Nhảy việc vì lý do này cũng như nhảy từ hố lửa này sang hố lửa khác: Một điểm nhiều người tưởng nâng được lương nào ngờ phải ôm tiếc nuối
Nếu có cơ hội tốt hơn môi trường hiện tại, bạn hoàn toàn có thể nhảy việc. Tuy nhiên, nếu đưa ra quyết định này với những lầm tưởng dưới đây bạn sẽ rất dễ nhận về sự nuối tiếc.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của Khang Tuấn (39 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc), người đã gắn bó 10 năm với công việc tuyển dụng tại nhiều công ty.
Tôi bắt đầu lập kế hoạch nghề nghiệp cách đây 8 năm. Sau khi trải qua những lần nhảy việc của chính bản thân mình và đọc các hồ sơ chuyển việc của nhiều ứng viên, tôi nhận ra hầu hết các vấn đề khiến nhân sự nhảy việc đều đến từ sự hiểu lầm về nhận thức nghề nghiệp. Kiểu hiểu lầm này dẫn bạn đến trình trạng kiệt sức tại nơi làm việc và luôn cảm thấy bản thân thiếu giá trị …
Sau khi rơi xuống "hố lửa" này, phản ứng đầu tiên của nhiều người luôn là tìm cách thoát khỏi, tương ứng với nhảy việc. Tuy nhiên nếu không hiểu bản chất của nghề nghiệp mình đang làm, bạn dễ dàng rơi vào trạng thái nhảy từ hố lửa này sang hố lửa khác.
Trong 3 năm qua, tôi bắt đầu nghiên cứu về chuyển đổi nghề nghiệp và nhận thấy rằng hầu hết mọi người thất bại trong nhảy việc vì mắc phải 3 lầm tưởng này
Lầm tưởng 1: Nhảy việc mù quáng vì áp lực bên ngoài
Ảnh minh hoạ
Đây là sai lầm của nhiều người tưởng rằng sẽ giúp gia tăng thu nhập cho bản thân nhưng cuối cùng phải ngậm ngùi tiếc nuối. Tôi từng gặp trường hợp của Chí Long, một người bạn cùng lớp từng là trưởng nhóm phòng tại một doanh nghiệp của nhà nước.
Hồi đi học, anh ấy là một người có thành tích tốt, thi đỗ chuyên ngành kế toán tại ĐH Renmin. Sau khi tốt nghiệp ĐH, một nửa bạn học cùng lớp của anh vào làm việc tại các Big Four, một nửa làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước. Nhìn chung, tất cả bạn học của anh ấy đều là những người tài năng và được các doanh nghiệp săn đón.
10 năm sau, trong một cuộc hội ngộ với các bạn đại học, Chí Long phát hiện ra các bạn của anh đều giàu có và thành công hơn mình. Nghe mọi người kể về những gì có được như đầu tư bất động sản ở nước ngoài, cho con cái học trường quốc tế… khiến anh cảm thấy bản thân kém cỏi.
Chí Long tự đặt câu hỏi tại sao 10 năm lại có thể tạo được khoảng cách lớn đến như vậy. Khi thấy công ty của một người bạn cùng lớp tình cờ tuyển dụng vị trí phân tích đầu tư và bán sản phẩm tài chính với mức lương cao hơn hiện tại, anh đã nhảy việc bất chấp sự an toàn.
Tuy nhiên sau khi thay đổi công việc, Chí Long phát hiện ở môi trường mới anh không thể đạt được bất kỳ thành tích nào, dẫu đã làm việc chăm chỉ. Áp lực công việc cao cộng với tâm lý chán nản, anh phải tự viết đơn nghỉ việc sau 6 tháng.
"Nhảy việc" vì áp lực kinh tế có thể khiến bạn có những quyết định mù quáng. Khi nhìn thấy lương cao nhưng không suy xét bản thân có phù hợp không, bạn rất dễ nghỉ việc ngay sau đó.
Lầm tưởng 2: Làm việc quá sức rồi rơi vào trạng thái tụt dốc
Hiểu lầm này sẽ đến khi bạn cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại. Khi thấy bất kỳ cơ hội nào đến ngay lúc đó có vẻ ổn, bạn quyết định "nhảy việc".
Một trường hợp khác là Khương Hạ, người đã làm việc trong bộ phận tiếp thị của một công ty nước ngoài được 5 năm. Theo thời gian, cô luôn cảm thấy không còn hứng thú với việc đi làm mỗi ngày.
Vốn dĩ là người yêu thích thời trang, trong lúc đó cô lại gặp được một lời mời làm việc tại một công ty khởi nghiệp về thời trang. Không chần chừ lâu, cô quyết định nghỉ việc sau 5 năm gắn bó. Tuy nhiên ngành thời trang có những điểm khác so với truyền thông. Thực tế, sự thay đổi môi trường làm việc này không giảm bớt sự mệt mỏi cho Khương Hạ. Bởi nhảy việc sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, cô phải học lại từ đầu. Điều này khiến cuộc sống của cô càng áp lực thêm bởi phải đuổi theo bắt kịp mọi người. "Tôi như nhảy từ hố lửa này sang hố lửa khác và ngọn lửa ngày càng trở nên lớn hơn", Khương Hạ chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Lầm tưởng 3: Coi sở thích là nghề nghiệp
Tôi có một người anh họ làm công nhân viên chức nhà nước ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Dẫu vậy song anh ấy luôn yêu thích nhiếp ảnh và chụp khá đẹp. Nhiều bạn bè thường rủ anh đi chụp ảnh cưới hay chụp ảnh nghệ thuật.
Sau một thời gian tập tành chụp và nhận được sự tin tưởng của mọi người, bất chấp sự can ngăn của gia đình, anh quyết định nghỉ việc để mở một studio chụp ảnh. Kết quả là trong vòng nửa năm, studio của anh phải đóng cửa do vắng khách.
Lúc này anh mới dần nhận ra chụp ảnh để nhận được tiền đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn so với việc bạn chụp ảnh cho người quen. Thêm nữa, việc mở một studio chụp ảnh đòi hỏi nhiều về việc truyền thông để khách hàng biết đến hay vận hành hệ thống nhân viên… Tuy nhiên khi nhận ra điều này, anh ấy đã mất công việc ổn định và một khoản tiền lớn để đầu tư vào studio.
Những ước mơ và sở thích tưởng từng rất đẹp đẽ nhưng khi áp dụng vào thực tế mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn. Chỉ khi có kế hoạch cụ thể, sở thích và đam mê mới trở thành sự nghiệp của bạn.