đam mê ca hát ấy.
2. Ấy thế mà, nhìn cuộc đời “rơi lệ” của Lệ Rơi, cộng đồng mạng lại chia làm hai nửa, trong đó đáng chú ý là nửa phản đối quyết liệt, cho rằng anh không xứng đáng để được lên truyền hình; và câu chuyện “rơi lệ” của anh chỉ là trò lố.
Theo trí nhớ của Remote thì ít nhất 2 lần trong chương trình về Lệ Rơi, MC đã dùng chữ "người nổi tiếng" để nói về anh. Và chương trình đã ứng xử với anh như một người nổi tiếng thực sự, khi để anh xuất hiện với tư cách khách mời, để chia sẻ câu chuyện về sự "nổi tiếng" của mình.
Nhưng với những bài hát ngô nghê được liên tiếp tung lên mạng hồi giữa năm, Lệ Rơi đã làm cho công chúng vừa tức tối, phẫn nộ lại vừa buồn cười. Và dường như anh không hẳn là chất phác, ngây thơ như cái biệt danh “chàng nông dân trồng ổi”, mà là một sự quê mùa có chủ ý để tạo thành phong cách.
Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội thì việc làm cho mình trở nên gây tranh cãi, thậm chí trở nên… đáng ghét cũng là một cách để “hot”. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về sự nổi tiếng nhưng dù cởi mở đến đâu, ta cũng không thể và không nên đánh đồng giữa nổi tiếng với tai tiếng. Sự nổi tiếng không phải là sự gây chú ý bằng những scandal hay những trò lố, cũng không phải là sự “nhẵn mặt” trên truyền thông. Sự nổi tiếng phải hàm chứa những giá trị tích cực được công chúng biết đến rộng rãi và ghi nhận.
Theo đó thì Lệ Rơi không phải “người nổi tiếng”, dù xét theo bất cứ góc độ nào.
3. Lệ Rơi được lên truyền hình. Và câu hỏi đặt ra, những ai có thể trở thành nhân vật được phỏng vấn trên báo đài?
Trong một xã hội mà quyền được tiếp cận thông tin cũng như quyền được chia sẻ quan điểm, ước mơ không phải chịu bất kỳ giới hạn nào, thì ai ai cũng có thể “lên báo đài” và trở thành nhân vật của truyền thông, từ người dân bình thường đến những người đang phải thụ án trong trại cải tạo.
Đã có rất nhiều những người "vô danh", nhưng có đóng góp cho cuộc đời một cách lặng lẽ, hoặc có số phận đáng thương, hoặc đơn thuần là làm tốt bổn phận của mình... đã được báo chí, truyền hình để cập đến, gây xúc động sâu sắc trong công chúng.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là nhân vật đó xuất hiện trước công chúng với tư cách gì? Sẽ là rất lố bịch nếu một người bình thường lại lên báo nói đến những vấn đề cao siêu, hay một kẻ đang trong trại giam lại rao giảng về đạo đức.
Lệ Rơi thích hát, nhưng việc hát của anh không mang lại giá trị tích cực nào và ngay cả sự ngô nghê của anh cũng chỉ gây tức cười chứ không phải tạo ra sự khôi hài một cách sảng khoái. Anh cũng không phải người đam mê ca hát thực sự, bởi lẽ, nếu đam mê anh phải có ý thức trau dồi để giọng hát cũng như phong cách của anh ngày càng tốt hơn.
Vì thế, truyền thông không nên để anh xuất hiện với tư cách một người đam mê ca hát, chưa nói đến tư cách một người nổi tiếng về âm nhạc, dù là ca nhạc phong trào. Truyền thông chỉ nên để anh xuất hiện với tư cách “người trong cuộc” về một hiện tượng kỳ quặc của thời đại bùng nổ truyền thông xã hội.
Không ai cấm Lệ Rơi lên báo đài, nhưng hãy đặt anh đúng vị trí và tương xứng với những gì anh tung ra xã hội.
Remote
Thể thao & Văn hóa