Nhân duyên và cái chết trong ‘Yêu trên đỉnh Kilimajaro’
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi lấy cái nhan đề "Nhân duyên và cái chết" để viết về nữ nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang và tiểu thuyết gần đây nhất của cô Yêu trên đỉnh Kilimajaro...
Nhà văn nói rằng ngay từ nhỏ đã tò mò về tình yêu nam nữ và cái chết, đối với những người lớn tuổi như chúng tôi, thì khái niệm nhân duyên được đề cập nhiều hơn khái niệm tình yêu, tình yêu là biểu hiện cụ thể của nhân duyên.
Tại sao người này gặp người kia, tại sao họ gần nhau và xa nhau, cái đó có lý do nhân duyên của nó, mà lại không dễ dàng lý giải. Hai đề tài này, không chỉ nữ nhà văn quan tâm, mà có lẽ tất cả nhà văn, hay tất cả mọi người quan tâm, vì nó không hiểu được, không biết trước được, khi nào chúng ta yêu một người và rồi không yêu nữa và ngược lại, khi nào chúng ta từ giã cõi đời, hay đằng sau cuộc sống còn cái gì, hay là một khoảng trống rỗng vô nghĩa.
Phật giáo đã lý giải cho người ta phần nào, an ủi người ta phần nào, và nói rằng còn có những cái lớn hơn tình yêu và cái chết, là lòng bác ái và sự vĩnh hằng, chỉ có thể cảm nhận được bằng giác ngộ, bằng sự hòa tan một giọt nước vào biển cả, để nó không còn bị khô cằn.
Năm 2007, Quỳnh Trang cho ra mắt cuốn truyện đầu tiên có nhan đề 1981 - đây là năm sinh của cô, người tự tri giác về mình với bản năng nguyên thủy của người đàn bà. Sau đó là tiểu thuyết Nhiều cách sống, Mất ký ức, cùng hai tập truyện ngắn 24h và Cho một hành trình, cùng một bút ký văn học, có thể tạm coi là viết và phê bình chân dung các nhà văn Đi về không điểm đến.
Đến năm 2014, thì cô cho ra mắt cuốn truyện 9x’09. Cuộc đời còn trẻ mà long đong với đàn con và nhân duyên của mình, cũng đáng viết một tiểu thuyết, nhưng trước mắt nó là động lực để một người đàn bà luôn bị mất điểm tựa, có chỗ mà sống - đó là văn học - một hiện tượng đẹp nhất trên đời (theo cách nói của Pautopsky), người ta viết văn để trang trải niềm vui nỗi buồn của mình vào đó, tự sự với mình và học hỏi một nghệ thuật văn chương, hay khoe mẽ cũng thế, với trần ai.
Đỉnh núi Kilimanjaro là ngọn núi cao duy nhất ở châu Phi có tuyết của lục địa nóng bỏng. Đối với những người muốn leo Everest, thì bước đầu tiên là phải leo được đỉnh Kilimanjaro, và tất nhiên còn vài đỉnh khác. Hemingway nhà văn Mỹ đã viết một truyện ngắn Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro với những con người tự giữ riêng nỗi đau khổ của mình. Quỳnh Trang chưa bao giờ, hay chưa đặt chân đến đây, tất cả những tư liệu về ngọn núi hay leo núi, cô hoàn toàn khai thác từ mạng, nhưng nó chỉ là cái bối cảnh, mà con người phải leo lên đâu đó trong tâm hồn mình, những đỉnh núi trong mình, những kiểm nghiệm bên ngoài, là để bộc lộ cái tâm hồn bên trong.
Trong truyện của cô nhân vật Lynh cùng nhóm bạn trong đó có hai chị em Jenly và Jen rủ nhau leo đỉnh Kilimanjaro, nhưng Jenly đã chết khi tập leo núi Everest, còn Jen thì gặp tai nạn khi tập leo núi lên đỉnh Shira, và hai chị em song sinh đã gửi gắm Lynh đem một bức tranh thangka lên đỉnh núi kia và giở ra. Nữ nhà văn, hoàn toàn xây dựng câu chuyện của mình ở một nơi xa lạ - Nepal và Tazania, con người và tên tuổi đều không quen thuộc, theo cách hiểu thông thường của chúng ta, những người quen đọc truyện Việt Nam.
Phật giáo và các ý niệm của nó được dùng nhiều trong cuốn sách, có thể là không xa lạ gì, nhưng việc leo núi, vượt lên một cái gì đó quá sức tưởng tượng, khi đặt mình vào đó, mới biết mình là thế nào, cũng không phải là cách ta thường làm. Trừ trong chiến tranh, do hoàn cảnh bắt buộc. Người Việt không phải là người phiêu lưu, thích một sự trải nghiệm xa lạ. Nhưng đó cũng chẳng phải ý định của nhà văn, qua nhân vật cô sống đa tuyến, với nhiều tâm trạng khác nhau của những người khác nhau, đi tìm mục đích riêng của mình, vô vọng và lạc lối, không hiểu ngay cái gần nhất, nhưng lại dấn thân vào cái nguy hiểm nhất.
Con người - đàn ông, đàn bà, yêu đương, làm tình, bày tỏ, đi lại, ăn uống… nhưng chẳng bao giờ đúng ý định mà nó đặt ra, nó là phương tiện của chính nó, khi tìm mục đích bên ngoài nội tâm, điều mà Phật giáo nói con người xa bản thể của mình, như đi xa quê hương, không quay trở lại được.
Tâm tư, ái tình, đi lại, ăn ở… hành động và tâm trạng cứ tiếp diễn bên nhau để đi đến một cái đỉnh vô nghĩa, may mà sự thay đổi của hoàn cảnh mới là cái hấp dẫn. Những nhân vật cùng nhau kể chuyện, nói về mình và nói về người khác, đuổi theo suy tưởng mà cứ nghĩ là đang sống thật, câu này nối tiếp câu kia, đôi khi không biết nắm bắt mạch văn thế nào. Quỳnh Trang viết như là ám ảnh và làm một cuộc chơi liều lĩnh với bản thân mình, trong sự nghiệp văn học không có kết quả nào cụ thể mà cô theo đuổi, khi hàng ngày sống vẫn phải làm cái gì đó không phải là văn học, và nuôi một đàn con với những thách thức không nên thơ tý nào.
Thế nhưng người ta không băn khoăn về thực tại, mà băn khoăn về các ý niệm, tưởng tượng, về những cảm giác không thực lôi kéo con người đi mãi lên đỉnh núi cô độc, lạnh ngắt. Tiểu thuyết hiện đại, không cần có nội dung và kết cấu cụ thể, nó là một tâm trạng miên man kéo dài, không kết thúc được, khi chúng ta không có ý định chết, theo ý nghĩa là một thân xác huyễn tưởng.
Ra mắt Yêu trên đỉnh Kilimajaro và trò chuyện về “Tình yêu & Cái chết” * Sách được ra mắt chính thức lúc 9h sáng thứ Bảy, 29/10 tại đường sách Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM với diễn giả là nhà nghiên cứu nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân và nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang * Vào lúc 19h30 ngày thứ Ba, 1/11 tại Quán Cây, 16-18 Ký Con, P7, Q. Phú Nhuận, TP.HCM, độc giả có thể gặp lại nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang và các nghệ sĩ, trí thức Sài Gòn cùng thảo luận chuyên đề Văn học & Tâm linh. * Vào lúc 20h ngày thứ Bảy, 5/11 tại Cafe 81, 216B Nguyễn Văn Nguyễn, P. Tân Định, Q1, tác giả sẽ gặp gỡ các độc giả trẻ để thảo luận đề tài “Tình yêu & Cái chết”. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng