Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 'Đích thân' sáng tác nhạc cổ động bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Vui bóng đá vẫn không quên “nhiệm vụ”. Hồ hởi với mùa giải World Cup 2018, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đang “tiện thể” hâm nóng lại một ý tưởng sáng tác bỏ ngỏ vài năm nay.
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 'Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều'
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đưa danh sách 300 tác phẩm gây nhiễu loạn xã hội
- Lần hiếm hoi nhạc sĩ Phó Đức Phương ngồi hát ở 'Trên đỉnh Phù Vân"
“Kho bài hát dành để cổ động bóng đá của chúng ta đang hơi nghèo nàn. Cứ “5 anh em trên một chiếc xe tăng” lặp đi lặp lại, hay thật đấy nhưng không phải của bóng đá” - nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Vậy là ông sẽ “đích thân” sáng tác nhạc để người Việt Nam cổ động bóng đá?
- Đúng vậy. Nhưng cụ thể nó như thế nào tạm thời tôi chưa muốn tiết lộ. Vì chưa ưng lắm, và cũng tránh “lộ bài”. Người ta khi sáng tác thì hồ hởi, đầy cảm hứng. Còn tôi mà đã sáng tác là hay có thiên hướng tự đặt cho mình trách nhiệm, phải hoàn thành một “mệnh lệnh” nào đó, thành ra hay e sợ và lo lắng. Nên cứ phải thật ưng thì tôi mới công bố.
Tất nhiên, không cần quá cầu kỳ về âm nhạc, cũng không cần quá nhiều lời nhưngphải làm sao để giai điệu ấy phải thật gần gũi, dễ thuộc và mọi người thích hát theo.
Hơn nữa, bài hát cổ động phảicó tác dụng kết nối người yêu bóng đá và cầu thủ để tạo thành một thực thể sôi động, gắn kết trên sân vận động.
Hiện tại, trong sổ tôi đã có một số đoạn, viết từ vài năm trước rồi. Giờ nhân mùa WC 2018 mới “hâm nóng” lại nó. Khi nào hoàn thiện, tôi sẽ liên hệ với Liên đoàn Bóng đá để xúc tiến tiếp. Tôi cũng muốn khi nào có dịp sẽ được phổ cập cho các cổ động viên.
* Giờ không còn vướng bận với công việc bản quyền, hẳn nhạc sĩ đã có thể “thảnh thơi” dành thời gian cho World Cup 2018?
- Ngày 3 trận thì thường tôi sẽ xem hết cả 3 đấy, kể cả có khi mệt lử vẫn cố thức đến 3h sáng xem cho hết. Tất nhiên là cũng có một vài trận vì lý do này khác mà buộc phải bỏ.Nhưng đúng là từ nay trở đi mệt quá thì chắc phải thôi. Mình cũng còn phải giữ sức khỏe và dành thời gian làm công việc khác nữa.
* Một thú vui khi xem bóng đá là thưởng thức đồ uống có cồn. Mà nghe nói, tửu lượng của ông cũng “không phải dạng vừa”... Đây có nằm trong thói quen xem bóng đá của ông?
- Đúng là tôi có uống được, nhưng xem bóng đá thì chẳng bao giờ uống. Một là vì tôi xem ở nhà với con trai. Có hai bố con thì uống làm gì, phải khi nào bạn bè tụ tập kết giao thì uống mới vui chứ.
Thứ hai là như tôi nói ở trên đấy, mình cũng không còn trẻ trung nữa, nên phải tự ý thức giữ sức khỏe. Để còn làm nốt trách nhiệm với đời, với người, với nghệ thuật.
* Ở World Cup năm nay, nhạc sĩ yêu thích đội nào? Và trận đấu nào ông cảm thấy “mãn nhãn” nhất?
- Không phải riêng đội nào mà trước giờ tôi vẫn luôn thích bóng đá Nam Mỹ. Đầy cảm hứng với những màn trình diễn tài nghệ cá nhân rất đẹp mắt và hoa mỹ.
Tôi cảm giác như bóng đá gần đây đã có sự thay đổi theo hướng thiên về lối đá chặt chẽ, có sự tham gia sâu của chiến thuật, trí tuệvà cũng “thực dụng” hơn. Bóng đá giờ đây, sự đấu trí của các HLV ngày càng giữ vai trò quyết định nhiều hơn.
Ví dụ cho sự “đối mặt” của2 lối đá trên là trận Đức - Mexico. Ở trận này, lối đá lạnh lùng, chặt chẽ và thực dụng của Đức đã phải chịu thua thứ bóng đá ngẫu hứng và sôi động của Mexico.
Hay trận khác tôi rất thích là Brazil - Costa Rica. Nó cho thấy tính bất ngờ của bóng đá với 2 bàn thắng của Coutinho và Neymar ở những phút bù giờ cuối cùng.
* Nói rộng ra, bất ngờ ở World Cup 2018 còn nằm ở những chiến thắng hay trận hòa của các đội “cửa dưới” trước những đội vốn được coi là mạnh. Ông nghĩ sao?
- Trong bóng đá, không có gì là không thể. Với sự thay đổi của bóng đá như tôi nói ở trên, thắng thua phụ thuộc nhiều vào chiến thuật, chứ không phải là ngôi sao.
* Ngoài World Cup, nhạc sĩ có hay theo dõi các giải đấu bóng đá khác?
- Tôi yêu bóng đá, nhưng không phải theo cách “chuyên nghiệp”. Vốn dĩ tôi chỉ yêu bóng đá khi nó được gắn với màu cờ sắc áo, với khát khao thể hiện đẳng cấp của mỗi đất nước. Ví dụ World Cup là sự tranh tài của các quốc gia, hay đặc biệt giải bóng đá châu Á mà có đội tuyển Việt Nam thì tôi càng thích.
Chứ tôi không đi sâu vào giải đấu các khu vực như Ngoại hạng Anh hay Cúp C1... vì không đủ thời gian và điều kiện.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương!
Giống và khác nhau giữa âm nhạc và bóng đá Bóng đá hay âm nhạc, cả hai đều là thứ nghệ thuật được thể hiện theo diễn tiến thời gian. Nó buộc khán giả phải theo dõi liên tục, mỗi thời điểm lại một khác. Bóng đá cũng có những vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật, và không có gì sai khi dùng từ “nghệ thuật bóng đá”. Hơn hết, nó còn hấp dẫn hơn âm nhạc hay bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác bởi sự hồi hộp, đầy kịch tính của kết quả cuối cùng. Mối quan tâm hàng đầu của công chúng là kết quả, bên cạnh việc thưởng thức màn trình diễn của các cầu thủ. Nhưng cũng bởi thế mà người ta hiếm khi xem lại một trận bóng đá, trừ các nhà chuyên môn, nó khác với việc một nhạc phẩmcó thể được nghe đi nghe lại, thậm chí đến cả vài trăm năm.(Nhạc sĩ Phó Đức Phương) |
Hà My