Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng: Thích đi long nhong, viết nhạc bụi đời
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ “cú đúp” được vinh danh ở hạng mục Nhạc sĩ của năm và Bài hát của năm tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10 – 2015, Bốn chữ lắm và nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng tiếp tục “tung hoành” tại các sân chơi và giải thưởng từ âm nhạc đến…không phải âm nhạc.
- Clip: Giải ' Nhạc sĩ của năm' xướng tên Phạm Toàn Thắng
- Phạm Toàn Thắng thử nghiệm kết hợp pop và opera
Muốn giữ sự ngây thơ trong âm nhạc
* Anh nghĩ gì về năm 2015 của mình?
- Nếu nói ngắn gọn, đây là một năm tôi gặt hái thành quả với những giải thưởng âm nhạc mà mở đầu là giải Âm nhạc Cống hiến.
Tuy nhiên, năm qua, tôi cũng có sự trầm lắng trong hoạt động sáng tác vì cần có thời gian tái tạo năng lượng, để có thể đi trên một con đường âm nhạc riêng biệt hơn.
* Một người trẻ mới “nổi” như anh tại sao trầm đi mà không tận dụng cơ hội này để “nổi” lên hơn nữa?
- Đúng là có nhiều người “nói nhỏ” với tôi rằng sao tôi dại thế, không tận dụng “đà” này để “tiến thân” nhưng tôi lại nghĩ khác.
Thực tế, nếu không tiết chế bản thân, tìm hiểu và khám phá chính mình thì thời gian đâu mà viết những ca khúc mới mẻ ? Có đặt bút rồi sẽ chỉ viết ra những thứ quanh quẩn, lặp đi lăp lại bản thân dù điều này có thể giúp mình có rất nhiều tiền.
Vì thế, tôi không muốn chạy theo “cơm áo gạo tiền” một cách mù quáng. Tôi luôn muốn được giữ sự ngây thơ trong sáng trong âm nhạc. Các sáng tác phải đúng với cảm xúc và tâm hồn của mình mới chân thật và có giá trị văn minh đẹp đẽ dành cho khán giả. Mà như thế thì không thể nóng vội được!
* Tôi nghĩ, 2015 cũng là năm đánh dấu mốc chặng đường 10 năm của anh kể từ “Cô bé mùa đông”?
- Năm 2005, sau thành công với Cô bé mùa đông, mọi người đã nghĩ tôi sẽ tiếp tục sáng tác nhưng tôi lại “lặn” tới 3 năm trời. Khi đó, tôi vẫn viết nhạc nhưng không công bố vì cảm thấy mình chưa có trải nghiệm cuộc sống.
Cho đến năm 2010, cô bạn cùng thời Lê Cát Trọng Lý khiến tôi phải suy nghĩ lại bản thân theo kiểu “bạn đó bằng tuổi mình mà làm được vậy, tại sao mình lại không”? Khi đó, Lý đi lên rất nhanh, đoạt các giải thưởng từ phong trào sinh viên. Tôi vừa thần tượng cô ấy, vừa cảm giác mình bị thôi thúc: phải vạch ra mục tiêu phấn đấu được như cô ấy.
Nhưng lúc đi tìm con đường cho chính mình, tôi cũng trải qua nhiều khó khăn, bao gồm cả vấp ngã, bấp bênh. Tôi đi làm văn phòng gần 3 năm và trong 3 năm đó, tôi đổi việc 2 lần. Thực sự, tôi đã phải làm những công việc không hề trong suy nghĩ và mong muốn của bản thân.
Nhưng ngay cả khi thành công với ca khúc Uống trà tôi vẫn phải sống “chân trong chân ngoài” vì kinh tế. Chỉ sau khi thành công với Lạc, tôi mới “bứt ra” khỏi những công việc khác.
Phạm Toàn Thắng trên thảm đỏ Cống hiến lần 10 - 2015
* Được gọi là hit-maker (người tạo ra các tác phẩm đình đám) mà anh vẫn còn hoang mang vì khả năng … kiếm tiền?
- Ồ không! Thứ nhất, tôi không phải là hit-maker. Đó phải là người sáng tác ra bài nào, bài đó thành “hit” chứ tôi chỉ có 2-3 bài, không thể gọi như thế được.
Hơn nữa, tần suất của các nhạc sĩ khác có thể viết hàng chục bài trong một năm trong khi với tôi, chỉ khoảng 5-6 bài.
Ai cũng biết, trên thế giới, một nhạc sĩ có thể sống cả đời vì một ca khúc “hit”. Trong khi ở Việt Nam, ca khúc “chợ” hay không “chợ” cũng như nhau. Vì thế, nếu để tôi giàu hơn hay các nhạc sĩ có “hit” sống “khỏe” hơn, thì mong khán giả nghe nhạc có ý thức hơn.
Giữ khoảng trời riêng cho những ca khúc “thực sự riêng tư”
* Cho đến giờ, anh vẫn làm nhạc để vui là chính chứ?
- Tất nhiên là để vui rồi. Nếu mệt là tôi thôi luôn!
* Vậy có khi nào anh chán ghét âm nhạc không?
- Có chứ ! Nghe nhạc nhiều quá, tôi cũng buồn…ói. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích là người viết nhạc bụi đời, đi long nhong. Tôi không thích “chui” vào phòng thu...
* Theo anh, nhạc Việt năm 2016 sẽ đi về đâu?
- Tôi nghĩ âm nhạc sẽ có xu hướng điềm đạm hơn, khả năng âm nhạc mang tính mộc sẽ quay trở về, âm nhạc điện tử hướng tới sự gợi cảm, tạo không gian nhiều hơn.
Các thể loại khác như R&B đích thực, blue, jazz, hiphop vẫn có chỗ đứng và hi vọng khán giả sẽ cởi mở chấp nhận những sự mới mẻ, thay đổi trong âm nhạc.
* Còn với cá nhân mình, anh sẽ hoạt động như thế nào trong năm 2016?
- Tôi rất thích làm việc với người trẻ nên sẽ tiếp tục cộng tác với họ trong các dự án âm nhạc của mình. Ngoài ra, tôi mong muốn trở thành nhà sản xuất để định hướng, giúp họ có những sản phẩm tốt hơn cho thị trường âm nhạc Việt Nam vì tôi tin rằng người trẻ sẽ làm được những việc mà những người không còn trẻ không làm được.
Bên cạnh đó, tôi còn có những khoảng trời riêng dành cho chính mình. Đó là sáng tác những ca khúc thực sự riêng tư – những ca khúc mà từ khâu làm nhạc, sản xuất và trình bày đều do tôi đảm nhiệm. Việc này không gọi là “bon chen” với ca sĩ nhé, mà là cách tôi chiều chuộng bản thân mình thôi!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tổng kết 1 năm bằng các con số của Phạm Toàn Thắng 28 - số tuổi đời 7 - số giải thưởng 5 - số lượng ca khúc mới ra mắt 7 - số lượng ca khúc chưa công bố 3 - số lượng ca khúc thích nhất trong năm nay: Say you do, Nước ngoài, Ăn gì đây. |
“Đề cử” Cống hiến lần 11 – 2016 của Phạm Toàn Thắng Khi được Thể thao & Văn hóa đề nghị tổng kết đời sống âm nhạc 2015 theo hình thức nhà báo bầu Cống hiến, Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Chương trình của năm tôi sẽ vẫn chọn Giai điệu tự hào, nhạc sĩ của năm tôi chọn Khắc Hưng, ca khúc của năm tôi chọn Say you do (Tiên Tiên), Thật bất ngờ (Trúc Nhân), Ăn gì đây (Hòa Minzy), Nước ngoài (Phan Mạnh Quỳnh). Năm nay, quá ít album để chọn lựa nhưng có album Bóng tối jazz của Giáng Son, Rễ cây của Sa Huỳnh và Streets Rhythm của Hà Anh Tuấn. Tiên Tiên cũng là một nhân tố dành cho hạng mục Nghệ sĩ mới của năm. Trong năm qua, các ca sĩ tên tuổi tôi thấy không có hoạt động mang tính đột phá mới mẻ nhiều nên rất khó gọi tên ai, có chăng vẫn phải nhắc đến Tùng Dương”. |
Ngọc Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016