Nhiều nhân sự lâu năm bị sa thải bức xúc: “Đừng trung thành và tôn vinh văn hóa công ty làm gì. Làm vì tiền và ra đi khi đến lúc”
Những vụ sa thải hàng loạt của những “gã khổng lồ” công nghệ đã khiến các nhân viên bị sốc vì nhiều lý do, chẳng hạn như cách họ bị sa thải và sự thiếu tôn trọng dành cho những nhân sự trung thành đã làm việc lâu năm.
Nhiều tranh cãi nổ ra: “Làm vì tiền và ra đi khi đến lúc”
Từ cuối năm 2022 cho đến tháng 1/2023, thế giới chứng kiến nhiều đợt sa thải nhân sự lớn nhất trong lịch sử của các tập đoàn công nghệ như Google, Microsoft và Meta… Google của Alphabet vừa thực hiện đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử công ty. Microsoft cũng ra thông báo họ sẽ sa thải 10.000 nhân viên trong năm tài chính 2023. Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg, công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, cũng đã sa thải hơn 11.000 nhân viên vào tháng 11/2022. Những tập đoàn công nghệ lớn trên vốn được xem là nơi làm việc lý tưởng, đáng mơ ước nhất, nhưng hiện tại, điều đó đã không còn nữa.
Những vụ sa thải hàng loạt của những “gã khổng lồ” công nghệ đã khiến các nhân viên bị sốc vì nhiều lý do, chẳng hạn như cách họ bị sa thải và sự thiếu tôn trọng dành cho những nhân sự trung thành đã làm việc lâu năm. Nhiều người cũng tức giận với Google khi họ sa thải nhân viên mặc dù vừa mới công bố lợi nhuận ròng 17 tỷ USD trong tháng 9. Thất vọng với việc sa thải hàng loạt, các nhân viên bị cho thôi việc nói rằng, đáng lẽ ra hội đồng quản trị nên sa thải CEO Sundar Pichai của Google.
Một số nhân viên vừa bị sa thải đã làm việc cho Google trong suốt 20 năm. Khi các nhân viên đã chấp nhận những gì vừa xảy ra với họ, một cuộc tranh luận bắt đầu diễn ra rằng liệu mọi người có nên trung thành với công ty mà họ đang làm việc không nếu cuối cùng công ty vẫn nhẫn tâm cắt giảm chi phí.
Anh Ankur Kesharwani, kỹ sư phần mềm tại Walmart, cho biết một nhân viên đã làm việc 21 năm tại Microsoft và 16 năm nữa tại Google. “Nếu một nhân viên trung thành có thể bị sa thải trong nháy mắt mà không hề có thông báo trước nào thì đừng đánh giá lòng trung thành của ứng viên dựa trên việc họ thường xuyên nhảy việc trong quá khứ. Khi một công ty không coi trọng lòng trung thành thì tại sao nhân viên phải trung thành? Đồng ý chứ? – anh này viết trên LinkedIn.
Xa hơn, Suraz G, một kỹ sư dữ liệu, thậm chí gợi ý rằng tất cả những gì người lao động nên quan tâm bây giờ là tiền. “Ngay cả khi đã làm việc 20 năm tại Google, nhiều nhân viên đã bị sa thải. Đó có thể là cả cuộc đời của một người. Quả là một trò đùa hay nhất về lòng trung thành”, anh cho biết. “Bài học rút ra là: Công ty không phải là nhà của bạn và bạn không phải là một thành viên trong gia đình. Đừng có trung thành tôn vinh văn hoá làm việc của công ty làm gì. Làm vì tiền và đi khi đến lúc.”
Nhân viên có thâm niên bị sa thải, ngay cả sản phụ cũng không “thoát”
Nhiều nhân viên bị sa thải đã bày tỏ rằng họ bị sốc trước vụ sa thải, bởi không bao giờ nghĩ rằng Google lại ra một quyết định như vậy, vì công ty vẫn có sự tăng trưởng và ổn định.
Một ngày sau thông báo, Pulkit Pahwa, Giám đốc chương trình chính của Google, cho biết: “Hôm qua là một ngày không thể tin được khi biết những người bạn và đồng nghiệp mà tôi làm việc cùng trong nhiều năm đã bị sa thải." Cô nói thêm, giống như mọi công ty công nghệ khác, các nhân viên sẽ lo sợ rằng điều đó sẽ đến, "nhưng họ gạt bỏ đi, nghĩ rằng 'không, Google sẽ không làm điều đó', nhưng cuối cùng họ đã làm."
Anusha Bayyarapu, một chuyên gia nhân sự, cho biết cô cũng không may là một trong số 12.000 nhân viên bị sa thải. Cô cho biết mọi người cực kỳ thất vọng vì đây là một cú sốc quá bất ngờ.
Google cũng sa thải một nhân viên đang mang thai 8 tháng. Tin tức về việc sa thải nhân viên là một cú sốc đối với Katherine, người chỉ còn một tuần nữa là sẽ sinh con và chuẩn bị nghỉ phép. "Tuy nhiên, khoảnh khắc tôi kiểm tra điện thoại của mình, trái tim tôi thắt lại", cô viết trên LinkedIn.
Justin Moore, giám đốc kỹ thuật tại Google, đã có thời gian 16 năm 5 tháng làm việc tại đây. Anh ấy đã bị sa thải thông qua hình thức hủy kích hoạt tài khoản tự động lúc 3 giờ sáng. Và không nhận được bất kỳ hình thức liên lạc nào khác. Trong một bài đăng, anh chia sẻ: “Điều này cho thấy công việc không phải là cuộc sống của bạn và các nhà tuyển dụng - đặc biệt là những công ty lớn, vô danh như Google - coi bạn là người hoàn toàn có thể sử dụng được. Hãy sống đời mình, chứ không phải sống vì công việc”.
Moumita Mukherjee, Giám đốc Thu hút nhân tài tại Talent500, cho biết cô đã gắn bó với Microsoft trong thời gian dài nhất và luôn vô cùng tự hào về khả năng lãnh đạo, quản trị và kỹ thuật của họ. Tuy nhiên, cô nói, công ty đã khiến cô thất vọng với lần sa thải hàng loạt 10.000 nhân sự.
Trong một bài đăng chi tiết, cô ấy đã hỏi ý nghĩa của sự ổn định ngày nay là gì nếu những gã khổng lồ CNTT toàn cầu như Microsoft, Amazon Web Services (AWS) và Google không thể chịu được một cơn bão suy thoái và chọn cách vứt bỏ nhân viên của họ như lá khô, những người đã được tuyển dụng sau 7 đến 11 vòng phỏng vấn, nhiều lần phê duyệt và đào tạo.
"Bạn sẽ viết gì khi lên kế hoạch cho đợt tuyển dụng tiếp theo? Bạn có nghĩ rằng chỉ cần trả nhiều hơn mức lương của các công ty dịch vụ là đủ hấp dẫn nhân tài ngay bây giờ không? Bởi vì chúng tôi đã thấy rằng bạn chắc chắn không thể tiếp tục trả mức lương đó mãi mãi,” cô thắc mắc - một câu hỏi rõ ràng nhắm vào các nhà lãnh đạo.
Theo Business Today